Phóng to |
Đã mười ngày nay hàng hóa nằm trên các tàu ở Phan Thiết vẫn chờ thời tiết tốt để đưa ra đảo Phú Quý - Ảnh: K.Nguyên |
Liên tục trong những ngày qua, tại vùng biển Phú Quý (Bình Thuận) có gió mùa đông bắc cấp 6, cấp 7 và giật trên cấp 7. Do tàu từ đất liền không thể ra đảo được, hơn mười ngày nay huyện đảo Phú Quý bị cô lập giữa biển khơi.
Chưa có năm nào thời tiết lại xấu như năm nay, ngay từ những ngày đầu tháng 1 giao thông giữa đất liền với huyện đảo Phú Quý thông qua TP Phan Thiết bị gián đoạn. Lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu cho người dân bị thiếu hụt. Đời sống của người dân địa phương đang gặp khó khăn bởi tàu thuyền không thể ra biển đánh bắt hải sản.
Thiếu hàng hóa thiết yếu
Quảng Ngãi: hàng tết chưa đến huyện đảo Lý Sơn Chiều 15-1, chánh văn phòng huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) Nguyễn Đạo cho biết hơn một tuần qua do biển động mạnh nên huyện đảo này bị cô lập với đất liền. Nhiều mặt hàng phục vụ tết chưa đến được huyện đảo, trong đó có 8 tấn gạo hỗ trợ hộ nghèo vào dịp tết đã đưa xuống tàu nhưng đành chờ ở cửa biển Sa Kỳ. Trong khi đó, ở huyện đảo này, những đợt mưa lũ đầu năm 2009 đã làm 277ha tỏi và hoa màu bị hư hỏng nặng nên việc lo tết của trên 18.000 dân ở đảo gặp khó khăn. Trước tình hình này, huyện đảo Lý Sơn tiến hành xuất gạo dự trữ phòng chống lụt bão để cấp cho những hộ nghèo. V.Q.Cầu |
Không có tàu thuyền ra khơi, không có tàu chuyển chở hàng hóa từ đất liền ra đảo nên các chợ trên huyện đảo bắt đầu thiếu nhiều mặt hàng. Đặc biệt các loại rau củ quả như rau muống, cải, bầu, bí... tăng giá 10.000-15.000đ/kg (tăng gấp 4-5 lần bình thường) nhưng cũng không có đủ để phục vụ nhu cầu hằng ngày của người dân.
Ông Huỳnh Văn Hưng - chủ tịch UBND huyện Phú Quý - cho biết từ đầu tháng 1 đến nay gần 1.400 tàu thuyền của địa phương không thể ra khơi được, do vậy Phú Quý thiếu cá tươi, giá 1kg cá đông lạnh hiện đã lên tới 40.000đ (tăng gấp đôi).
Chị Đỗ Thị Thùy Trang, bán hàng tạp hóa tại trung tâm chợ huyện Phú Quý, nói đang thiếu rất nhiều mặt hàng mà bà con cần như bánh, kẹo, mứt... và cả các mặt hàng phục vụ tết như áo quần thời trang, mỹ phẩm.
Chị Lương Thị Mỹ Linh (thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh) tâm sự gia đình chị vẫn chưa mua được một món đồ tết nào, bởi các cửa hàng bán tạp hóa và trung tâm chợ huyện Phú Quý chưa có hàng tết về. Chị Linh kể mọi năm giờ này gia đình chị đã có đầy đủ trái cây, hoa ngày tết, thịt các loại...
Gay gắt nhất là lượng dầu diesel tại Nhà máy điện Phú Quý chỉ đủ chạy phát điện khoảng mười ngày nữa. Để dự phòng dầu phục vụ người dân trong dịp tết, chi nhánh điện Phú Quý phải thực hiện giảm giờ phát điện từ 16 giờ/ngày xuống còn 5 giờ/ngày (từ 17g-22g).
Theo báo cáo của các ngành chức năng, nếu tình hình thời tiết xấu cứ kéo dài liên tục trong mười ngày nữa, khả năng vật tư, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân trên đảo sẽ cạn kiệt. Trước tình hình này, chủ tịch UBND huyện Phú Quý đã có công văn đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành chủ động chỉ đạo, triển khai một số giải pháp hỗ trợ huyện đảo nếu thời tiết vẫn không cho phép tàu thuyền từ đất liền ra đảo.
Hàng đã sẵn sàng,chỉ chờ tàu lớn...
Phóng to |
Tàu thuyền tại TP Phan Thiết vẫn chưa ra được đảo Phú Quý - Ảnh: Khải Nguyên |
Chiều 15-1, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn đề nghị Bộ Quốc phòng và Tư lệnh hải quân Vùng 4 hỗ trợ tàu chuyên dụng tải trọng lớn để đưa gần 1.000 học sinh, sinh viên và người dân của huyện đảo Phú Quý đang ở Phan Thiết trở về nhà ăn tết.
Trao đổi với PV Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Thu - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - cho biết hiện lượng hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ tết cho người dân đảo đã tập kết tại cảng Phan Thiết khoảng 200 tấn, đó là chưa kể hàng chục tấn dầu diesel để phục vụ Nhà máy điện Phú Quý, nhưng đành phải nằm chờ vì tàu chở hàng không dám mạo hiểm ra khơi.
Cũng chiều qua, tại Phan Thiết, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức cuộc họp khẩn bàn biện pháp hỗ trợ huyện đảo Phú Quý. Ông Nguyễn Văn Thu cho biết cùng với việc nhờ Hải quân Vùng 4 điều động tàu chuyên dụng vào Bình Thuận chở hàng hóa và hành khách ra đảo, tỉnh đã chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với Cảng vụ Vũng Tàu chuẩn bị thêm phương tiện để ngay sau khi thời tiết thuận lợi trở lại thì có thể đưa hàng hóa ra đảo với tần suất mỗi ngày phải có hai chuyến (bình thường hai ngày mới có một chuyến). Sở Công thương cũng được giao nhiệm vụ chuẩn bị đủ nguồn hàng cung ứng cho đảo Phú Quý. Riêng Điện lực tỉnh Bình Thuận phải sẵn sàng các phương án đảm bảo đủ dầu chạy máy phát điện phục vụ nhân dân trên đảo cả ngày lẫn đêm, nhất là trong Tết Kỷ Sửu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận