Chiều 30-9, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) họp báo thông tin về chùm chương trình trọng điểm kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thủ đô.
Với sự chuẩn bị, đầu tư công phu cho nhiều sự kiện, bộ phim, chương trình trọng điểm, Đài truyền hình Việt Nam mong muốn gửi tới khán giả những câu chuyện, hình ảnh ý nghĩa về đất và người Hà Nội.
"Chuỗi chương trình lần này giúp khán giả nhìn lại chiều dày lịch sử, quá trình phát triển của thành phố Hà Nội và mong muốn thủ đô tiếp tục đạt nhiều thành công hơn nữa, xứng danh 'Thành phố vì hòa bình' đã được thế giới công nhận", ông Đỗ Thanh Hải - phó tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam - cho biết.
Phía sau ngày vinh quang là 9 năm hy sinh xương máu, kháng chiến gian khổ
Nằm trong chuỗi các sự kiện, chương trình trọng điểm, Đài truyền hình Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh về sự công phu trong chuẩn bị, thực hiện của chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt "Hà Nội - Bản hùng ca phố".
Chương trình sẽ đưa khán giả quay trở về những dấu mốc lịch sử hào hùng. Phía sau ánh hào quang cờ hoa ngày tiếp quản là 80 ngày chuẩn bị công phu của người dân thành phố.
Phía sau 80 ngày chuẩn bị tiếp quản là 9 năm kháng chiến trường kỳ với sự hy sinh máu xương và chiến công tiêu biểu Điện Biên Phủ.
Phía sau 9 năm kháng chiến là một khát vọng vĩ đại của dân tộc: toàn dân đứng lên cho một ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Khát vọng độc lập tự do của đất nước đã tập trung ở thủ đô Hà Nội. Do đó, chương trình sẽ khắc họa 10-10 là ngày vinh quang của dân tộc giành được tự do.
Bà Tạ Bích Loan - trưởng ban sản xuất các chương trình giải trí Đài truyền hình Việt Nam - cho biết ê kíp sản xuất đã "ước gì được nấy" khi chương trình được thực hiện ở Hoàng thành Thăng Long.
"Chúng tôi đã mong ước như vậy bởi Hoàng thành Thăng Long là nơi diễn ra lễ chào cờ vào 15h ngày 10-10-1954. Đó là lễ chào cờ lịch sử khi ông Vương Thừa Vũ - chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội - đọc lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào thủ đô", bà Loan nói.
Đồng thời trong thời gian này, khán giả cũng có thể theo dõi hai bộ phim trên sóng VTV.
Phim Đào, phở và piano lấy bối cảnh khắc họa khoảng thời gian chiến tranh ác liệt tại phố phường thủ đô trong cuộc chiến cuối năm 1946, đầu năm 1947.
Trong không khí bao trùm bởi bom đạn, những người ở lại khu phố vẫn giữ tinh thần lạc quan, tình yêu cuộc sống, con người và cái đẹp.
Ra mắt khán giả đúng vào những ngày thu Hà Nội, Hoa sữa về trong gió là bộ phim truyền hình đậm chất Hà thành, từ bối cảnh, câu chuyện, đạo cụ, tạo hình nhân vật, tình huống.
Phim lên sóng và quay vào mùa thu Hà Nội với không gian phố phường, ngõ nhỏ, quán cà phê, ghế đá bên hồ... mang nhiều cảm xúc cho người xem.
20 bộ phim tài liệu đặc sắc về Hà Nội
Nằm trong chuỗi sự kiện, VTV đã phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội chuẩn bị Tuần phim tài liệu Hà Nội.
Nhóm sản xuất đã dành nhiều thời gian rà soát, lựa chọn 20 bộ phim tài liệu đặc sắc do Đài truyền hình Việt Nam, Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương, Hãng phim Sao Khuê (Hội Điện ảnh Hà Nội) và cả nhà làm phim độc lập Jean - Noel Poirier (cựu đại sứ Pháp) sản xuất.
Đặc biệt, Đài truyền hình Việt Nam đã sản xuất mới ba bộ phim tài liệu: Nhà của chúng tôi, Nơi hòa bình bắt đầu và Bác sĩ Trần Duy Hưng - một phẩm cách Hà Nội.
Các phim sẽ công chiếu trên VTVgo. Đồng thời tổ chức giao lưu với các đoàn làm phim cùng ba bộ phim chiếu trực tiếp tại trường quay S7 Đài truyền hình Việt Nam vào ngày 4, 5, 6-10.
Ông Nguyễn Hoàng Lâm - phó giám đốc Trung tâm phim tài liệu, Đài truyền hình Việt Nam - bày tỏ mong muốn nhận được sự đón nhận của khán giả với Tuần phim tài liệu Hà Nội - chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng thủ đô.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận