18/08/2016 13:05 GMT+7

Đạo nhạc: từ thiếu minh bạch đến hồn nhiên... ăn cắp

DƯƠNG THỤ
DƯƠNG THỤ

TTO - Chuyện đạo nhạc không phải chỉ có từ bây giờ. Thậm chí một thập kỷ trước còn ồn ào hơn. Lắng đi một thời gian, hôm nay nó trở lại với nghi án đạo nhạc của hai bạn trẻ vô cùng nổi tiếng: Sơn Tùng và Cát Tường - những thần tượng mới của giới tuổi teen mê nhạc.

Ca khúc đang vướng nghi án đạo nhạc Chúng ta không thuộc về nhau của Sơn Tùng M-TP đã đạt hơn 34 triệu lượt view trên YouTube - Ảnh chụp từ YouTube
Ca khúc đang vướng nghi án đạo nhạc Chúng ta không thuộc về nhau của Sơn Tùng M-TP đã đạt hơn 34 triệu lượt view trên YouTube - Ảnh chụp từ YouTube

1. Sơn Tùng, Cát Tường hay ai nữa có đạo nhạc hay không? Tìm mọi cách “đánh đổ” họ để làm gương cho kẻ khác, để ngăn chặn kịp thời “trào lưu” đạo nhạc đang “bùng phát”? Câu hỏi không dễ trả lời và ý tưởng có vẻ rất “cách mạng” kia chưa hẳn đã là hay.

Tôi nghĩ mình nên có một góc nhìn rộng hơn là việc “đấu tố” thần tượng và tìm cách ngăn chặn. Gốc vấn đề là ở chỗ khác.

Năm, sáu chục năm trước, chúng ta coi việc “quay cóp” trong lớp và trong các kỳ thi là một điều gian dối xấu xa, một nỗi nhục cho kẻ vi phạm. Bây giờ thì chẳng có vấn đề gì, không may thì bị bắt thôi.

Thời nào cũng có những kẻ gian dối. Nhưng thời đó gian dối phải giấu mặt vì người ta còn biết xấu hổ. Giờ thì công khai, theo cách nói của các cụ là “mặt cứ nhơn nhơn”.

“Cóp” của người khác rồi nhận vơ là của mình, dù là cóp toàn phần, cóp một phần hay cóp ý tưởng thôi cũng đều là “đạo” cả. Còn việc học tập, bắt chước, chịu ảnh hưởng, vay mượn ý tưởng một cách công khai lại là chuyện thường tình khi người làm nhạc chưa đủ vốn liếng, khả năng, còn đang phải học hỏi để trưởng thành.

Sáng tạo ra cái của riêng mình không dễ. Nó phụ thuộc vào tài năng, mà người làm nhạc hiện nay lại rất đông còn tài năng thì... rất hiếm.

Cái nghịch cảnh này không chỉ có ở nước ta mà có ngay cả ở những nước văn minh, vì đó là lẽ tự nhiên, là quy luật.

“Cóp” ở đây còn có chuyện ý thức và không ý thức. Có nhạc sĩ “lấy” mà không biết. Mê một giai điệu nào đó, mê một vận động hòa thanh nào đó, nó nhập vào mình và nó “tự động” nằm trong sản phẩm của mình mà mình không hay.

Nếu có phát hiện được thì cũng không nên coi là đạo nhạc vì họ không có ý thức về điều đó. Phân biệt như thế là rất cần thiết khi đưa chuyện đạo nhạc ra công luận.

2. Nghi án đạo nhạc của khá nhiều “sao” theo tôi không nên coi là một vấn đề cá nhân của những người nổi tiếng mà nên coi là một vấn nạn xã hội, một vấn đề thật sự của giới trẻ.

Nhỏ là quay cóp trong lớp, trong kỳ thi. Lớn là đạo nhạc, đạo văn, đạo tranh rồi đạo đủ thứ. Vậy không chỉ có những nghi án đạo nhạc mà chúng ta đang muốn làm rõ.

Rất nhiều vụ bê bối khác bên văn chương, mỹ thuật, nghiên cứu khoa học, trong giới kinh doanh và quan chức đã ồn ào lên trong thời gian qua còn đáng xấu hổ hơn nhiều.

Lấy của người khác làm của mình, ngồi vào chỗ không phải của mình để kiếm lời (tiền bạc và danh phận), hành động bị coi là đê tiện ấy ngày càng phổ biến, đang trở thành đặc điểm của xã hội chúng ta. Tên gọi đúng của các loại đạo ấy là ăn cắp, là tham nhũng.

Tôi không nghe và thực ra cũng chẳng muốn nghe những thứ đang gây ra lùm xùm. Là người hoạt động âm nhạc lâu năm và gắn bó nhiều với các nhạc sĩ trẻ, đây là chuyện khó hơn chúng ta tưởng nếu chúng ta muốn tìm ra căn cứ để kết tội họ.

Tôi cũng không rõ luật lệ về bản quyền âm nhạc, giống cái gì và giống đến đâu thì ta có thể kết tội. Cái mà tôi quan tâm là khác. Tôi nghĩ nhiều đến thế hệ trẻ. Các bạn ấy quá hồn nhiên trong việc “ăn cắp bản quyền” mà không nghĩ rằng mình đang phạm tội.

Tìm mọi cách để bao che bênh vực cho những sai phạm của người mà mình thần tượng hay tìm mọi cách “đánh đổ thần tượng” để vùi dập cho bõ ghét một con người mà mình không ưa, hả hê với sự gục ngã của họ đều là những việc không nên làm.

Tuổi của những người dính vào nghi án đạo nhạc và những fan hâm mộ họ cùng những người đồng trang lứa là tuổi của tương lai. Đất nước này muốn nhìn thấy ở họ, những người tạo dựng sự nghiệp bằng chính khả năng của mình chứ không phải bằng sự dựa dẫm vào những cái họ “thuổng” được.

Nền giáo dục của ta từ lâu đã có vấn đề. Thế hệ trẻ bây giờ chính là sản phẩm của nó. Chuyện đạo nhạc hay đạo gì gì nữa chính là hệ quả tất yếu của một xã hội thiếu minh bạch, thật giả lẫn lộn và lắm kẻ mạo danh.

Hãy nhìn chuyện đạo nhạc như một căn bệnh xã hội cần phải chữa trị tận gốc. Nó cần bắt đầu từ những nơi đẻ ra nó, chứ không phải từ những ai đó cụ thể mà mọi người đang truy cứu như một kẻ tội phạm.

DƯƠNG THỤ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp