02/07/2022 12:00 GMT+7

Đạo Nguyễn Đình Chiểu trong đời - Kỳ 3: Nghĩa khí lục tỉnh

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - 'Trên mảnh đất mà gió luôn thổi loan đi hương thơm của tinh thần Nguyễn Đình Chiểu thì những người muốn ngẩng đầu lên làm sao có thể khác'. Trích hồi ký "Thời gian trong mắt tôi" của Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, một người con đất Ba Tri - Bến Tre.

Đạo Nguyễn Đình Chiểu trong đời - Kỳ 3: Nghĩa khí lục tỉnh - Ảnh 1.

Tranh cụ Đồ Chiểu dạy học của họa sĩ Đoàn Việt Tiến

Cách đây hơn chục năm, bài viết "Lục Vân Tiên đã chết" của một bạn đọc Bến Tre ghi lại câu chuyện mình chứng kiến trên phà Rạch Miễu và lời tâm sự "tinh thần Lục Vân Tiên "giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha" trong chính tôi chết rồi, chết ngay trên phà này đây" đã trở thành một diễn đàn sôi nổi trên Tuổi Trẻ. 

Hàng trăm lá thư đã gửi đến với những đau đáu: Lục Vân Tiên vẫn còn; Làm gì để ngày càng nhiều Lục Vân Tiên? Lục Vân Tiên ngày nay phải khác...

Và hàng ngàn người đã được thức tỉnh những "giá trị Lục Vân Tiên" sống dậy trong mình...

Tôi cho rằng sở dĩ người Việt Nam ở miền Nam thích truyện Lục Vân Tiên trước hết là vì họ thấy mình trong các nhân vật tích cực được ca tụng trong truyện, y như Nguyễn Đình Chiểu viết về họ. Còn gì thích thú hơn là đọc truyện mà thấy chính mình trong truyện?

Trần Văn Giàu - Nguyễn Đình Chiểu với văn hóa Việt Nam

Ba Tri kiến nghĩa bất vi

Về Ba Tri, nơi cụ Đồ Chiểu đã sống nửa cuối của cuộc đời mình trong sự đùm bọc của người dân, chúng tôi được xem một triển lãm về những gương mặt đáng tự hào của mỏm cù lao giữa hai con sông Hàm Luông - Ba Lai này. 

Ba Tri nhỏ bé có những con người lớn. Tinh thần Lục Vân Tiên thì đã ở sẵn đó tự bao giờ, trước cả khi được nói ra thành lời "nhớ câu kiến nghĩa bất vi" nữa, như câu chuyện về "ông già Ba Tri" vẫn được truyền tụng, nhắc nhở.

Chuyện kể rằng gia đình họ Thái đã cùng đoàn ghe bầu từ xứ Quảng xuôi Nam vào vùng Ngao Châu khai hoang, lập ấp, góp phần vào sức sống xứ Ba Tri. Trải mấy đời, đến ông Thái Hữu Kiểm được phong làm Trùm cả làng An Bình Đông, kêu gọi bà con đắp đường, khơi rạch, lập chợ, tôn tạo nên một khu buôn bán sầm uất, ghe thuyền tấp nập. 

Chợ Trong của ông là điểm cuối, lại rộn rã hơn chợ Ngoài của làng An Bình Tây khiến những ông trùm ngoài đó bực mình. Xã trưởng An Bình Tây kêu gọi dân đắp đập, không cho ghe thuyền đi đến chợ Trong. Mâu thuẫn giữa hai làng cùng sinh sống trên con rạch Ba Tri nổ ra. Quan huyện rồi quan tỉnh đều xử người chợ Trong thua kiện vì "đất thuộc ai người nấy có quyền xây đập".

Không cam tâm trước sự bất công, phi lý, nhất là khi nó ảnh hưởng đến cuộc sống của cả làng, Trùm cả Thái Hữu Kiểm đã cùng hai lão nông khác cơm đùm cơm nắm ra kinh đô kiện đến nhà vua. 

Không có ai ghi lại, và dù ghi lại cũng không thể kể xiết vô vàn lao nhọc của những bàn chân trần trên chặng đường vạn dặm qua ruộng xuyên rừng vượt sông trèo núi ấy. Người Ba Tri hẳn cũng không ngờ ba ông lão đã đi đến nơi và còn về đến chốn, đưa được đơn kiện lên bệ rồng, trình bày được câu chuyện và lý lẽ của mình. 

Lẽ phải đã thắng. Vua Minh Mạng phán: "Dù làng riêng nhưng rạch chung, phủ huyện phải cho phá đập". Vua cho tiền lộ phí, và khi ba ông lão về đến nơi, con đập oái oăm ngăn trở thương thuyền, chia cắt tình làng nghĩa xóm đã biến mất. Từ đấy ông Kiểm được dân trong vùng gọi là "ông già Ba Tri".

Con đường dẫn vào chợ Ba Tri hôm nay mang tên Thái Hữu Kiểm. Bảo tàng Nguyễn Đình Chiểu ghi nhận: "Cho tới nay, cụm từ "ông già Ba Tri" đã trở thành thành ngữ phổ biến trong dân gian để chỉ những ông già cứng cỏi, cương quyết bảo vệ công lý".

Đạo Nguyễn Đình Chiểu trong đời - Kỳ 3: Nghĩa khí lục tỉnh - Ảnh 3.

Miễu thờ người nông dân anh hùng chống tham nhũng Lê Văn Duyên - Ảnh: TỰ TRUNG

Ông già Bến Tranh

Cũng trên con đường thiên lý đi đến công lý ấy, chúng tôi còn tìm thấy một câu chuyện khác nữa, một ông già cứng cỏi bảo vệ công lý nữa...

Xuôi lên quốc lộ 1, qua ngã ba Tân Lý Tây - Châu Thành - Tiền Giang, sẽ rất dễ dàng để người đi đường nhìn thấy một ngôi miễu bên đường. Ghé lại, nhiều người sẽ ngạc nhiên khi đọc được hàng chữ mộc mạc trên biển đề: "Miễu anh hùng nông dân Lê Văn Duyên - Chết vì chống tham nhũng", hai bên cột là hàng câu đối cũng mộc mạc không kém: "Hận vì bênh công lý sống cho chân công lý - Thương cho tố tham nhũng chết bởi tay tham nhũng". 

Bên trong, miễu thờ luôn được bà con xung quanh quét dọn sạch sẽ, hoa trái bốn mùa, tấm chân dung được vẽ trên bàn thờ ánh mắt đầy quyết tâm, cương nghị. Tìm hỏi, chị bán nước bên cạnh mỉm cười: "Tôi không rõ câu chuyện của ông, nhưng đọc thấy ông chống tham nhũng thì thương mến, cảm phục, ngày rằm mùng một vào thắp cây nhang...".

Câu chuyện về ông nông dân chống tham nhũng Lê Văn Duyên được ghi chép cặn kẽ trong hồi ký của cố nhà báo Hồ Ngọc Nhuận. Quê ở xã Tân Lý Tây, Tiền Giang, cha ông Hồ Ngọc Nhuận sống trong miệt vườn và quen biết với ông Duyên. 

Ông viết: "Lê Văn Duyên là một nông dân trơn, không thanh thế, không phương tiện, không quyền lợi, cái có chăng chỉ là lòng can đảm và căm tức trước nạn ách của người dân. Vậy là ông chống tham nhũng và nổi danh chống tham nhũng ở địa phương những năm đầu thập niên 1970’...". 

Ông bị dọa giết và biết chắc mười mươi sẽ bị giết. Thời gian ấy chiến tranh vẫn còn, việc giết một người đâu có khó! Ông biết vậy và phải ẩn trốn nhiều nơi, đêm thường ngủ dưới ghe để tiện di chuyển tới lui trong vườn nhà. Và ông vẫn chống tham nhũng, cộng tác mật thiết với chú nhà báo đồng hương Hồ Ngọc Nhuận để bảo vệ bà con.

Ông Nhuận ghi lại cuộc gặp cuối cùng: "Mấy hôm ấy tôi đều phải thức trắng để viết một bài tố cáo những vi phạm Hiệp định Paris, gửi đi tham dự một hội nghị hòa bình ở Turin (Ý) thì ông già Duyên lại lù lù hiện ra. Lo cho tính mạng ông, tôi nổi đóa: "Nói với anh nhiều lần rồi mà anh không chịu nghe, nó sẽ giết anh. Tối nay tôi phải thức để viết, anh ngủ. Mai anh về nhà cha tôi ở luôn đó, đừng đi đâu cho tới khi có tin của tôi". 

Ông cười giả lả: "Tôi vừa có một tài liệu tham nhũng mới, mừng quá chạy lên khoe với chú, rồi sẽ về nằm yên như chú dặn...". Giận vậy nhưng sáng ra tôi vẫn lái xe đưa ông đi ăn phở 79, mua tặng ông mấy tấm vé số và đưa ông ra xe đò về lại quê. Hôm sau nữa, con trai ông chạy lên báo ông đã bị bắn chết...

Ông đã không về nhà cha tôi như tôi dặn, như ông đã từng tá túc nhiều lần. Ông về nhà ông ở Tân Hòa Thành, lại không ngủ dưới ghe trong các mương vườn như trước đây mà ngủ trong nhà... Và ông bị giết".

Bà con nông dân ở địa phương, nhà báo, dân biểu ở Sài Gòn đã quyên góp, làm lễ cầu siêu, lập miễu thờ, tôn ông lên làm "Anh hùng nông dân". Cái tên "ông già Bến Tranh" thành thần từ đó. Lễ khánh thành miễu "ông già Bến Tranh" long trọng quan khách từ Sài Gòn và các tỉnh, đủ mặt tôn giáo, cảnh sát đứng gác vòng trong vòng ngoài. 

Nhà thơ Cung Văn "khóc ông già Bến Tranh" trên báo Điện Tín số ra ngày 23-6-1974: "Than ôi!/ Ông đã mất nhưng tên ông sống mãi/ Người nông dân bất khuất của Bến Tranh/ Của bờ tre, của ruộng lúa Hòa Thành/ Cửa thách đố lương tâm loài cướp mới... Lê Văn Duyên/ Đất nước ta cần những người như bác/ Tổ quốc ta còn lớp lớp anh hùng/ Vì đồng bào vì nghĩa cả hy sinh/ Để đổi lấy công bằng và hạnh phúc...". 

Cha của ông Hồ Ngọc Nhuận cũng có thơ điếu người đồng hương: "Sống chẳng dung tha phường nhũng lạm/ Thác nguyền tẩy sạch đám tham quyền/ Dương gian tranh đấu vì xã hội/ Chín suối độ trì lớp tráng niên"... Miễu ông già Bến Tranh được người dân hương khói đến hôm nay.

Nói như bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, một người con đất Ba Tri trong hồi ký "Thời gian trong mắt tôi": trên mảnh đất mà gió luôn thổi loan đi hương thơm của tinh thần Nguyễn Đình Chiểu thì những người muốn ngẩng đầu lên làm sao có thể khác.

Đạo Nguyễn Đình Chiểu trong đời - Kỳ 3: Nghĩa khí lục tỉnh - Ảnh 4.

Hình thờ ông Lê Văn Duyên

Dịp kỷ niệm 200 năm này, UNESCO ra nghị quyết vinh danh nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cùng những giá trị tư tưởng, nhân văn, giáo dục, y học mang tầm nhân loại. Tại lễ kỷ niệm được tổ chức trọng thể ngay tại đền thờ cụ đồ ở Ba Tri tối 30-6-2022, dòng thơ "Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà" rực sáng lên trong trời đêm...

Kỳ cuối: Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

Đạo Nguyễn Đình Chiểu trong đời - Kỳ 2: Theo bóng cụ đồ Đạo Nguyễn Đình Chiểu trong đời - Kỳ 2: Theo bóng cụ đồ

TTO - Bà Âu Dương Thị Yến, bà Châu Anh Phụng là hai người phụ nữ kỳ lạ. Họ kỳ lạ vì họ không giống đa số những người chúng ta thường gặp, và họ kỳ lạ vì có chung một điểm: say mê với những giá trị mà cụ Đồ Chiểu để lại.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp