15/02/2007 16:46 GMT+7

Đào Na Sơn

LÊ VÂN
LÊ VÂN

TTO - Không nổi tiếng như đào Nhật Tân (Hà Nội) hay có dấu tích lịch sử như đào Tam Điệp (Ninh Bình)… nhưng dân chơi đào phía Bắc từ lâu, trong những chuyến xuôi ngược tìm đào ngày Tết khó mà bỏ qua một làng đào dưới chân núi Na Sơn (huyện Như Thanh, Thanh Hoá).

“Hội” đào Na Sơn

9m7sUPGX.jpgPhóng to
Cụ Sự, một trong những người trồng đào đầu tiên của làng đào. Ảnh: L.V
Những ngày này, cả làng đào Na Sơn đang như vào hội làng. Xã Xuân Du, huyện Như Thanh - Như Xuân (Thanh Hóa) nhộn nhịp từ đầu tháng chạp; đơn giản vì hơn 90% số hộ trong xã trồng đào, có gia đình trồng tới cả trăm gốc. Từ 15 tháng chạp, các gia đình trồng đào đã rục rịch đưa đào lên phố. Càng cận tết, có cả khách đi ô tô từ thành phố lớn, các tỉnh lẻ về chọn đào. Giá mỗi gốc đào xê dịch từ 50.000 đ đến vài triệu đồng.

Anh Cảnh, một trong những hộ trồng nhiều đào nhất với gần 500 gốc đào, hiện ngày nào cũng tất bật vì tết năm nay đào Nhật Tân mất mùa do thiếu nước, rét hại… Dân buôn đào đông hơn ở làng đào Na Sơn (Thanh Hoá) và Tam Điệp (Ninh Bình). Ngày nào cũng cả chục xe tải về làng chở đào vào Nam, ra Bắc.

Cách đây 20 năm, đào đã có ở Na Sơn nhưng chỉ vài người thích thì trồng chơi, hoặc biếu họ hàng, bạn bè. Một lần tình cờ, có người ở phố hỏi mua cành đào, anh Cảnh đem bán đại tới… hai hào hai (thời điểm năm 1985). Từ đó, một số bà con mới biết đến giá trị bằng tiền của đào và rủ nhau trồng thử.

Đến nay thì nhà nào trong xã cũng có đào, từ bờ ao, sân vườn đến ven đường vào làng. Mỗi dịp Tết, các hộ trồng đào thu được từ 10 đến 15 triệu đồng, những hộ trồng nhiều, có năm bán được tới hơn hai chục triệu. Với cùng một diện tích đất mà chi phí đầu tư cho đào rất rẻ, chỉ tốn công chăm sóc, thu nhập lại cao, cả xã Xuân Du, không ai bảo ai, nhà nào cũng dành một diện tích đất cho cây đào.

Gốc đào đẹp là phải có "dáng", nhiều cành, nụ, tán vòm… tượng trưng cho sự no đủ, may mắn. Dân chơi đào có người chơi cho có, người lại quyết "bắt" cho được gốc "thật ngon". Từ làng đào ra phố cách tới hơn ba chục cây số, người dân làng đào phải chặt đào từ tối hôm trước để ba giờ sáng hôm sau "lên đường" với phương tiện chủ yếu là những chiếc xe đạp. để đào không rụng, mỗi lần chỉ chở được một gốc nên hầu như người bán đào phải đi bốn năm chuyến/ngày. Từ khi trời còn nhọ mặt người, con đường tối lọ mọ và gập ghềnh những "ổ gà", "ổ voi", đào lắc lư theo từng vòng xe đạp…

Ngày xuân mơ thương hiệu “Đào Na Sơn”

ZOASxZFe.jpgPhóng to
Anh Điền đèo đào ra phố bán trong đêm. Ảnh: L.V
Nằm dưới chân núi Na Sơn, Thanh Hoá, làng đào xã Xuân Du được gọi là đào Na Sơn vì nằm gần khu di tích đền thờ Phủ Na, nơi có miếu thờ Bà Triệu. Từ ngày đào trở thành cây trồng mang lại thu nhập cho người dân, xã cũng đã có chủ trương đưa đào thành cây trồng chính, cải thiện đời sống cho dân xã. Nhưng phương thức chính của làng đào vẫn là tự phát, học hỏi lẫn nhau về kinh nghiệm trồng và bán ra thị trường kiểu lẻ, gặp giá là bán, chưa có hạch toán kinh tế và định hướng lâu dài.

Trong rộn rã những ngày đón tết, nhiểu người dân làng đào bảo: không chỉ là thu nhập từ đào vào các vụ Tết, bà con mơ một ngày đào Na Sơn sẽ được nhiều người biết đến như một thương hiệu. “Xã cũng đang có định hướng đưa cây đào thành cây hàng hoá, góp phần nâng cao đời sống cho người dân…” - ông Trần Văn Nhân, chủ tịch xã Xuân Du cho biết.

Gần với làng đào Xuân Du là làng đào Tam Điệp (Ninh Bình), nơi có dấu tích của vua Quang Trung bẻ cành đào cùng tướng lĩnh, binh sĩ ăn Tết sớm ở Tam Điệp sau đó ra Thăng Long ăn Tết muộn, mừng chiến thắng dẹp tan 20 vạn quân Thanh trong 10 ngày. Có lẽ từ đó, làng đào Tam Điệp vang danh cả nước. Đào Tam Điệp cũng như đào Na Sơn có xuất xứ từ vùng Tây Bắc, là giống đào tự nhiên, trổ cùng lúc cả lá, hoa và quả…

LÊ VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp