Chỉ trong 10 ngày gần đây tôi được tham gia 3 cuộc khảo sát để xem xét xây dựng Đường sách - công viên văn hóa sáng tạo tại 3 địa điểm đẹp ở TP.HCM. Đồng thời, chúng tôi cũng đang ráo riết chuẩn bị Hội sách xuyên Việt ở Huế vào giữa tháng 4; tư vấn cho Đà Lạt về không gian sách trong Tuần lễ du lịch; cuối tháng 3 sẽ tham dự Hội chợ sách Bangkok lần thứ 50…
Sắp tới đây chúng ta không chỉ tổ chức Ngày sách Việt Nam như thường lệ, mà dành hẳn 2 tuần từ ngày 15-4 đến 1-5 để có nhiều hoạt động thiết thực nhằm tôn vinh giá trị của sách, giới thiệu các tủ sách, tổ chức các cuộc thi đại sứ văn hóa đọc, hội sách online… đồng thời tôn vinh người đọc và những người sáng tác, xuất bản, in ấn, phát hành…
Những chương trình như Ngày sách hay Tuần lễ sách rất quan trọng trong việc thu hút sự quan tâm của cộng đồng đối với việc đọc sách. Tuy nhiên, hiệu quả của các hoạt động này vẫn chưa tương xứng với nỗ lực và mong muốn. Trong những năm qua, số đầu sách bình quân mà người dân Việt Nam đọc vẫn thấp so với khu vực.
Hoạt động trong ngành sách hơn 15 năm, tôi nhận thấy cần có những việc làm mang tính "căn cơ" để thúc đẩy văn hóa đọc, bao gồm: thói quen đọc sách, khả năng lựa chọn và cách thức đọc sách.
Về thói quen đọc sách, câu nói mà tôi được nghe nhiều là đa số người dân chưa có thói quen đọc sách. Theo tôi, một trong những nguyên nhân là chúng ta có nhiều doanh nhân thành công, chính trị gia, người nổi tiếng được nhiều sự quan tâm, nhưng câu chuyện thành công của họ không gắn với việc đọc sách hoặc họ ít khi chia sẻ về việc đọc sách.
Cho nên trong một hội nghị của ngành xuất bản, tôi đã từng đề nghị đại sứ văn hóa đọc hiệu quả nhất chính là những người đang giữ cương vị lãnh đạo quốc gia, lãnh đạo ngành văn hóa, những người nổi tiếng.
Ngoài ra, chúng ta chưa chú trọng việc bắt buộc đọc sách trong nhà trường. Nhiều nước phát triển quan tâm và khuyến khích học sinh hình thành thói quen đọc sách khi từ lớp mẫu giáo. Tôi kỳ vọng chúng ta sẽ đưa việc đọc sách trở thành yêu cầu bắt buộc trong nhà trường. Đồng thời có đạo luật về khuyến đọc như Nhật Bản.
Ngoài ra cũng cần thay đổi tư duy về thư viện. Tôi đã có dịp đến thăm thư viện cộng đồng ở Mỹ, thăm thư viện trường học tại Singapore, Úc… Thư viện của họ không chỉ thực hiện chức năng quản lý, cho mượn sách mà quan trọng hơn là tổ chức các hoạt động tại thư viện để khuyến khích mọi người đến và chia sẻ về sách. Họ xem thư viện là trái tim của trường học và khu dân cư.
Quá trình đô thị hóa đang hình thành các khu dân cư tập trung, chung cư, nên chăng cần có những quy định pháp luật để các nơi này phải xây dựng các thư viện trong khuôn viên nhà sinh hoạt cộng đồng.
Một rào cản đối với việc xây dựng thói quen đọc sách chính là giá bán sách. Giá sách hiện nay ở Việt Nam so với thu nhập người dân vẫn còn khá cao. Nhà nước có thể học tập mô hình của Hàn Quốc và Thái Lan trong việc hỗ trợ doanh nghiệp sách để giúp giảm chi phí trong việc xuất bản.
Cạnh đó, hiện nay sách giả tràn lan, đặc biệt là trên các sàn thương mại điện tử. Vấn đề vi phạm bản quyền trong lĩnh vực ebook, audiobook đang phổ biến. Tất cả những điều này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của các công ty sách.
Với số lượng xuất bản lên đến 40.000 đầu sách mỗi năm, việc chọn lựa ra các cuốn sách phù hợp cho gia đình, nhà trường, doanh nghiệp là cần thiết. Hiệp hội xuất bản hoặc cơ quan quản lý nhà nước nên đóng vai trò định hướng trong việc này. Việc tôn vinh các tác phẩm hay, đáng đọc cũng là một cách giới thiệu sách có giá trị cho cộng đồng.
Cuối cùng là cách thức đọc sách. Tôi đã nhận được một câu hỏi: trong thời đại metaverse, cách đọc sách sẽ như thế nào? Rõ ràng việc đọc sách truyền thống đang bị thách thức khi có nhiều cách thức khác để tiếp cận nội dung sách như ebook, audiobook, sách tóm tắt, video book… Cho nên hành lang pháp lý cho những loại hình này cần sớm được ban hành để giúp cho những người làm xuất bản yên tâm đầu tư cũng như tạo ra thị trường mới cho việc đọc sách.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận