05/07/2020 11:06 GMT+7

Đảo không nilông thành điểm đến không rác

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Mới đây, Cù Lao Chàm và xã Cẩm Thanh (Hội An, tỉnh Quảng Nam) được các tổ chức quốc tế chọn làm hai địa phương để triển khai dự án "Chia sẻ cộng đồng không rác thải tại châu Á".

Đảo không nilông thành điểm đến không rác - Ảnh 1.

Biển sạch, môi trường trong lành đang khiến Cù Lao Chàm (Quảng Nam) trở nên hấp dẫn trong mắt du khách trong và ngoài nước - Ảnh: B.D.

Cù Lao Chàm được xem là hình mẫu trong phong trào nói không với túi nilông và giờ đây đang đứng trước cơ hội trở thành hình mẫu về điểm đến không rác thải ra môi trường.

Theo kế hoạch, đến năm 2021 sẽ có 70 - 80% cộng đồng dân cư tại Cù Lao Chàm, Cẩm Thanh sẽ không phát sinh rác thải ra môi trường.

Từ "đảo rác" tới đảo xanh

Ở hội thảo khởi động dự án "Chia sẻ cộng đồng không rác thải tại châu Á được lựa chọn" diễn ra giữa tháng 6, đại diện các tổ chức môi trường cho biết tại Việt Nam, dự án cũng thí điểm một số nơi nhưng chưa nơi nào thành công.

Bởi vậy, khi quyết định chọn Cù Lao Chàm và xã Cẩm Thanh của Hội An, các nhà tài trợ đã đặt kỳ vọng rất lớn bởi từ lâu Cù Lao Chàm đã trở thành một hình mẫu về việc hạn chế nguồn rác thải độc hại, đặc biệt là phong trào nói không với túi nilông đã thành công, đưa hòn đảo này thành một điểm đến nổi tiếng sạch và xanh.

Theo bà Trần Thị Kim Thùy - cán bộ môi trường xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm), Cù Lao Chàm trước đây từng là hòn đảo ngập ngụa trong rác.

Nhưng mọi việc đã hoàn toàn thay đổi kể từ năm 2009. Trước việc đảo ô nhiễm ngày càng nặng, ông Nguyễn Sự - lúc đó là bí thư Thành ủy Hội An - cùng cán bộ địa phương đã trực tiếp đi vận động người dân không dùng túi nilông.

Chính quyền kiên trì làm từng bước, từ vận động, thuyết phục kết hợp xử phạt. Người dân cũng được tạo điều kiện để phát triển sinh kế, hướng dẫn làm du lịch đi liền với bảo vệ môi trường cảnh quan. Chỉ sau ít năm, Cù Lao Chàm từ "đảo rác" trở thành hòn đảo không túi nilông.

Đảo không nilông thành điểm đến không rác - Ảnh 2.

Đoàn hoa hậu người nước ngoài tham gia chương trình cổ động không dùng túi nilông tại Cù Lao Chàm

Câu chuyện dân Cù Lao Chàm đoạn tuyệt với túi nilông đã đi đến một hình mẫu lý tưởng nhiều hơn cả mong đợi: dân tạo ra tiền từ hoạt động sống tử tế với môi trường.

Cù Lao Chàm sạch đã thu hút rất đông khách du lịch. Người dân từ chỗ 85% đánh bắt thủy hải sản thì nay đã thay đổi ngoạn mục: hơn 80% người dân sống dựa vào ngành du lịch, thu nhập bình quân đầu người vào nhóm cao nhất vùng nông thôn tỉnh Quảng Nam.

Cụm đảo nhỏ này đang trở thành điểm đến của cả thế giới, mỗi ngày bình quân 4.000 khách đặt chân tới thăm. Ngay cả trong khó khăn của đại dịch COVID-19, khách du lịch vẫn lựa chọn hòn đảo xanh này để tham quan.

Mơ về "vệt dầu loang" ra toàn bộ Hội An

Ông Trần Hữu Vỹ, giám đốc Green Việt, cho biết một yếu tố quan trọng quyết định tới sự thành công của một dự án là ý thức của cộng đồng dân cư.

Khi triển khai quyết định tài trợ cho Cù Lao Chàm và Cẩm Thanh, các tổ chức quốc tế đã tìm hiểu và đặt kỳ vọng rất lớn vào tương lai ở hai khu vực này bởi phạm vi dự án nằm ngay trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Từ lâu cộng đồng dân cư ở Cù Lao Chàm, Hội An đã được làm quen với du lịch, ứng xử với môi trường cũng cao vượt trội so với các nơi khác.

"Chúng tôi tin rằng dự án sẽ triển vọng bởi có sự cộng tác của ba thành phần chính: cộng đồng địa phương, chính quyền và các tổ chức. Quan trọng nhất ở đây là Cù Lao Chàm đã rất nổi tiếng về phong trào nói không với túi nilông" - ông Vỹ nói.

Ông Nguyễn Thế Hùng - phó chủ tịch UBND TP Hội An - cho hay từ lâu Hội An đã tổ chức phân loại rác tại nguồn. Mỗi gia đình được hướng dẫn để ít nhất hai thùng rác tại bếp ăn. Hằng ngày khi chế biến, nấu nướng và sinh hoạt trong gia đình thì rác thải rắn khó tiêu hủy được bỏ vào một thùng.

Các loại rác hữu cơ được bỏ vào thùng riêng. Hội An tổ chức xe môi trường đi thu gom theo ngày luân phiên, các ngày trong tuần được chia ra và xe thu gom rác cũng có màu nhận diện để người dân nhận biết ngày nào gom rác hữu cơ, ngày nào gom rác thải khó phân hủy.

Nguồn rác này sau đó được đưa về nhà máy rác và tiếp tục đi theo quy trình, rác hữu cơ được ủ thành phân để tái sử dụng.

Đảo không nilông thành điểm đến không rác - Ảnh 3.

Tất cả người dân, người buôn bán ở Cù Lao Chàm từ lâu đã dùng giỏ nhựa, túi đi chợ, lá chuối, giấy báo… thay đồ nhựa dùng một lần - Ảnh: T.B.DŨNG

Dù vậy, theo ông Hùng, để một mô hình cộng đồng không rác thành công thì còn rất nhiều việc phải làm. "Tôi mong chỉ 300 - 500 hộ làm chỉn chu, thu gom rác triệt để như dự án đặt ra thì cũng đã thành công rồi. Số hộ này sẽ là "vệt dầu loang" ra cộng đồng Hội An" - ông Hùng nói.

Đại diện các tổ chức quốc tế cũng dành nhiều "điểm cộng" khi đánh giá nỗ lực "sống xanh" hiện đã trở thành một xu thế tại Cù Lao Chàm, Cẩm Thanh và lan rộng ra toàn Hội An.

UNESCO khi nhận định về Hội An đã cho rằng đây là thành phố "truyền cảm hứng" trong việc kết hợp giữa bảo tồn di sản gắn liền với du lịch tạo sinh kế cho người dân, trong đó lấy tiêu chuẩn "xanh" làm định hướng cho tương lai.

Theo ông Phan Xuân Thanh - chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam, ít nhất 30 doanh nghiệp du lịch tại Hội An đã ký cam kết xử lý rác tuần hoàn.

Nhiều nhà hàng, khách sạn không chỉ chấm dứt với các mặt hàng có sử dụng bao bì phát sinh chất thải rắn, túi nilông mà còn tổ chức phân loại, tái chế rác thành các vật dụng có giá trị sử dụng như xà bông, túi đựng đồ áo, hóa chất lau rửa vệ sinh.

Câu chuyện "sống không rác" cũng được nhiều nhóm cộng đồng, dân cư áp dụng và trở thành điểm đến chia sẻ thông điệp sống thân thiện với môi trường, kết hợp bán các tour du lịch xanh.

Đảo không nilông thành điểm đến không rác - Ảnh 4.

Không phát sinh rác thải ra cộng đồng

Ngày 10-6, hội thảo khởi động dự án "Chia sẻ mô hình không chất thải tại cộng đồng châu Á được lựa chọn" được UBND TP Hội An, Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm tổ chức ở Hội An.

Dự án do Trung tâm Green Việt, Liên Minh không rác VN cùng các tổ chức tài trợ cho người dân tại Cù Lao Chàm và xã Cẩm Thanh từ nay tới năm 2021 để đạt mục tiêu sẽ có 70 - 80% người dân biết phân loại rác, không phát sinh rác thải ra cộng đồng.

Chính quyền sẽ hỗ trợ công tác điều phối, tập hợp người dân và kết nối các bên để hướng dẫn người dân phân loại rác, tổ chức tái chế, đưa đi tiêu hủy...

Trước Hội An, dự án "Chia sẻ mô hình không chất thải tại cộng đồng châu Á được lựa chọn" cũng đã thí điểm ở nhiều nơi khác, thành công nhất là tại Philippines.

* Ông TRẦN HỮU VỸ (giám đốc Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh - Green Việt):

Sẽ thất bại nếu ý thức doanh nghiệp, người dân không tốt

Sự thành công của dự án phụ thuộc tất cả vào ý thức của từng người. Mỗi người dân có ý thức sống tử tế, hạn chế rác thải ra môi trường thì môi trường sẽ giảm thêm một sức ép; ngược lại ý thức cộng đồng không cao thì dự án chắc chắn sẽ không đi đến điểm cuối cùng.

* Ông NGUYỄN VĂN SƠN (chủ tịch UBND TP Hội An):

Liên thông từ hộ gia đình tới nhà máy

Hội An đã làm rất sớm câu chuyện phân loại rác tại nguồn và có thời điểm lượng rác phân ra hai loại gồm vô cơ và hữu cơ đạt tới 80%.

Tuy nhiên do dây chuyền xử lý rác đầu cuối ở nhà máy gặp trục trặc nên rác tái chế, làm phân chưa đạt như kỳ vọng. Hiện nay chúng tôi đang đẩy mạnh việc này để liên thông từ hộ gia đình tới nhà máy.

Thành phố sẽ luôn theo đuổi để làm sao rác không phát sinh ra môi trường như hướng đi của dự án Cộng đồng không rác thải đang triển khai.

* TS QUÁCH THỊ XUÂN (điều phối viên Liên minh không rác VN):

Thu gom rác, xử lý triệt để

Người dân Hội An ý thức rất tốt, đặc biệt là câu chuyện tái chế rác, nói không với túi nilông đã đi trước rất xa so với nhiều nơi. Chúng tôi cũng đã thấy cam kết mạnh mẽ từ chính quyền thành phố.

Nhưng để chuyện cộng đồng không rác thải thì phải hội tụ rất nhiều yếu tố mà ý thức người dân là đặc biệt quan trọng, trong đó mắt xích quyết định của đường đi rác thải chính là bộ máy cấp thôn, phường xã.

Cấp chính quyền phải bị "buộc" vào chuyện rác thải tại cộng đồng, họ phải chịu trách nhiệm tại nơi xuất phát của rác thải, có trách nhiệm hướng dẫn người dân. Sau đó tới các "dây chuyền" tiếp theo, hoạt động đồng bộ như đơn vị tiếp nhận rác, đơn vị tái chế, nhà quản lý...

Triệt tiêu rác là điều không thể mà vấn đề ở đây là chúng ta tiết giảm và đưa rác đi theo một đường đi khoa học, cái gì tái chế được thì tái chế và không thể sử dụng thì phải tiêu hủy đúng nơi đúng chỗ, đúng cách. Tóm lại là rác không nằm bừa bãi ở cộng đồng mà được thu gom, xử lý triệt để.

Mô hình không rác thải thành công ở Philippines

Alaminos là một trong những thành phố tiên phong của Philippines thực hiện mô hình không rác thải, đạt được thành công nhờ vào luật pháp và sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư, theo trang web của Liên minh Toàn cầu về các biện pháp thay thế lò đốt rác (GAIA).

Alaminos bắt đầu triển khai mô hình này từ năm 2009. Người dân và tất cả các cấp chính quyền thành phố đều chia sẻ cùng nhau trách nhiệm quản lý rác thải.

Từng ngôi làng, quan chức địa phương và các tổ chức phi lợi nhuận đều làm việc cùng nhau để đạt được mục tiêu đề ra. Alaminos xây dựng hệ thống sản xuất phân hữu cơ và các nhà máy phân loại rác cũng như đóng cửa tất cả các bãi rác không phép và không đốt rác thải.

Theo luật quản lý rác thải thông qua năm 2000, tất cả 39 ngôi làng ở Alaminos đều phải thực hiện kế hoạch quản lý rác thải rắn toàn diện. Theo luật, mỗi làng phải có trung tâm tái chế rác, nơi tập trung và phân loại rác.

Luật nghiêm cấm các bãi rác không phép cũng như cấm đốt rác. Sau 2 năm cố gắng cùng với sự hỗ trợ của GAIA, 25/39 ngôi làng trong thành phố đã đáp ứng các quy định trong luật quản lý rác thải.

Mới nhất là Petrero, quận đông dân nhất của thành phố Malabon, đã thành công với mô hình không rác thải, được nhiều quận khác trong thành phố cũng như trên cả nước thực hiện theo mô hình này.

Người dân quận Potrero được hướng dẫn cách phân loại rác thải gia đình thành ít nhất 4 loại, là rác thải nhà bếp, rác thải trong vườn, rác tái chế và những thứ rác khác. Những người thu gom rác sẽ không lấy rác đi nếu chúng không được phân loại đúng.

ANH THƯ

Phát triển du lịch Cù Lao Chàm bền vững Phát triển du lịch Cù Lao Chàm bền vững

TTO - Cần bảo tồn các giá trị thực của tự nhiên ở Cù Lao Chàm (Hội An), phát triển bền vững, lâu dài chứ không phải khai thác cạn kiệt.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp