17/12/2022 06:31 GMT+7

Đào đường cuối năm: 'Căn bệnh kinh niên'

PHẠM TUẤN - THÀNH CHUNG
PHẠM TUẤN - THÀNH CHUNG

TTO - Ghi nhận của Tuổi Trẻ trong chiều 16-12, tại ngõ 35 Kim Mã Thượng (quận Ba Đình, Hà Nội), vỉa hè bị xới tung để "thay áo". Chuyện đào đường những ngày cuối năm tại các thành phố lớn luôn gây cho người dân muôn vàn khó khăn.

Đào đường cuối năm: Căn bệnh kinh niên - Ảnh 1.

Vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) bị đào xới ngổn ngang - Ảnh: PHẠM TUẤN

Tại đường Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa, Hà Nội), sau nhiều tháng thi công nhiều đoạn vẫn còn ngổn ngang đất, đá, bụi bặm, công nhân thi công khiến người đi bộ gặp nhiều khó khăn, thậm chí phải đi xuống lòng đường. Việc thi công đào bới, bụi bặm còn khiến các cửa hàng kinh doanh ở con phố này bị ảnh hưởng.

Áp lực giải ngân

"Lúc đầu cứ nghĩ họ làm vài hôm, cùng lắm tháng là xong vì cả phố dài chỉ hơn 1km. Nhưng đào bới, lát đá đến mấy tháng rồi vỉa hè trước nhà vẫn nham nhở, bụi bặm. Cuối năm buôn bán mà vỉa hè bẩn thỉu nên khách hàng thấy thế cũng không muốn vào, doanh thu sụt hẳn", anh Dũng, chủ một cửa hàng kinh doanh trên phố Nguyễn Chí Thanh, than.

Chiều 16-12, trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ, ông Mạc Đình Minh, phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho hay dự án chỉnh trang hè phố nói chung và lát đá vỉa hè đang thi công do UBND các quận, huyện, thị xã làm chủ đầu tư. Ông Minh cho rằng theo quy định của pháp luật, chủ trương của TP thì không quy định việc thi công, chỉnh trang hè phố là vào thời điểm cuối năm. Việc triển khai thi công sẽ phụ thuộc vào kế hoạch và tiến độ dự án do UBND cấp quận, huyện, thị xã quy định.

Trong khi đó, một lãnh đạo Ban quản lý dự án quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết việc quận, huyện thường xuyên "đào xới", chỉnh trang vỉa hè dịp cuối năm là bởi "áp lực giải ngân".

"Thường xuyên làm cuối năm là bởi áp lực giải ngân và bởi đầu năm thường để làm công tác chuẩn bị đầu tư, giữa năm họp HĐND để bổ sung kinh phí, thường cuối năm xong hồ sơ nên sẽ triển khai vào dịp này", vị này nói và chia sẻ thêm cuối năm nhu cầu đi lại, làm ăn của người dân lớn, làm vỉa hè vào dịp này gây ảnh hưởng đến đời sống nên người dân kêu, phản ánh.

Đào đường cuối năm: Căn bệnh kinh niên - Ảnh 2.

Thi công vỉa hè trên đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy (Hà Nội) chiều 16-12 - Ảnh: NGUYÊN BẢO

"Căn bệnh kinh niên" chưa có lời giải

Trao đổi với Tuổi Trẻ về sự việc trên, đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) cho rằng câu chuyện cứ cuối năm lại đào vỉa hè sửa chữa đã trở thành "vấn đề kinh niên" được dư luận, người dân phản ảnh nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do vấn đề giải ngân vốn, khó có thể bố trí ngân sách đầu năm. Đến khi có vốn lại phải trải qua nhiều thủ tục, quá trình đấu thầu... Từ đó dẫn đến cứ cuối năm mới bắt đầu thi công, đào đường.

Theo ông Cừ, việc đào đường, vỉa hè dịp cuối năm rõ ràng đã tạo thêm những áp lực, gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt của người dân. "Tuy nhiên quan trọng nhất không phải vấn đề ảnh hưởng đến giao thông, sinh hoạt mà phải đảm bảo chất lượng thi công vỉa hè. Nhất là với lát đá ở nhiều tuyến phố phải làm nền bê tông ở dưới đảm bảo, đồng thời phải có sự giám sát chặt chẽ của các tổ dân phố, người dân", ông Cừ nói.

Còn bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII đoàn Hà Nội, nhấn mạnh vấn đề nhiều người dân đặt ra là tại sao gần như năm nào cũng đào bới, thay mới vỉa hè vào dịp cuối năm. Chưa kể có hiện tượng đơn vị này vừa lát xong vỉa hè thì đơn vị khác lại đào lên để lắp đặt cáp viễn thông, điện... Sự bất hợp lý cho thấy lãng phí, tốn kém thời gian và ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.

"Chuyện cuối năm đào bới, thay thế vỉa hè như một căn bệnh kinh niên mà chưa có lời giải hữu hiệu. Chưa kể hiện tượng vỉa hè vừa lát xong đã hư hỏng, sụt gãy... gây ra sự lãng phí rất lớn về ngân sách, chính là tiền thuế của người dân", bà An nói.

Bà An cho rằng việc cuối năm vỉa hè mới được đào, thay thế được lý giải do vấn đề giải ngân vốn ở nhiều địa phương hay đầu năm chưa có vốn, các trình tự, thủ tục... "Nhưng với những bất cập, ảnh hưởng mà người dân gặp phải, nêu ra, chẳng lẽ cứ để mãi tình trạng như vậy. Do đó, cùng với khẩn trương giải ngân vốn đầu tư công thì phải đảm bảo hiệu quả, chất lượng. Nhất là với các công trình chỉnh trang đô thị, vỉa hè tại các TP", bà An nói và đề xuất Hà Nội nên có một cơ quan chung quản lý, điều phối vấn đề vỉa hè để đảm bảo quy hoạch, sửa chữa, thay thế cho phù hợp, đồng bộ.

Thi công chưa đảm bảo

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã có văn bản yêu cầu chấn chỉnh công tác đầu tư và quản lý sau đầu tư hè đường trên các tuyến phố. Hà Nội xác định đá lát vỉa hè lún nứt, vỡ là do thi công chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng đá, quản lý sau đầu tư và duy tu bảo trì chưa được quan tâm.

Do đó, lãnh đạo UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng hè phố theo đúng công năng, mục tiêu đầu tư và thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hà Nội yêu cầu các quận rà soát, tạm dừng ngay việc sử dụng hè phố làm các điểm đỗ ô tô, tập kết vật liệu xây dựng...

Mỗi năm hoa đào nở, lại thấy ông đào đường Mỗi năm hoa đào nở, lại thấy ông đào đường

Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp cuối năm khi người dân bán buôn bận rộn thì ông đào đường bắt đầu tăng tốc...

PHẠM TUẤN - THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp