06/01/2017 09:13 GMT+7

Đạo đức môi trường

NGUYỄN ĐẠI ANH TUẤN
NGUYỄN ĐẠI ANH TUẤN

TTO - Một con hải cẩu hiền lành đã bị đánh chết thê thảm ở một làng chài Bình Thuận hôm 2-1 khiến nhiều người bàng hoàng.

Cùng lúc trên báo Tuổi Trẻ đã đưa ra cảnh báo về quy định của Cục Nghề cá biển quốc gia Hoa Kỳ (NMF): bắt buộc các nước muốn đưa cá ngừ vào bán tại thị trường Mỹ phải tuân thủ quy định về .

Sắp tới đây, Úc và Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ áp dụng quy định nghiêm ngặt về xuất khẩu cá ngừ kèm với cam kết “Dolphin safe” (An toàn cho cá heo).

Hai câu chuyện tưởng chừng như không liên quan nhau, nhưng thật sự nó đều là một kiểu hành vi đạo đức môi trường. “Dolphin safe” là hành vi thể hiện bằng mọi cách phải bảo vệ các loài cá heo đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Tôi vừa có dịp đến Nepal để nghiên cứu về bảo tồn thiên nhiên.

Nepal là một nước có thu nhập bình quân đầu người 702 USD/năm, phần lớn người dân sống dưới mức nghèo khó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật rất lạc hậu, nhưng đi đến đâu những người Nepal tôi gặp đều rất tự hào vì cái nghèo vẫn không làm mất ý chí bảo vệ môi trường của họ.

Tại một xã vùng đệm thuộc Vườn quốc gia Chitwan (cách thủ đô Kathmandu hơn 400km), cô Sabina Shrestha - trưởng nhóm lâm nghiệp cộng đồng địa phương - sau khi giới thiệu về tình hình quản lý tài nguyên rừng, biết tôi đến từ Việt Nam liền đặt câu hỏi: “Có phải ở Việt Nam vẫn còn nhiều người ăn thịt thú hoang dã?”.

Tôi đỏ mặt, ngập ngừng chưa kịp trả lời thì cô ấy đã nói với vẻ tự hào: “Mẹ tôi mất cách đây bốn năm, khi đi lấy cỏ cho gia súc thì bị tê giác tấn công, nhưng hiện nay tôi là trưởng nhóm bảo vệ tê giác và hổ”.

Tôi không dám đặt tiếp câu hỏi tại sao với cô ấy, bởi lẽ tôi hiểu rằng một khi con người ý thức được giá trị của tự nhiên thì cho dù ảnh hưởng đến sinh mạng của mình, họ vẫn không nề hà.

Với ý thức bảo tồn thiên nhiên như thế, Nepal đang là quốc gia có quần thể tê giác một sừng đứng thứ hai thế giới, và quần thể loài hổ có số lượng hơn 120 con sống trong tự nhiên.

Du khách chỉ cần đi bộ trong rừng khoảng một giờ đồng hồ, sẽ có đến hàng chục cơ hội ngắm nhìn các con tê giác thong thả gặm cỏ, hay hàng chục con cá sấu phơi mình trên các đầm lầy, với hàng trăm lượt chim nước sà lên đậu xuống bên cạnh những bầy nai và hươu sao.

Một hình ảnh thiên nhiên kỳ thú và bình yên tưởng như chỉ thấy trong phim ảnh!

Ở Việt Nam trong những năm gần đây, hệ lụy của tăng trưởng nóng đã kéo theo đạo đức môi trường xuống cấp, thậm chí đến mức báo động.

Lối hành xử tệ bạc với thiên nhiên diễn ra hằng ngày một cách “tự nhiên”, từ việc nhỏ như xả rác, phóng uế bừa bãi, đến chuyện lớn như săn bắt, ăn thịt động vật hoang dã, thậm chí ăn cả những loài vốn là vật nuôi cưng của gia đình như chó, mèo.

Điều nhức nhối hơn là ai cũng nhìn thấy hành vi tệ bạc đó nhưng vẫn xem như là “điều bình thường”!?

Đạo đức môi trường, trước hết, được biểu hiện ở tình cảm tự nhiên của con người với thiên nhiên, tôn trọng và thân thiện môi trường sống quanh mình.

Vì thế, cần xây dựng một chuẩn mực về đạo đức môi trường và xem đó như là đạo đức tối thiểu mà mỗi người cần phải có, để sống cho ra một con người.

Đồng thời, các đạo luật bảo vệ môi trường cần phải được thực thi một cách nghiêm minh để kiểm soát hành vi gây tội ác với thiên nhiên của con người.

Hãy tâm niệm để sống chan hòa, thân thiện với thiên nhiên như lời nhắn của cha đẻ thuyết tiến hóa - Charles Darwin rằng: cũng như con người, các loài cỏ cây, muông thú cũng biết hạnh phúc và đau khổ, sung sướng và khốn cùng!

NGUYỄN ĐẠI ANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp