Các giáo trình đạo đức người lái ôtô qua hơn 20 năm
Tuy nhiên, đào tạo lái ôtô hiện nay vẫn chưa thực hiện được, ít nhất là từ góc độ lý thuyết.
Môn học đạo đức người lái xe
Dù qua nhiều lần thay đổi, đạo đức người lái xe vẫn luôn là môn lý thuyết bắt buộc, phải học tại cơ sở đào tạo, cho tất cả các hạng GPLX ôtô với cùng nội dung nhưng thời lượng khác nhau.
Từ năm 2019, môn học này có tên là "Đạo đức, văn hóa giao thông và phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông". Riêng nội dung "phòng chống tác hại của rượu, bia" hiện chưa có trong giáo trình và cũng chưa có hướng dẫn chi tiết để có thể đưa vào giảng dạy.
Chương trình môn học đạo đức người lái của hạng B2 và C, hai hạng có số giờ học nhiều nhất
Xem xét chương trình đào tạo và giáo trình, có thế nhận định rằng môn học này có nội dung khá phong phú, từ "vai trò của đạo đức" đến "tác động của cơ chế thị trường", từ "trách nhiệm, quyền hạn của người sử dụng lao động" đến "các tình huống ứng xử khi tham giao giao thông", từ "phòng, chống tác hại rượu bia" đến "thực hành cấp cứu".
Tuy nhiên, do không có mục tiêu của chương trình đào tạo, mục tiêu môn học và cả mục tiêu chương, bài nên không thể đánh giá được những nội dung kiến thức phong phú này ảnh hưởng ra sao đến sự hình thành năng lực nghề nghiệp cũng như ý thức tham gia giao thông của tài xế.
Chẳng hạn, hạng B1 vẫn phải học về kinh doanh vận tải (chương 3 và 4), dù không được làm nghề lái xe. Hay "2.3. Truyền thống của ngành vận tải bằng ôtô" liệu có cần thiết với doanh nghiệp ngoài quốc doanh và "4.1.3. Trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ôtô đối với việc quản lý, giáo dục và nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người lái ôtô" liệu có phù hợp, khả thi và đúng pháp luật?
Mặt khác, theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Hùng, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên Huế, với nội dung thực hành cấp cứu 1 giờ như trong giáo trình thì thực tế phải cần ít nhất 4 giờ và thời gian học lý thuyết chỉ nên bằng nửa thực hành.
Trong đào tạo lái xe công an, ngành đang đề xuất quản lý đào tạo và sát hạch lái xe thay cho giao thông, môn học tương ứng là "Văn hóa giao thông". Đây cũng là môn học lý thuyết cho tất cả các hạng, cao nhất là 14 giờ ở hai hạng B2 và C. Nội dung gồm 4 chương là (I) Nhận thức chung về văn hóa và văn hóa giao thông, (II) Thực trạng văn hóa giao thông ở Việt Nam, (III) Những giải pháp nâng cao văn hóa giao thông và (IV) Ý thức văn hóa giao thông của người lái xe là cán bộ chiến sĩ CAND, theo giáo trình lưu hành nội bộ năm 2014.
Tương tự, do không có mục tiêu đào tạo nên cũng không thể đánh giá được những nội dung trên hiệu quả ra sao trong việc hình thành văn hóa giao thông cho người học. Và cũng khó giải thích được sự khác biệt về nội dung giữa hai môn học tương đương, trong khi hai loại GPLX được chuyển đổi ngang nhau, không phải học bổ sung.
Tích cực và tự giác
Luật giáo dục nghề nghiệp quy định "phương pháp đào tạo trình độ sơ cấp phải chú trọng rèn luyện kỹ năng thực hành nghề và phát huy tính tích cực, tự giác của người học".
Tích cực và tự giác cũng chính là cách thức hiệu quả nhất để hình thành và rèn luyện đạo đức, văn hóa giao thông. Nếu không, dù có hiểu biết nhưng vì một lý do nào đó, người ta vẫn hành động sai trái như thường. Vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, lấn làn đường là những vi phạm rất dễ gặp trên đường.
Nhưng làm sao để "phát huy tính tích cực, tự giác" trong học tập? Rõ ràng với một giờ học mà giáo viên chỉ giảng giải, học viên chỉ lắng nghe và tiếp thu thì hầu như là không thể. Đồng thời, theo tháp học tập Dalle, sau 2 tuần ta chỉ còn nhớ được khoảng 20% những gì mình nghe, nhưng đến 90% những gì mình nói và làm.
Cho nên người học cần được thảo luận, tranh luận, phân tích, động não, tức là phải có hoạt động thực hành trong giờ học thì mới rèn luyện được đạo đức người lái xe. Mặt khác, các nội dung của môn học này phải gắn liền với thực hành lái xe thì mới hiệu quả, góp phần rèn luyện kỹ năng nghề.
Trong những năm gần đây, dạy học tích hợp, hiểu đơn giản là kết hợp giữa lý thuyết với thực hành trong từng giờ học, đã và đang được thực hiện rộng rãi trong giáo dục nghề nghiệp. Chương trình đào tạo trình độ sơ cấp cũng đã được quy định phải thiết kế theo môđun, để đảm bảo dạy học tích hợp.
Theo nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương, muốn giáo dục hành vi, thái độ của lái xe thì trong chương trình phải thiết kế các nội dung để học viên trực tiếp hoặc gián tiếp tìm hiểu về nỗi đau của người bị tai nạn giao thông, gia đình bị hại và hoàn cảnh sau tai nạn, hậu quả với người gây tai nạn và đặc biệt là giáo dục về sự quý giá của sinh mạng,…
Nhưng đáng tiếc, chương trình đào tạo lái ôtô (của cả công an và dân sự) vẫn theo kiểu truyền thống, lý thuyết và thực hành là những môn riêng biệt nhau. Trong từng môn lý thuyết, số giờ thực hành (trao đổi, thảo luận, tìm hiểu...) được quy định cũng ít hoặc không có.
Tóm lại, với nội dung và cách thức đào tạo như hiện nay, để hình thành và rèn luyện được đạo đức người lái xe, văn hóa giao thông thực sự là một khó khăn cho cả học viên và giáo viên.
Những nghiên cứu tâm lý học giao thông hiện đại phân biệt rõ ràng giữa "những gì mà tài xế có thể làm" và "những gì tài xế sẵn sàng làm".
Những gì có thể làm là từ kiến thức và kỹ năng có được, những gì sẵn sàng làm còn xuất phát từ sự nhận thức nguy cơ và khả năng tự đánh giá.
Cả 4 yếu tố này tác động qua lại lẫn nhau và chịu ảnh hưởng từ các cấp độ tâm lý khác nhau mà cao nhất là thái độ, niềm tin, mục đích sống của người lái xe.
Đây chính là ma trận mục tiêu đào tạo lái xe, còn gọi là ma trận GADGET hay khung GDE, được áp dụng rộng rãi trên thế giới trong giảng dạy và nghiên cứu từ năm 2002.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận