Trần Lực chỉ đạo diễn xuất trên sân khấu - Ảnh: ĐT |
Tài tử của điện ảnh Việt Nam cười hiền bảo rằng dù đã U-60 nhưng cuối cùng anh đã có cơ hội bước vào thánh đường nghệ thuật - một niềm ấp ủ, say mê không phải bây giờ mới chợt đến.
Cũng vì, anh vốn được lớn lên trong lòng sân khấu khi tuổi thơ suốt ngày đứng trong cánh gà đợi cha (NSND Trần Bảng), đợi mẹ (nghệ sĩ chèo Trần Thị Xuân) diễn chèo.
“Mẹ tôi kể năm lên 2, lên 3 gì đó xem vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính, đúng lúc làng bắt vạ Thị Kính (mẹ tôi vào vai) tôi đã hét lên sau cánh gà: Không được đánh mẹ!” NSƯT Trần Lực kể.
Lớn lên, anh cũng từng làm diễn viên trong đoàn Tổng cục Hậu cần, “nhưng toàn vai quần chúng”, Trần Lực nói thêm. Rồi năm 1983, anh học lớp đạo diễn sân khấu và được tu nghiệp đến bảy năm ở Bulgaria.
Chỉ có điều, lúc về nước Trần Lực lại rẽ lối sang điện ảnh và trở thành một tài tử nổi tiếng với nhiều bộ phim như Chuyện tình bên dòng sông, Mẹ chồng tôi, Hoa ban đỏ, Anh chỉ có mình em, Người yêu đi lấy chồng, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông trong suốt những năm 1990 đến đầu những năm 2000.
Sau đó, anh còn mở hãng phim tư nhân mang tên Đông A và vừa làm đạo diễn vừa sản xuất hàng loạt phim, có những phim khá thành công như Chuyện nhà Mộc, Tết này ai đến xông nhà, Tivi về làng...
Nghĩa là, dù lớn lên cùng sân khấu, học nghề làm sân khấu nhưng phải đến tận bây giờ Trần Lực mới thực sự bén duyên với sân khấu - không phải từ một nhà hát chuyên nghiệp mà từ vai trò người thầy truyền nghề cho những cô cậu học trò.
Đã thế, anh còn mạo hiểm chọn dựng lại vở hài kịch đã từng “làm mưa làm gió” từ những năm 1960 tại Hà Nội với bản dựng đầu tiên của Nhà hát Kịch nói Việt Nam, kể câu chuyện hiến hay không hiến gia sản trong công cuộc công - tư hợp doanh của các thành viên trong gia đình ông Đại Cát ở Hà Nội.
Một cảnh trong vở Quẫn - Ảnh: NVCC |
“Mắc” giữa những áp lực vô hình ấy nên đạo diễn sân khấu “trẻ” Trần Lực không thể không tìm tòi cách thể hiện mới. Để vẫn giữ được những hóm hỉnh, hài hước sâu cay của kịch Lộng Chương mà lại có cách kể khá hấp dẫn, cuốn hút với khán giả hôm nay, anh chọn việc kết hợp giữa tính ước lệ trong sân khấu truyền thống Việt Nam và phong cách biểu hiện (nhấn mạnh, thậm xưng trong thể hiện cảm xúc, tình cảm, hành động) trong kịch phương Tây.
Tuy nhiên, với người trong cuộc là những sinh viên trẻ măng của khoa kịch nói năm 4 Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh, thì đó thực sự là một thách thức khi trong vở kịch không có nhiều tình huống ấy mà đạo diễn còn yêu cầu phải diễn ra vai với không gian sân khấu gần như trống rỗng, không nhạc đệm mà phải tự tạo ra.
“Ông” Đại Cát - Mạnh Đạt - dù có đài từ tốt, diễn xuất tốt nhưng phải trổ cả khả năng vũ đạo để hoàn thành vai, than: “Thầy Trần Lực rất gần gũi, tình cảm nhưng luôn “làm khó” chúng em vì lúc nào thầy cũng yêu cầu mỗi diễn viên tạo ra cái mới của riêng mình. Thú thật là cũng có lúc chúng em thấy ngại nhưng khi vượt qua được thì thấy đã!”.
Dù thành danh trong điện ảnh nhưng với sân khấu đây là lần đầu “chạm ngõ” nên Trần Lực vẫn không thôi... hồi hộp. Anh bảo thực ra bao năm qua anh vẫn không thôi mơ tưởng về sân khấu. Kể cả lúc đắt sô điện ảnh, hễ nghe nhà hát, đoàn nghệ thuật nào có vở mới là anh tìm mọi cách đến xem.
Hơn nữa, có hai người - cha anh và thầy Saso Stoianov (Bulgaria) - dù rất vui khi biết anh bén duyên điện ảnh nhưng lúc nào cũng bảo chờ đợi một Trần Lực của sân khấu. “Tiếc là thầy Saso Stoianov không còn nữa nhưng may là cha tôi vẫn mạnh khỏe.
Thế nên, khi sinh viên chạy vở hòm hòm tôi liền ghi hình và mang về hỏi bố. Thấy ông cụ gật đầu tôi cũng yên tâm phần nào. Nhưng còn khán giả nữa. Tôi vẫn hồi hộp chờ đợi để khao khát xem mình có thể tiếp tục dấn bước vào sân khấu bằng dự án như một nhà hát tư nhân chẳng hạn...” - thong thả châm tẩu thuốc, Trần Lực mơ màng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận