Nhân vật cha (diễn viên Ngô Thế Quân) và con (Đỗ Trọng Tấn đến từ làng trẻ em SOS) trên khúc gỗ nổi trong phim - Ảnh: ĐPCC |
Anh nói như reo lên trong điện thoại: “Tôi đã bắt đầu trả được nợ rồi!”.
Nợ ân tình mới đáng để bàn
Nói về chuyện nợ, Lương Đình Dũng có thời gian đã nợ đến nơi đến chốn. Đó là thời gian mới ra trường, thời Dũng gọi là làm phim trong sáng với vai trò là nhà sản xuất băng đĩa Người ngựa, ngựa người cho nghệ sĩ hề chèo Xuân Hinh và nghệ sĩ cải lương Thanh Thanh Hiền.
Đĩa ra bán chạy, có lãi. Dũng tiếp tục thực hiện album sáu tác phẩm kinh điển hề chèo. Sau khi gửi một số lượng lớn đĩa làm quà tặng các đại biểu dự Đại hội lần thứ 8 của Liên hiệp các hội UNESCO thế giới diễn ra tại Hà Nội năm 2011 với ý nghĩa quảng bá nghệ thuật truyền thống Việt Nam, thì phát hành trên các sạp và đĩa bán lỗ.
Lương Đình Dũng phải bán cả nhà để trả nợ cho... hề chèo của mình.
Trong cơn bĩ cực, Lương Đình Dũng được những người bạn rủ đi làm phim quảng cáo. Tiền nong tích cóp sau bao năm làm quảng cáo Dũng tiếp tục đeo đuổi con đường yêu thích của mình, đó là bỏ ra gần hai năm để làm phim về nghệ nhân Hà Thị Cầu và nghệ thuật hát xẩm.
Vì thế mà giờ nghệ nhân hát xẩm nức tiếng này mất đi, di sản là những giai điệu, bài hát của bà đã kịp thời được người đạo diễn lãng tử ghi lại, góp phần đáng kể vào kho lưu trữ tư liệu âm nhạc truyền thống của Việt Nam. Cũng kể như trả xong một “món nợ” tự mình mang vác.
Cha cõng con khi con còn nhỏ, con cõng cha khi cha về già - đó là đạo lý người Việt mình. Tôi muốn dùng ngôn ngữ của điện ảnh để truyền đi thông điệp đó để trả nợ những câu chuyện trong cuộc đời tôi từng nghe, từng trải! |
Đạo diễn LƯƠNG ĐÌNH DŨNG |
Lương Đình Dũng nói nợ tiền thì trả không khó lắm, cái nợ ân tình mới đáng bàn. Cha cõng con chính là cái nợ ân tình đó. Bộ phim do chính anh viết kịch bản cũng là câu chuyện anh viết hơn 20 năm trước - năm 1995, khi đó đang là công nhân ở Xí nghiệp ximăng Tuyên Quang.
Dũng khoe viết khá nhiều truyện nhưng câu chuyện này cứ ám ảnh anh suốt, đó là khi còn bé anh chứng kiến cảnh một người con dùng gậy đánh vào đầu cha mình đến tóe máu.
Mọi người can ngăn và khuyên người cha nên trình báo công an để xử tội đứa con ngỗ ngược, nhưng người cha đó đã không làm vậy. Ông nói rằng do người con say rượu, ông sẽ dần khuyên nhủ con, mong mọi người hãy tin ông sẽ làm được.
Dũng kết nối với ước mơ của mẹ mình khi nhìn máy bay trên trời, bà thắc mắc không biết cảm giác được ở trên máy bay và bay trên bầu trời ra sao... Bà mất khi chưa một lần được bay.
Trong Cha cõng con, cậu bé Cá cũng luôn mơ ước được chạm tay vào những đám mây bay trên trời và người cha cả đời quanh quẩn đánh cá bên bờ sông thường kể cho con nghe những câu chuyện tưởng tượng về vùng đất tràn ngập ánh sáng mà ông chưa bao giờ được đặt chân đến...
Sợ Cha cõng con rồi!
“Anh đi xa quá...” là lời trong một ca khúc nhưng Lương Đình Dũng luôn được anh em trong đoàn làm phim Cha cõng con hát cho nghe để chọc tức.
Đó là khi đạo diễn quyết định chọn thời điểm từ ngày 20-7 đến 24-9, đúng mùa mưa lũ của năm 2015, kéo cả đoàn lên Hà Giang để quay phim. Đã mua bảo hiểm cho cả đoàn phim nhưng mọi khó khăn luôn rình rập phía trước.
Bởi hầu hết cảnh quay trên sông Gâm có mực nước dâng cao, cứ ba tiếng đạo diễn lại chạy ra đo một lần; địa hình đồi núi hiểm trở, lũ cuốn đến bất cứ lúc nào, có những cảnh quay trên ngọn đồi cao 100m anh em can ngăn, đạo diễn vẫn nhất quyết phải khuân vác máy móc lên bằng được để thực hiện cảnh quay.
Có những cảnh quay đến 27 đúp nhưng vẫn phải làm vì đạo diễn kỹ tính, quay đến khi nào ưng mới xong...
Đến ngày cuối cùng cảnh quay xong, đạo diễn Lương Đình Dũng đã phải ăn chắc khi cóp phim làm bốn bản, cất giữ cẩn thận, chỉ lo phút cuối lũ cuốn mất thì công sức đi tong, bảo làm lại thì không dám làm nữa.
Sợ Cha cõng con rồi! “Giờ bảo tôi làm lại Cha cõng con chắc là chịu thôi dù kinh phí cấp cho tôi gấp 5 hay 10 lần!” - Dũng nói.
Với đạo diễn Lương Đình Dũng, làm phim đã sợ nhưng đến khâu phát hành lại lo nhiều, bởi mất gần một năm trời không đi đến sự thỏa thuận. Câu nói từ nhà phát hành luôn là phim này rất khó.
Hỏi đạo diễn có phải do yếu tố diễn viên vì gần như các diễn viên trong phim đều không quen mặt với điện ảnh. Những đứa trẻ trong phim, ngay cả cậu bé vai chính tên Cá, là những đứa trẻ mồ côi sống ở làng trẻ SOS Việt Trì, Phú Thọ.
Cả vai chính người cha - Thế Quân - từng được biết đến qua vai diễn Giang Minh Sài trong phim Thời xa vắng cũng không phải diễn viên chuyên nghiệp. Nhưng với sự lựa chọn của đạo diễn, họ giản dị, và anh muốn khán giả thấy câu chuyện trong phim được kể một cách dung dị nhất, đến được với nhiều đối tượng khán giả nhất.
Cũng bởi vậy, khi phim Cha cõng con chưa ra được rạp trong nước, đạo diễn đã “cõng” đi tham dự gần 10 liên hoan phim (LHP) quốc tế lớn nhỏ.
Có LHP chiếu giới thiệu, có LHP chiếu và tranh giải chính thức. Dũng kể nhiều người cổ vũ việc này nhưng cũng có người chê là phim đi dự nhiều LHP để lấy danh.
Bỏ qua những dị nghị, điều Lương Đình Dũng chờ đợi nhất là khi những hình ảnh, cuộc sống con người Việt Nam xuất hiện trên màn ảnh, ngồi dưới là những vị khán giả quốc tế xem, thế là vui rồi.
Người nước ngoài xem Cha cõng con sẽ gửi cái nhìn thân thiện bởi thấy sự trong trẻo, lương thiện trong đó. Người Việt Nam hiện lên rất đẹp. Phim đi dự giải có được giải hay không thì không quan trọng, mà được người ta bàn luận là vui rồi!
Cõng phim đi khắp thế gian, giờ Cha cõng con sắp trở về với quê nhà, với Lương Đình Dũng đó mới là trả xong món nợ ân tình của mấy mươi năm.
Một thiên nhiên thanh bình và khốc liệt
* Cảnh đẹp nhất hoặc chuyên chở nhiều cảm xúc mạnh mẽ nhất ở Cha cõng con, với đạo diễn Lương Đình Dũng, là cảnh nào? - Chúng tôi rất may mắn khi có cơ hội ghi lại được những cảnh sắc tuyệt đẹp đến lạ thường, rất riêng của vùng núi phía Bắc, với ánh sáng, màu sắc, không gian và có cả khí trời trong cả hình ảnh. Có rất nhiều cảnh đẹp như những bức tranh được vẽ chầm chậm từng nét. Nhưng có một cảnh tôi mê đắm là hai cha con ngồi trên khúc gỗ nổi bồng bềnh trước ngôi nhà khi mùa lũ. Có thể viết đến vài trang không hết cảm xúc của tôi trong cảnh này. Ở đó tôi thấy sự thanh bình đến nao lòng, thấy tình cha con gắn kết, thấy cả cha và con là bạn, thấy sự hồn nhiên của những con người sống với tâm hồn trong trẻo. Những con cò vô tình bay vào khung hình càng khiến tôi rung động, nhưng trong sự thanh bình ấy là thiên nhiên khốc liệt đến tàn bạo, rình rập, bất ngờ cuốn trôi tất cả... * Phim của anh có những nhân vật nghèo khó, bi đát nhưng họ vẫn luôn nhìn lên trời, ngắm núi đồi, mây bay, thậm chí bước lên tòa nhà chọc trời như Bitexco để nhìn ra không gian cao rộng. Anh có gửi gắm điều gì ở việc khắc họa đó? - Tôi đã đi rất nhiều và tìm thấy cảm hứng ở những đứa trẻ mỗi khi chúng hướng đôi mắt trong veo nhìn lên bầu trời. Ở phim này cũng vậy, tôi đã tìm thấy được cảm hứng ban đầu để xây dựng một câu chuyện - một bộ phim về những ước mơ từ mặt đất hướng vọng về bầu trời... |
* Ngay khi phim hoàn thiện, Lương Đình Dũng đã đem chiếu cho hai khán giả đặc biệt là bệnh nhân nhí ở Viện Huyết học - truyền máu trung ương. Hai cháu bé đang được điều trị tại viện vì căn bệnh ung thư máu đã tham gia phim với tư cách diễn viên phụ. Đạo diễn bảo anh không muốn mình ân hận nếu các em không thể chờ đến ngày phim chính thức ra rạp. * Liên hoan Canadian Diversity Film Festival diễn ra tháng 11-2016 đã trao cho Cha cõng con (Father and son) giải Phim dài xuất sắc; còn tại LHP Barcelona Planet tác phẩm này “ẵm” giải Quay phim xuất sắc. Đến thời điểm này, phim được chọn chiếu và tranh giải chính thức tại nhiều LHP quốc tế khác như: LHP Houston lần 50; LHP Arizona lần 26 tại Mỹ (Arizona International Film Festival); LHP châu Á - Thái Bình Dương châu Mỹ Latin lần 17 (DC Asian Pacific American Film Festival) tại Washington DC, Mỹ; LHP quốc tế Julien Dubuque lần 6 tại bang IOWA, Mỹ; LHP châu Á - Thái Bình Dương Los Angeles... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận