02/03/2011 11:05 GMT+7

Đạo diễn Nguyễn Minh Chung: Không ngại khi trị... phim ngoại!

HOÀNG LÊ
HOÀNG LÊ

AT - Khởi quay từ ngày 15-1, bộ phim dài 35 tập Người mẫu đang tạo nên sự chờ đợi trong giới ghiền phim Hàn lẫn phim Việt, bởi bộ phim này được làm lại từ bộ phim cùng tên do Hàn Quốc sản xuất, từng rất được yêu thích khi phát sóng ở VN.

Đạo diễn bộ phim là một gương mặt rất quen thuộc với khán giả truyền hình: Nguyễn Minh Chung. Trước khi phim bấm máy, Áo Trắng đã có cuộc trò chuyện với người đạo diễn đang được mệnh danh là... người chuyên trị phim kịch bản ngoại.

ItvpPkUW.jpgPhóng to
Diễn viên Bình Minh và Thanh Hằng trong phim Người mẫu

Bộ phim bắt đầu từ sự trở về của Duy Thanh sau 15 năm từ khi cha anh qua đời, anh theo mẹ sang Mỹ sống và lớn lên trong tuổi thơ vất vả. Trở về nước lần này, ngoài việc tìm hiểu cái chết của cha, anh còn dự định gầy dựng lại sự nghiệp của mình trong ngành thời trang giống như cha thuở trước. Duy Thanh tìm đến tập đoàn thời trang Gold Cat do chú Tư Hùng là em ruột của cha làm giám đốc. Anh gặp gỡ hai người bạn là Minh Huy - siêu mẫu thời trang của công ty Models Land và Bình Khôi - nữ sinh viên chuyên ngành thiết kế thời trang đầy tài năng và xinh đẹp, tạm hoãn ước mơ trở thành nhà thiết kế thời trang để theo đuổi nghề người mẫu đầy quyến rũ. Từ đó cuộc đời Duy Thanh bước vào ngã rẽ mới với sự đan xen giữa tình bạn và tình yêu...

Ðược xem là bộ phim đầu tiên đề cập sâu vào thế giới của những chàng trai, cô gái chân dài, bộ phim dài 35 tập Người mẫu thể hiện một cuộc sống hào nhoáng, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà thiết kế thời trang, quy luật đào thải của ngành... Phim đưa ra một giá trị đạo lý trong nghề nghiệp: quy luật của sự thành công trong bất cứ nghề nghiệp nào cũng đòi hỏi tài năng và lao động sáng tạo. Các diễn viên tham gia phim gồm có Bình Minh (Duy Thanh, vai diễn của Jang Dong Gun), Sơn Tùng (Minh Huy), Thanh Hằng (Bình Khôi, vai của Kim Nam Joo), Bảo Trúc (Yến Nhi), Thu Kiều (Thu Lài), Mỹ Linh (Thu Hà), Minh Cường (Duy Hùng), Xuân Lan (Thanh Yến), Anh Tuấn (Hồng Giang)...

* Hầu như các phim anh làm như Nguyệt Quán, Người mẹ nhí, Cô gái xấu xí, Tóc rối và nay là Người mẫu, toàn là phim chuyển thể từ kịch bản nước ngoài. Ông không ngại sẽ chết danh là đạo diễn chuyên làm lại kịch bản ngoại?

- Tôi có thể bổ sung thêm bộ phim Kính vạn hoa (phần 1, phần 2) cũng có kịch bản sẵn từ sách của Nguyễn Nhật Ánh nữa. Tôi toàn làm lại những thứ mà người ta đã biết rồi (cười). Thật lòng tôi không ngại nếu có danh hiệu này. Tất nhiên là khi làm một bộ phim mới người ta chưa biết thì phim mang tính bất ngờ cao.

Còn làm phim cũ thì yếu tố hấp dẫn giảm bớt phần nào. Vì thế, làm lại phim của nước ngoài là một thử thách rất lớn cho các đạo diễn. Nhưng bù lại, các kịch bản phim nước ngoài rất hay, chặt chẽ, logic. Làm phim của họ sẽ học hỏi được cái hay. Chấp nhận làm thể loại phim này, tôi nghĩ mình có thể sẽ thất bại, nhưng từ thất bại sẽ để lại những bài học tốt. Có trực tiếp làm mới học hỏi được nhiều điều.

Nói thật là tôi cũng đã đọc một vài kịch bản thuần Việt do một số hãng phim giới thiệu nhưng chưa thấy kịch bản nào hay. Nhân vật nhợt nhạt, lời thoại hời hợt. Ðó là đặc điểm thường thấy trong kịch bản phim bây giờ.

* Thưa anh, dạo gần đây báo chí phàn nàn về tình trạng phim VN vay mượn quá nhiều kịch bản của nước ngoài về để làm lại, anh nghĩ sao về hiện tượng này?

- Có thể ví von sự phát triển của phim truyền hình chúng ta như một xã hội thu nhỏ. Xã hội VN đang phát triển nhanh chóng, nhiều người sắm xe hơi đắt tiền. Thế nhưng cơ sở hạ tầng thì phát triển không theo kịp gây nên tình trạng ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến cuộc sống nhiều người. Phim ảnh cũng vậy. Phim Việt đã chiếm sóng đến 30% trên truyền hình. Thế nhưng ta rất thiếu về điều kiện kinh tế, tài chính, con người, kỹ thuật... Trong đó thiếu cả người viết kịch bản, diễn viên thì lôi kéo từ nhiều thành phần. Vì thế việc vay mượn kịch bản nước ngoài là điều tất nhiên. Xin đừng quá trách móc điều này.

Tôi đã có dịp tiếp xúc với một nhà làm phim người Hàn Quốc, anh ta nhận xét nền điện ảnh của VN hiện tại cũng giống như Hàn Quốc hơn mười năm trước kia, cần có thời gian để phát triển. Sự phát triển điện ảnh luôn đi sau sự phát triển của nền kinh tế. Không thể có nền điện ảnh phát triển ở một quốc gia chưa phát triển.

* Anh có thể "bật mí" đôi chút về bộ phim Người mẫu. Phim sẽ khai thác yếu tố hấp dẫn ở khía cạnh nào?

- Về cơ bản đường dây bộ phim không khác lắm so với kịch bản gốc, chúng tôi chỉ chỉnh sửa sao cho phù hợp với tính cách con người, chính trị, luật pháp ở VN. Ví dụ như ở xã hội Hàn Quốc, trong môi trường công ty thì vị trí của sếp và nhân viên phân biệt rõ rệt, sếp có thể quát mắng la rầy, thậm chí còn có thể đánh cả nhân viên. Ở VN ta, mối quan hệ này thân mật và ít phân biệt hơn, vì thế cách ứng xử cũng nhẹ nhàng hơn. Trong phim Hàn thì sự cạnh tranh của các công ty thời trang khốc liệt. Còn ngành thời trang VN chưa phát triển nhiều. Chưa có công ty nào vào thị trường chứng khoán nên sự cạnh tranh cũng nhẹ nhàng, mang đậm xu hướng thời trang Việt.

Vì là phim về thế giới người mẫu nên hầu hết diễn viên trong phim đều là người mẫu. Họ hầu hết cao trên 1,7m và đẹp. Vì thế hình ảnh trong phim sẽ đẹp là điều đương nhiên. Vấn đề là chúng tôi phải lèo lái diễn viên đi đúng theo hướng của mình. Bộ phim này sẽ chọn hình thức lồng tiếng cho đảm bảo thoại. Dự kiến phim bấm máy trong vòng hai tháng.

2flIiH1w.jpgPhóng to

Áo Trắngsố 3 (số 89 bộ mới) ra ngày 15/02/2011hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

HOÀNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp