29/08/2023 11:50 GMT+7

Đạo diễn Đào Trọng Khánh: Lưu Quang Vũ là một người may mắn

Tuổi Trẻ trò chuyện với NSND - đạo diễn Đào Trọng Khánh, người bạn thân đã đi vào bài thơ 'Đêm đông chí uống rượu với bác Lâm và bác Khánh nói về những cuộc chia tay thời loạn'. Ngày 29-8 năm nay là tròn 35 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ.

Nhà thơ - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ

Nhà thơ - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ

Ở tuổi ngoài 80 với sức khỏe đã hạn chế, chỉ còn quanh quẩn trong nhà và ngoài viện với vợ, ông ĐÀO TRỌNG KHÁNH nói về người bạn tài hoa mà ông yêu quý. 

Thương quý bạn, trọng tài bạn lắm, nhưng càng thương càng trọng, Đào Trọng Khánh muốn đặt bạn ở đúng vị trí một người tài, người tốt có thật chứ không phải một huyền thoại như nhiều người đã dựng, khoác lên Lưu Quang Vũ

Vũ tốt lắm

* Hồi đó ông đã gặp Lưu Quang Vũ thế nào?

- Lưu Quang Vũ là cả một thời tuổi trẻ của tôi. Tôi làm điện ảnh nên hay gặp những người nổi tiếng. Nhưng hồi ấy Vũ không nổi tiếng. Đến giờ tôi cũng không hiểu vì sao chúng tôi chơi thân với nhau vì tính tình mỗi người mỗi khác. 

Có lẽ là những gã làm thơ tìm thấy nhau, chúng tôi chưa ai nghĩ tới một thứ gì khác. Hồi đó tôi tưởng tôi đi làm thơ, nhưng rồi bỏ thơ quay sang làm phim tài liệu. Vũ thì viết kịch, vì mưu sinh.

* Sao ngày đó ông lại bỏ thơ? Vì "thơ hay đời loạn chẳng ai dùng"?

- Tôi làm thơ chỉ để anh em đọc chơi với nhau, không ghi chép, không xuất bản gì. Vũ thì chịu khó lưu trữ, xuất bản, do bố Vũ là nhà thơ - nhà viết kịch Lưu Quang Thuận. Ngày ấy chúng tôi gặp nhau, uống rượu là đọc thơ. Vũ đọc thơ rất nhiều cho bạn bè nghe, tôi thì chỉ thỉnh thoảng.

Rồi một ngày tôi ít làm thơ, tập trung làm phim. Quyết định đến một cách tự nhiên. Chuyện sao tôi bỏ thơ thì cũng như chuyện của Vũ đối với người tình của mình. 

Vũ yêu hết cô này cô khác nhưng ai cũng tưởng Vũ thật thà, khiến tôi cũng không hiểu vì sao bạn mình lại thế.

* Nhiều người biết Lưu Quang Vũ đa tài đa tình, còn ông Khánh lại dành cho vợ tình yêu duy nhất?

- Tính tình Vũ thế, nhưng nó tốt lắm. Tôi từng kể với vợ tôi có lần thấy Vũ lên sân thượng nhà 96 phố Huế khóc vì tình. Trong tình yêu của Vũ có nét trẻ con, yêu ai cũng rất thật dù yêu vài cô cùng lúc. 

Nghĩ cũng thú vị. Vì thế người ta không cảm thấy giận Vũ vì chuyện yêu đương, dù người ta không hiểu vì sao Vũ lại thế. Những cô người yêu của Vũ gặp tôi là than thở, tôi cũng không biết nói thế nào. 

Con người ta sinh ra mỗi người có một cái tật thì có lẽ tật của Lưu Quang Vũ là như vậy, mà người ta gọi là duyên số. Tôi thì may mắn vì vợ chồng tôi yêu thương nhau, bà ấy là người phụ nữ lương thiện.

* Ông vừa nói Lưu Quang Vũ là người tốt lắm?

- Người ta cứ tưởng dễ phân biệt người tốt người xấu nhưng không dễ chút nào. Vũ có thể yêu 2-3 người một lúc nhưng ai cũng thấy tình yêu cho mình rất thật, vì đúng là Vũ yêu họ chân thật. Nên người nào đã vướng vào cuộc tình với Vũ thì rất ít người bỏ được.

Vũ viết kịch cũng bình thường

Đạo diễn Đào Trọng Khánh - Ảnh: VŨ DŨNG

Đạo diễn Đào Trọng Khánh - Ảnh: VŨ DŨNG

* Vì sao ông nghĩ thơ mới là tài năng lớn của Lưu Quang Vũ, không phải kịch?

- Nhiều người cứ nghĩ Vũ viết kịch giỏi. Không, Vũ viết kịch cũng bình thường. 

Nhưng kịch của Vũ đã gây tiếng vang lớn vì một lý do quan trọng là thời điểm. Lúc đó xã hội bắt đầu đổi mới. 

Bao năm những tiếng nói thẳng thắn và mạnh mẽ của trí thức nói lên tiếng nói của nhân dân không được nói ra thì tới lúc đó lại nói được, đất nước cần những tiếng nói mạnh mẽ, trực diện như Vũ nói trong kịch.

Trước Vũ, kịch của Xuân Trình cũng thẳng thắn, mạnh mẽ như vậy, nhưng vì thời điểm chưa "chín muồi" chăng mà những vở kịch của đàn anh không thành công như Lưu Quang Vũ sau đó. 

Vũ lại viết ồ ạt trong khoảng thời gian ngắn. Có một điều lạ là sau cái chết của bố - nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận - thì Vũ bắt đầu viết kịch ồ ạt, như thể bố đã truyền lại cho Vũ năng lực viết kịch kỳ diệu.

Chỉ chừng 7 năm, từ 1981 đến 1988, Vũ viết trên 50 vở kịch, diễn khắp cả nước, gây chấn động cho hàng chục vạn khán giả. 

Trong đó nhiều vở còn tiếp tục sống với khán giả tới ngày nay như Hồn Trương Ba da hàng thịt, Tôi và chúng ta, Lời nói dối cuối cùng, Chết cho điều chưa có, Điều không thể mất, Bệnh sĩ...

Nói chung thành công của Vũ với kịch do nhiều yếu tố hợp lại, trong đó có yếu tố "gặp thời", chứ tôi không coi đó là tài năng thực sự của Vũ đâu. Kịch nói cho cùng vẫn không phải là sở trường của Lưu Quang Vũ. 

Thơ vẫn là thứ giá trị. Vũ khi bắt đầu vào kịch vẫn còn cố gắng làm thêm thơ, nhưng rồi không thể. Đôi lần nói chuyện thân tình, Vũ có bảo với tôi rằng thơ ca mới là thứ quý nhất, lớn nhất với Vũ.

Lưu Quang Vũ ở Lạng Sơn

Lưu Quang Vũ ở Lạng Sơn

* Hình như cuối đời Lưu Quang Vũ có dự định quay lại làm thơ?

- Những người từng bỏ thơ đi làm cái khác sẽ luôn có cảm giác mắc nợ thơ, mắc nợ chính mình và muốn một ngày được trả món nợ ấy. Nhưng họ đều nhầm. Vũ khi đã mắc vào chuyện viết kịch thì chỉ còn viết được kịch thôi. Phải hoàn toàn trong sáng với thơ mới viết được.

* Nó có giống trường hợp của ông, làm phim tài liệu và rồi không làm thơ được nữa?

- Không. Tôi chủ động không làm thơ nữa. Tự nhiên quyết định đó đến thôi.

* Nhưng Lưu Quang Vũ rất thích thơ của ông?

- Đúng. Hồi đó tôi coi việc làm thơ vui vui nhưng có ý nghĩa thiêng liêng của nó. Thích thì mình làm, bạn bè đọc cho vui với nhau, đọc rồi quên, chứ tôi không có ý thức lưu giữ thơ cẩn thận như Vũ.

Lưu Quang Vũ may mắn

* Ông có bao giờ hỏi bạn mình vì sao lại viết "Thơ Khánh buồn như lòng đất nước"?

- Hồi đó tâm trạng của tất cả chúng tôi đều không vui. Đất nước chiến tranh, đói nghèo. Tôi không bao giờ hỏi bạn vì sao lại viết câu thơ ấy. 

Vũ thích viết về thơ tôi như vậy thì đó là quyền của Vũ. Và chính tôi cũng thích câu thơ ấy mà không bận tâm hỏi vì sao.

Lưu Quang Vũ năm 1963 - Ảnh: Gia đình cung cấp

Lưu Quang Vũ năm 1963 - Ảnh: Gia đình cung cấp

* Theo ông, những bài thơ hay nhất của Lưu Quang Vũ là những bài thơ mang cảm hứng về đất nước, dân tộc, về nhân dân, đúng không?

- Có lẽ đó là đánh giá chung của nhiều người bây giờ khi đọc lại thơ Vũ. Nhưng thơ Vũ hay ở nhiều khía cạnh khác, cả những khía cạnh mà người ta quên. Vũ, theo tôi, có nhiều bài thơ hay, câu thơ hay nhưng không nổi tiếng, không được số đông yêu thích. 

Những tuyên ngôn không hợp với Vũ. Với tôi, Vũ hay nhất là những đoạn thơ tình cảm. Một số bài thơ của Vũ đậm chất tuyên ngôn, giống như kịch, và một số người thích, nhưng tôi thì không.

* Ông đánh giá thế nào về tài năng thơ của Lưu Quang Vũ?

- Vũ may mắn vì thơ còn được một số người đọc và thích, để biết là Vũ còn có thơ chứ không phải chỉ có kịch. Rõ ràng số của Vũ là được người ta nhớ đến thơ của mình. Nếu không, thơ Vũ cũng giống như thơ của đại đa số tài năng cùng thời khác, người ta đọc rồi quên đi.

Không phủ nhận Vũ là một tiếng thơ hay trong thời đại của mình, nhưng bên cạnh Vũ còn có một số người cũng làm thơ hay khác. Vũ may mắn hơn là được người ta nhớ đến.

Gia đình Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh năm 1987 - Ảnh: Gia đình cung cấp

Gia đình Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh năm 1987 - Ảnh: Gia đình cung cấp

* Có lẽ người ta có xu hướng yêu và tôn vinh Lưu Quang Vũ nhiều hơn chính tài năng của ông bởi cái chết đột ngột và quá bi thảm của cả gia đình giữa lúc nhà thơ - nhà viết kịch ấy đang ở độ chín nhất của tài năng?

- Có thể. Điều này đúng đấy.

* Hồi ấy và thậm chí cả bây giờ một số người vẫn nhất quyết muốn tin rằng cái chết của gia đình Lưu Quang Vũ chẳng thể là vì tai nạn mà phải là một âm mưu nào đó, nhưng sự thực đó chỉ là một sắp đặt rất oan nghiệt của số phận?

- Đúng vậy. Hoàn toàn là sự sắp đặt của số phận. Số phận đưa dồn đến bước như thế. Nhưng hồi ấy người ta đưa ra rất nhiều suy đoán lung tung về cái chết của Lưu Quang Vũ và gia đình.

Đạo diễn Đào Trọng Khánh sinh năm 1940 tại Hải Phòng. Ông làm đạo diễn tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương, nổi tiếng với các bộ phim về đề tài lãnh tụ. Ông được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2007.

Là một người tài hoa và hào sảng, Đào Trọng Khánh được rất nhiều thế hệ bạn bè văn nghệ sĩ yêu quý.

Ông đã xuất bản hai tập truyện ký có xen chút ít bài thơ còn tìm lại được có tên Đất và người nhờ vào tấm lòng của một người bạn vong niên rất yêu quý ông không ngại bỏ công biên soạn từ đống tài liệu giấy cũ - họa sĩ Lê Thiết Cương.

Nhớ một người thơ đắm đuối đất nước mìnhNhớ một người thơ đắm đuối đất nước mình

Càng về những năm cuối đời, cảm hứng đất nước, dân tộc càng dạt dào trong những câu thơ của Lưu Quang Vũ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp