04/08/2009 06:12 GMT+7

Đạo diễn Đào Bá Sơn làm phim Long thành cầm giả ca: Về những vẻ đẹp đã mất

THU HÀ thực hiện
THU HÀ thực hiện

TT - Ðạo diễn Ðào Bá Sơn (ảnh) đã ôm kịch bản Long Thành cầm giả ca cùng với tập Thơ chữ Hán Nguyễn Du rong ruổi nhiều nơi, "quần thảo" mọi ngõ ngách Hà Nội, lên tận ải Chi Lăng để tìm kiếm bối cảnh và "không khí" cho bộ phim nhựa sắp tới.

4Oz9Mq5n.jpgPhóng to
TT - Ðạo diễn Ðào Bá Sơn (ảnh) đã ôm kịch bản Long Thành cầm giả ca cùng với tập Thơ chữ Hán Nguyễn Du rong ruổi nhiều nơi, "quần thảo" mọi ngõ ngách Hà Nội, lên tận ải Chi Lăng để tìm kiếm bối cảnh và "không khí" cho bộ phim nhựa sắp tới.

Bộ phim kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long nhưng không có hào khí ngút trời, chỉ có nỗi buồn của người nghệ sĩ về những vẻ đẹp kỳ lạ đã mất của một Thăng Long khác, rất khác. Ðạo diễn Ðào Bá Sơn chia sẻ với Tuổi Trẻ nhiều dự định.

* Chỉ là một câu thơ trong một bài thơ của Nguyễn Du, lại không quen thuộc như Truyện Kiều, điều gì đã khiến kịch bản "đứng" được và đạo diễn bám vào đâu để làm phân cảnh?

- Anh Văn Lê là một nhà thơ nên anh ấy cảm nhận hết cái hồn của Long Thành cầm giả ca - bài ca về người gảy đàn ở Long Thành - theo cách một nhà thơ hiện đại cảm nhận. Mặt khác, Văn Lê là một biên kịch phim tài liệu rất có nghề, tôi với anh Lê từng làm chung khá nhiều phim nên "đọc" nhau rất nhanh.

Tuy kịch bản bàng bạc chất thơ và ít thoại, ít hành động nhưng chi tiết và sử liệu rất đắt. "Cơ nghiệp nhà Tây Sơn đâu hết cả - chỉ còn sót lại tiếng đàn của người gảy đàn ở Long Thành?". Chỉ với hai câu thơ ấy thôi mà bao nhiêu dâu bể ùn ùn kéo về. Người ta thấy lại từ cung vua phủ chúa đến những tao nhân mặc khách, công tử kỳ nữ, từ thớt voi chiến của Quang Trung đến xác quân Thanh chết nghẽn đặc sông Hồng và những thường dân đầu trần chân đất gánh nhà cửa con cái trên vai chạy loạn...

* Cụ thể, trong phim của Ðào Bá Sơn, Long Thành cầm giả ca sẽ là...

Long Thành cầm giả ca do Nhà nước tài trợ Hãng phim Giải Phóng sản xuất. Bộ phim được dựng từ kịch bản đoạt giải nhất cuộc thi viết về 1.000 năm Thăng Long (do Bộ VH-TT&DL và UBND TP Hà Nội tổ chức) của nhà thơ Văn Lê. Số tiền tài trợ là 7 tỉ đồng, dự kiến phim ra mắt vào tháng 10-2010.

- Là một Long Thành không phải của vua chúa và những người anh hùng, mà của những trí thức đau đời như Nguyễn Du và những nghệ sĩ mong manh như cô Cầm làm nghề ca kỹ. Tôi muốn phục dựng một Thăng Long với những vẻ đẹp đã mất, những kẻ sĩ chỉ riêng Thăng Long có, những nghệ sĩ chỉ đàn và ca được khi Long Thành còn là Long Thành. Phim của tôi dự định nhấn nhá trong những trường đoạn đặc tả: những bé gái được thầy dạy đàn hát luyện âm trong chum, ngâm tay trong thuốc bắc, những màn hát văn, lên đồng của các vũ công và ca công người Việt khiến quân xâm lược dù không hiểu ngôn ngữ cũng phải "mê mẩn tâm thần"...

* Anh đã lựa chọn được bối cảnh và êkip làm phim anh cho là tối ưu chưa?

- Vẫn còn đang đau đầu lắm. Tôi đi đường bộ từ Hội An qua Huế, ra Thanh Hóa, qua Ninh Bình, đến Hà Nội, lên Lạng Sơn... Cuối cùng chỉ chọn được một vài ngoại cảnh để quay ở Ninh Bình. Cung vua phủ chúa và 11 dinh thự của các công hầu khanh tướng - trong đó có nhà Nguyễn Khản, anh trai Nguyễn Du, bối cảnh chính mà Nguyễn Du và cô Cầm gặp nhau - không còn dấu vết gì trên thực tại, chắc chắn phải dựng bối cảnh. Trường quay Cổ Loa đang được đoàn làm phim Trần Thủ Ðộ trưng dụng.

Hãng Giải Phóng muốn tôi vào Nam dựng ở trường quay bên Củ Chi của HTV, nhưng chỉ riêng chuyện phải làm một dãy phố Thăng Long ngày tết với 200m toàn hoa đào giả đã khiến tôi thấy hết cả hứng thú. Nên phương án khả thi nhất vẫn là ra Bắc.

Chúng tôi đã lên tham quan phủ Thành Chương và đánh tiếng mượn chủ nhân một vài bối cảnh để quay những cảnh ca múa, hi vọng thích hợp và được chủ nhân đồng ý. Phủ Thành Chương có không gian kiến trúc thuần Việt, không lai tàu lai tây, tôi hi vọng những bối cảnh chúng tôi dựng cũng có ngôn ngữ kiến trúc chung như vậy.

5qbRjV6I.jpgPhóng to
Phủ Thành Chương có thể là bối cảnh của Long Thành cầm giả ca -Ảnh: NGUYỄN HỮU BẢO

* Một trong những thành phần tạo nên sự hấp dẫn nhất của đoàn làm phim là diễn viên, mốt hiện hành là các người đẹp đóng phim. Anh có định làm như vậy?

- Trong phim của tôi cũng có nhiều cơ hội cho người đẹp xuất hiện, các ca công, vũ nữ...đều là những người bị - buộc - phải - đẹp. Ngay cả cô Cầm, dù Nguyễn Du đã chú dẫn rất rõ trong bài thơ là một người đàn bà xấu xí, thô kệch, tôi vẫn có thể "phăng tê zi" thành đẹp. Nhưng tôi không làm thế. Ðây là một bộ phim mà sự thành bại phụ thuộc quá nhiều vào tính chuyên nghiệp của diễn viên nên tôi không dại mà "đánh đu" với các loại nhan sắc. Bài học của đoàn làm phim Trần Thủ Ðộ vẫn còn làm tôi đang run đấy.

Tôi đang chú ý và có lẽ sẽ mời một nghệ sĩ múa thử vai vì cô ấy có nhạc cảm rất tốt, kiến thức văn hóa rộng và có cặp mắt một mí đúng kiểu người Việt cổ, nhưng tôi cũng băn khoăn là diễn viên múa thể hiện sự biểu cảm bằng hình thể, còn điện ảnh quan trọng nhất là gương mặt. Có lẽ còn phải trông chờ vào duyên và may nữa(!).

Diễn viên nam vào vai Nguyễn Du khiến tôi đau đầu hơn. Tìm được một gương mặt thư sinh nho nhã, vừa trong sáng vừa đau đời sao khó quá. Tôi đã và đang chờ đón sự giới thiệu và tự giới thiệu từ mọi nguồn đây.

THU HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp