Một du khách nước ngoài tìm hiểu về chiếc giày gốm men nâu, tạo hiệu ứng bề mặt giả đồng. Cổ giày điểm những đài sen khô, điểm nhấn là phần kén tằm màu trắng và chuỗi hạt gỗ được đính lượn sóng bên hông giày vắt xuống mũi giày - Ảnh: HÀ QUÂN
Tại triển lãm, Đại sứ Ý Antonio Alessandro chia sẻ “Chiếc giày gốm Bát Tràng và cuộc dạo chơi cùng văn hóa Ý” có sự góp mặt của 12 chiếc giày gốm của cố nghệ nhân nhân dân Vũ Thắng sẽ là cầu nối nghệ thuật, văn hóa giữa Việt Nam - Ý. Đây cũng là cách mà nước Ý giữ gìn văn hóa dân tộc - đưa văn hóa tới đại chúng.
“12 chiếc giày gốm là những tài sản vô giá của nghệ thuật đương đại Việt Nam và lấy cảm ứng từ thời trang Ý. Tôi tin rằng đây cũng là bộ sưu tập được lấy cảm hứng từ hình dáng của Ý vì Ý được mệnh danh “đất nước hình chiếc ủng”.
Thời trang Ý cùng với đôi tay nghệ nhân thủ công Việt Nam có khoảng cách xa xôi về địa lý nhưng đều chia sẻ một sự tương đồng. Đó là sự giao thoa giữa phong cách lịch lãm của thời trang Ý và sự tinh xảo của nghệ thuật thủ công Việt Nam, đồng thời đều bắt nguồn từ truyền thống, di sản văn hóa của hai quốc gia”, Đại sứ Antonio Alessandro nói.
Nhân dịp giỗ Tổ Hùng Vương, Đại sứ Antonio Alessandro hy vọng du khách quốc tế sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng các làng nghề thủ công Việt Nam cũng như tới với triển lãm tại Trung tâm văn hóa Ý - Casa Italia. Ngoài ra, đại sứ Ý và giám đốc Bảo tàng nghệ thuật Hồn đất Việt Bát Tràng đều hy vọng đưa triển lãm này tới Rome (Ý) trong dịp thành phố này tranh cử nơi đăng cai World Expo 2030.
Đại sứ Ý Antonio Alessandro (bên phải) chia sẻ về câu chuyện những chiếc ủng gốm - Ảnh: HÀ QUÂN
Nhiều bạn trẻ đã tới triển lãm từ sớm để thưởng thức chương trình nghệ thuật do Trung tâm văn hóa Ý - Casa Italia tổ chức - Ảnh: HÀ QUÂN
Tình cờ tới triển lãm, bạn Phương Trang (25 tuổi, du khách đến từ Bình Định) chia sẻ triển lãm có những tác phẩm nghệ thuật rất bắt mắt, nhiều màu sắc. “Mình rất thích thú khi tới đây. Những chiếc giày gốm được làm rất công phu, tỉ mỉ, đòi hỏi kỹ thuật cao vì có rất nhiều chi tiết nhỏ, lớp men bóng bẩy”, Trang nói.
Là người bạn lâu năm với cố nghệ nhân Vũ Thắng, họa sĩ Lê Ngọc Hân - nguyên giảng viên Đại học Mỹ thuật công nghiệp - chia sẻ: “Triển lãm mang giá trị văn hóa rất lớn. Ngay từ mô típ, họa tiết, chuyển động uyển chuyển, nói lên hồn Việt trong từng họa tiết. Từng đôi ủng gốm đòi hỏi kỹ thuật cao từ độ cao cho đến độ cong vì trong nghệ thuật nung đốt, nghệ nhân có giỏi tới đâu vẫn phải phụ thuộc vào thần lửa Prometheus quyết định”.
Giám đốc Bảo tàng nghệ thuật Hồn đất Việt Bát Tràng Vũ Khánh Tùng (con trai cố nghệ sĩ nhân dân Vũ Thắng) cho biết 12 chiếc giày gốm là những sản phẩm có tính đương đại, hình thể khác lạ.
“Tôi muốn công bố những chiếc giày này cho công chúng vì đây là những tác phẩm tuyệt đẹp cũng như là khởi đầu cho các kế hoạch sắp tới của Bảo tàng Bát Tràng. Ngoài 12 chiếc giày gốm này, bố tôi còn để lại hàng nghìn tác phẩm khác trong suốt 50 năm làm nghề. Có những tác phẩm ông giữ tới hàng chục năm, ai hỏi ông cũng không bán mà để gìn giữ cho bảo tàng”, ông Vũ Khánh Tùng bộc bạch.
Một chiếc giày với điểm nhấn là đài sen khô kết hợp hạt gỗ, kén tằm phủ sơn mài trong tổng thể màu xanh ngọc sâu thẳm - Ảnh: HÀ QUÂN
Tác phẩm giày gốm có họa "long cuốn thủy" (rồng hút nước) lấy cảm hứng từ hình tượng rồng thời Trần thế kỷ 14 uốn lượn uy nghi. Chiếc giày gốm này cũng là phần tác phẩm tiếp nối của chiếc giày mang họa tiết "lý ngư vượt long môn", thể hiện cá chép vượt vũ môn hóa thành rồng lớn đầy uy vũ - Ảnh: HÀ QUÂN
Triển lãm được phối cảnh vòng tròn để du khách thuận tiện khi chiêm ngưỡng các tác phẩm ủng gốm của cố nghệ nhân nhân dân Vũ Thắng - Ảnh: HÀ QUÂN
Từ ngày 10-4 đến ngày 3-5, du khách quốc tế và Việt Nam có thể tới triển lãm “Chiếc giày gốm Bát Tràng và cuộc dạo chơi cùng văn hóa Ý” tại Trung tâm văn hóa Ý - Casa Italia (18 Lê Phụng Hiểu, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Triển lãm mở cửa từ 9h đến 20h hằng ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận