Caravelle từng là một trung tâm báo chí nước ngoài tới Sài Gòn đưa tin về chiến tranh Việt Nam từ 1965-1975 |
Kỳ 1: , Kỳ 2: , Kỳ 3:
Trước năm 1965, năm quân Mỹ đổ bộ vào Việt Nam, Caravelle vẫn là nơi các nhà báo, các thông tin viên quốc tế đến Sài Gòn làm việc cư trú dù giá phòng mắc hơn khách sạn Continental nằm đối diện.
Bởi ở đây ngoài món ăn rất ngon nấu theo đúng phong cách châu Âu, phục vụ tốt, hệ thống điện thoại luôn hoạt động và lại có một sân thượng tuyệt vời để ngắm Sài Gòn cũng như quang cảnh ven Sài Gòn mà không cần phải đi xa.
Điểm đi và đến!
Có lẽ những nhà báo đầu tiên tới khách sạn Caravelle là những thông tín viên của AP (Associated Press), UPI (United Press International), Reuters và AFP (Agence France Press). Sau đó là vài cộng tác viên của tạp chí Time (của Mỹ), thông tín viên tờ Times (của Anh) và tờ Le Figaro.
Đó là năm 1961. Cuối năm này, Malcom W. Browne, trưởng phân xã của AP, đã đến đây cư ngụ “dài hơi”. Và rồi vài tháng sau Peter Arnett đến cư ngụ.
Về sau, Arnett đã đoạt giải Pulitzer khi chuyển sang làm thông tín viên cho CNN (Cable news network). Rồi tháng 6-1962, có một nhà báo người New Zealand cũng đến đây cư trú.
Từ khách sạn, họ có thể có mặt kịp thời ở các cơ quan chính quyền nằm gần đó. Mặt khác, họ cũng có thể nghe ngóng các câu chuyện ở quán cà phê Givral nằm đối diện, từ nhà hàng Cheap Charlie nằm phía sau khách sạn hay từ cà phê mái hiên của Continentel phía bên kia đường... những nơi mà giới nhà báo nước ngoài đặt cho cái tên khá kêu “đài phát thành vỉa hè đại lộ Catinat”.
Bởi đến những nơi này đều là các vị tai to mặt lớn, là dân biểu từ trong hạ nghị viện (Nhà hát thành phố) bước ra, là sĩ quan cao cấp... các cuộc nói chuyện lặt vặt của họ lại đáng tin tưởng hơn là đài phát thanh Sài Gòn! Và điều đáng nói hơn là khi tập họp lại những chuyện lặt vặt ấy thì thế giới lại chú ý nhiều hơn là nguồn tin chính thống.
Nơi đây, các nhà báo cũng có thể nhanh chóng biết được một tin gì đó “đối lập” từ hạ nghị viện, hay phỏng vấn dễ dàng một nhân vật đáng chú ý của Việt Nam đương thời.
Trong nghề báo có một điều lạ mà chưa ai giải thích được là giới nhà báo thường tập họp gặp nhau tại một địa điểm quen thuộc nào đó để trao đổi thông tin. Xưa nay đều vậy!
Do đó, khi thông tin của các đài báo từ khách sạn Caravelle được chú ý thì nơi đây đương nhiên trở thành nơi tập họp của báo giới nước ngoài, thậm chí có không ít nhà báo người Việt làm việc cho các hãng thông tấn quốc tế.
Và kể từ đó, Caravelle trở thành điểm đi và đến của hầu hết nhà báo nước ngoài đến Việt Nam làm việc.
Họ đến để gặp gỡ nhau bên quầy rượu sau những ngày dài làm việc ở xa Sài Gòn. Họ trao đổi những khuynh hướng khác nhau đang phát triển ở Nam Việt Nam... Dĩ nhiên là chính quyền Ngô Đình Diệm với một bộ máy mật vụ dày đặc không thể bỏ qua một nơi như vậy.
Các nhân viên chính phủ “buộc tội” các nhà báo ở đây rằng “hầu hết những ý kiến và nhận định của báo giới ngoại quốc chỉ là những lời thêu dệt xuất phát từ những chiếc ghế ở quầy rượu của khách sạn Caravelle”. Họ đã làm “tồi tệ" thêm những điều đã rất lộn xộn...
Nhưng tất cả mọi thứ đã không ngăn được dòng các nhà báo nước ngoài đến Việt Nam, tới Sài Gòn là phải ở khách sạn Caravelle.
Nơi "khởi nguồn" đảo chính!
Từ tháng 9-1963, các nhà báo ở Caravelle đã có những bài đồn đoán rằng sẽ có một cuộc thay đổi lớn ở Việt Nam. Họ ủng hộ cuộc đấu tranh của Phật giáo đang bị Diệm đàn áp tơi tả.
Ngày 6-5-1963, hai ngày trước lễ Phật đản, lệnh từ Phủ tổng thống “cấm treo cờ Phật giáo ngoài khuôn viên cơ sở tôn giáo” do Quách Tòng Đức, đổng lý văn phòng Phủ tổng thống, ký.
Ở Huế, các phật tử bắt đầu bị cảnh sát đàn áp từ ngày 7-5, rồi ngày 8-5 có người chết trước Đài phát thanh Huế khi phật tử đề nghị cho phát thanh bài nói chuyện của thượng tọa Trí Quang.
Rồi từ Huế các cuộc biểu tình lan tới Sài Gòn với đòi hỏi 5 điểm cuốn hút nhiều giới tham gia. Ngày 11-6, hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại ngã tư Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng (Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Đình Chiểu) quận Đô thành Sài Gòn.
Ngày 4-8, đại đức Thích Nguyên Hương tự thiêu trước dinh tỉnh trưởng Phan Thiết; ngày 13-8, đại đức Thích Thanh Tuệ tự thiêu trước chùa Phước Duyên, Huế; ngày 15-8, ni cô Thích Nữ Diệu Quang tự thiêu tại Ninh Hòa (Khánh Hòa); ngày 16-8, hòa thượng Thích Tiêu Diêu tự thiêu tại chùa Từ Đàm, Huế; ngày 10-9, đại đức Thích Thiện Mỹ tự thiêu trước nhà thờ Đức Bà Sài Gòn; ngày 5-10, đại đức Thích Quảng Hương tự thiêu trước chợ Bến Thành.
Cũng khi đó, Washington kết luận rằng Tổng thống Diệm hoàn toàn không có khả năng chiến thắng cộng sản! Bộ Ngoại giao Mỹ thấy cần ủng hộ một cuộc nổi dậy để loại bỏ Diệm và người em trai là Ngô Đình Nhu.
Và cũng từ đó, các nhà báo nghe được những tin đồn về một cuộc đảo chính đã được trao đổi giữa các thông tín viên và các viên chức cấp thấp của Mỹ tại khách sạn Caravelle. Các nhân viên của khách sạn cứ làm như không biết các cuộc họp “mật”.
“Họ biết rằng chúng tôi là những người chống Ngô Đình Diệm và chống chiến tranh. Họ không làm bất kỳ điều gì để ngăn cản các cuộc họp” - ông Nguyễn Đình Đầu khi đó là một giáo sư trung học đã nhớ lại.
Lấy lý do tình trạng hỗn loạn có lợi cho Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam, trung tướng Trần Văn Đôn, quyền tổng tham mưu trưởng quân đội, đã ủng hộ biện pháp “thiết quân luật” của Diệm.
Sài Gòn yên tĩnh, không có đảo chính, không có điều quân. Nhưng sau khi có một bản đề nghị cải cách dài 20 trang do ông Đôn và tướng Dương Văn Minh thảo ra cũng không có hồi đáp, các tướng lãnh Sài Gòn đã bí mật họp tại Caravelle để âm mưu lật đổ Diệm.
Tối hôm bầu cử quốc hội Việt Nam vào cuối tháng 9-1963, Đôn giữ chỗ tại quầy rượu khách sạn Caravelle cho một cuộc hẹn với bạn đồng học cũ và là bạn uống rượu, thiếu tướng Tôn Thất Đính. Bên ly rượu Scotch và sau đó tại hộp đêm La Cigale, Đôn và Đính bắt đầu thảo luận kế hoạch đảo chính.
Cuộc đảo chính đã diễn ra ngày 1-11-1963 và diễn ra trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Trong tác phẩm Saigon Anthony Grey viết “Khi lực lượng đảo chính tiến vào dinh Gia Long, một ký giả người Anh trốn trên sân hiên tầng 10 khách sạn Caravelle để nhìn toàn cảnh trận đánh. Trên tầng mái vắng lặng của khách sạn Caravelle, Naomi Boyce Lewis đứng đằng sau phóng viên ảnh người Scotland của cô. Cắn chặt môi dưới với sự kích động, anh lia ống kính máy ảnh chầm chậm lướt qua toàn cảnh rộng lớn của những con đường có hàng cây từ dinh Gia Long. Từ điểm cao này, nữ phóng viên thấy lực lượng đảo chính tiến vào thành phố theo ba trục từ Tây Ninh, Bến Cát và Biên Hòa trông như những đoàn côn trùng ăn thịt chầm chậm bò đi rồi tụ hội lại”.
Còn Peter Arnett và Malcom Browne cũng leo lên nóc khách sạn sau đó đã nghe và thấy cuộc nổi dậy. Họ thấy và nghe các cuộc tấn công lực lượng phòng vệ Phủ tổng thống của phe đảo chính.
Trong khi đó, Sài Gòn vẫn tấp nập xe cộ, trừ vài con đường đi qua hoặc đi kế bên dinh Gia Long. Grey viết tiếp “bên ngoài khách sạn Caravelle, một viên cảnh sát ngồi trên xe jeep đang cố gắng một cách tuyệt vọng để lột bộ đồ cảnh sát trước khi những người đảo chính kịp nhận ra. Một người đi bộ chạy như điên quanh góc đường, đạn bắn theo nháng lửa kế gót chấn anh ta. Một người chạy trốn vào nhà vệ sinh ven đường một vài giây trước khi bức tường của nhà vệ sinh bị đạn súng máy bắn lỗ chỗ, rồi năm phút sau anh ta chạy vụt ra mà không bị gì cả. Trong khi xe tăng khạc đạn ầm ầm thì đám con nít chạy theo ngay dưới họng súng để... lượm vỏ đạn bằng đồng!”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận