Đây là một trong số 15 dự án trọng điểm do UBND TP Hải Phòng hợp tác với TP Kitakyushu của Nhật Bản nhằm hướng tới việc xin công nhận quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới.
Mỗi xe buýt điện trị giá khoảng 8 tỉ đồng, được nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản và vận hành từ nguồn điện năng lượng mặt trời thông qua các tấm pin điện mặt trời lắp đặt trên đảo Cát Bà. Đơn vị được Hải Phòng giao cho tiếp nhận cũng như vận hành các xe buýt điện này là công ty TNHH thương mại Quốc Hưng.
Chiếc xe buýt điện này có khả năng chở tối đa 50 hành khách, di chuyển trên quãng đường khoảng 160km/lần sạc và được thiết kế để thích ứng với môi trường khí hậu vốn có độ ẩm cao tại Việt Nam.
Dự án thí điểm đến hết tháng 3-2020 trên các tuyến đường số 13 và 14 của huyện đảo Cát Bà với tổng chiều dài toàn tuyến là 24,5 km. Đi từ trung tâm thị trấn đến khu vực vườn Quốc gia Cát Bà và các xã Gia Luận, Chân Trâu, Xuân Đám, Phù Long, Cái Viềng… với thời gian xe chạy là từ 6g30 đến 18g30 hàng ngày.
Theo lãnh đạo công ty TNHH thương mại Quốc Hưng, sau thời gian chạy thử nghiệm thì sẽ tính phí với một mức phù hợp nhất và cũng chỉ trong thời gian nhất định khi hoàn được vốn. "Xe buýt điện ngoài nhiệm vụ giảm thiểu tác động đến môi trường sinh thái còn đóng vai trò kết nối các điểm du lịch trên đảo, giúp du khách có thể trải nghiệm khám phá ở những vùng sâu hơn mà họ chưa đến" - lãnh đạo công ty Quốc Hưng chia sẻ.
Theo lộ trình của dự án, năm 2018 sẽ có thêm 10 xe buýt điện đi vào hoạt động thí điểm và đến năm 2020 nâng tổng số xe lên khoảng 40 chiếc để nhằm đảm bảo thay thế toàn bộ xe buýt chạy xăng, dầu trên đảo.
Người dân và du khách khi đến đảo Cát Bà, Hải Phòng có thể đi lại miễn phí bằng xe buýt điện - Ảnh: Tiến Thắng |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận