Lịch sử người Việt nhập gia trên đất phương Nam bắt đầu từ một đám cưới vương giả giữa hai hoàng gia.
Cách đây 402 năm, năm 1620, công nữ Ngọc Vạn của chúa Nguyễn kết hôn cùng vua Thủy Chân Lạp. Thuở ấy từ Phú Xuân - kinh đô nhà gái đến Prei Nokor - kinh đô của nhà trai, người Việt gọi là Sài Gòn, chỉ có thể đi bằng đườngbiển. Việt sử xứ đàng Trong của Phan Khoang ghi Chúa Nguyễn đã tổ chức một đoàn đưa dâu trên những con thuyền lớn vào Nam.
Trên hải trình xa xôi đó, đoàn đưa dâu ghé qua Bình Thuận, thủ phủ phần đất Champa cuối cùng - đã quy phục Đàng Trong, để tiếp thêm nước ngọt và lương thực. Đoàn nhận vào những người chèo thuyền, thủy thủ và hoa tiêu người Chăm - vốn gần gũi với sông nước giáp ranh Chân Lạp.
Chính các thuyền viên người Chăm sẽ giúp đoàn thuyền nhận biết luồng lạch từ cửa Kanchoeu (Cần Giờ) theo sông Soài Rạp vào đến vàm Kas Krobei (Bến Nghé). Giờ đây, công nữ Ngọc Vạn và đoàn tùy tùng không chỉ là sứ giả mà còn là đoàn di dân Việt đầu tiên chính thức định cư trên miền đất mới.
Trên đoàn thuyền của cô dâu, ngoài các sứ thần, có nhiều tùy tùng bao gồm người phục vụ từ các phiên dịch, tì nữ, thợ may, thợ thủ công, người nấu bếp cho đến phu khuân vác và khiêng kiệu, thị vệ và binh lính. Một đoàn tùy tùng đông đảo như thế có thể trên dưới cả trăm người hoặc hơn. Để có hàng hóa cho công nữ sử dụng lâu dài và quà tặng cho "sui gia", đoàn thuyền mang nhiều phẩm vật Thuận Quảng như gạo, nước mắm, đường đen... Và không thể không có tơ lụa, đồ gốm sứ, trầm hương, vàng bạc là những đặc sản nổi tiếng của Đàng Trong.
Đó là kết quả của một cuộc bang giao hòa bình và đàm phán khéo léo. Thuở đó vua Thủy Chân Lạp muốn thông gia với chúa Nguyễn không chỉ để có một người vợ ngoại tộc trâm anh. Một cách thực tế, Thủy Chân Lạp cần Đàng Trong hỗ trợ để đối phó với Xiêm La và Thượng Chân Lạp - những thế lực thường xuyên đe dọa mình. Do vậy, cuộc hôn nhân giữa hai hoàng gia là cách kết nối đồng minh sâu lắng mà nhẹ nhàng.
Sự xuất hiện của những cư dân Việt và hàng hóa Việt, cho dù chưa lớn lao, ngay trên kinh đô của Thủy Chân Lạp đã đem cho vương quốc này những nhận thức mới về sức mạnh và lợi ích cụ thể khi bang giao với Đàng Trong. Ba năm sau - 1623, vua Thủy Chân Lạp chấp thuận ủy thác quyền thu thuế giao thương trên đất Prei Nokor cho quân binh chúa Nguyễn. địa chí văn hóa TP.HCm do GS Trần Văn Giàu chủ biên cho biết đồn thu thuế đầu tiên được dựng ngay ngã ba vàm Bến Nghé và rạch Bến Nghé, vào khoảng vị trí Cột Cờ Thủ Ngữ hiện tại.
Kế tiếp đồn thứ hai đặt ở khu vực Cầu Kho (nay là đường Trần Đình Xu giáp với đại lộ Võ Văn Kiệt). Vị trí Thủ Ngữ - chức danh của quan thu thuế, là nơi dễ dàng kiểm soát tàu thuyền từ biển ra vào, cũng như hàng hóa từ vùng cao Thượng Chân Lạp và Đồng Nai Thượng (Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước) đổ xuống. Còn Cầu Kho là địa điểm lý tưởng cho việc kiểm soát thuyền bè chở gạo và nông sản theo sông rạch đi từ vùng Gò Công, Mỹ Tho qua Chợ Rẫy - Chợ Quán (nay là Chợ Lớn), ra đến vàm Bến Nghé để giao hàng.
Cả hai vị trí cũng là nơi xuất phát đội quân Việt đi kiểm tra thuế và tìm hiểu "miệt trên, miệt dưới". Cùng với hai đồn thu thuế, vua Thủy Chân Lạp cho quân binh chúa Nguyễn mở đồn điền ở vùng Mô Xoài (Vũng Tàu - Bà Rịa). Quân binh đi đến đâu, trại gia binh mở đến đó, số lượng người Việt đầu tiên trên đất Sài Gòn và Chân Lạp dần dần gia tăng. Những người Việt di dân không chỉ tinh kiếm cung mà còn thạo nghề sông nước. Họ tập chung sống và làm quen với ngôn ngữ - văn hóa - tín ngưỡng của người Khmer, người Chăm, người Mạ và người Xtiêng bản địa.
Về sau, trên đất Sài Gòn có thêm nhiều di dân người Hoa do chính chúa Nguyễn cho phép và khuyến khích cùng vào khai khẩn với người Việt. Tất cả cư dân tứ xứ chung tay bươn chải kiếm sống và chiến đấu với cọp beo, cá sấu, thú hoang hùng cứ khắp nơi. Sau 70 năm khai phá ròng rã,căn cứ quân binh và di dân Việt ở Sài Gòn đã lan tỏa rộng ra cả Đồng Nai và tiến đến khu vực Tiền Giang. Vào năm 1698, lãnh thổ ấy được nhập vào Đàng Trong, chuyển thành Phủ Gia Định. Lãnh thổ tân lập có trung tâm là Sài Gòn, được chúa Nguyễn đặt tên chính thức là huyện Tân Bình, có nghĩa là vùng đất mới yên bình.
Năm 1788, sau cơn binh lửa tàn khốc với Tây Sơn, Sài Gòn được tái thiết với quy mô lớn. Gia Định Kinh ra đời, là kinh đô của phần đất Đàng Trong do Nguyễn Ánh điều hành. Với sự hỗ trợ của một số chuyên viên Pháp, kinh đô mới mẻ này được thiết kế và sắp đặt theo lối châu Âu, phát triển từ mặt sông trở vào. Năm 1802, sau chiến thắng Tây Sơn, vua Gia Long dời kinh đô ra Huế nhưng vẫn duy trì Gia Định là trung tâm giao thương của cả nước và là cửa ngõ thông thương hàng đầu với bên ngoài. Bên cạnh các tàu thuyền Xiêm La, Nhật Bản và Trung Hoa, các thuyền buôn Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Mỹ lần lượt tìm đến "hải khẩu" Gia Định.
Năm 1819, John White - thuyền trưởng Mỹ đầu tiên đến Sài Gòn - đã nhận ra đường thủy từ cửa biển Cần Giờ vào đến trung tâm Gia Định rất thuận tiện. Hơn thế nữa, ông ghi chép trong hồi ký, từ Sài Gòn có hẳn một hệ thống kinh rạch tỏa ra khắp Đồng bằng sông Cửu Long sang đến Campuchia. Từ đầu thế kỷ 19, hai chữ Sài Gòn bắt đầu xuất hiện các bản đồ hàng hải của phương Tây. Bài phú Gia định phong cảnh vịnh khắc họa hình ảnh Sài Gòn trước khi Pháp vào, đã có nhiều chợ búa nhộn nhịp, hàng phố thương khách góp nhóp đủ loài rừng vật biển. Đặc biệt là cảnh sông nước ghe đen mũi, ghe vàng mũi vào ra coi lòa nước (thuyền từ các tỉnh) và tàu xanh, tàu đỏ mang hàng hóa chất ngất trời (thuyền từ các nước).
Thực dân Pháp xâm chiếm Sài Gòn năm 1859 đã sớm khai thác lợi thế sông biển của thành phố. Ngay khi tiếng súng giao tranh chưa chấm dứt, các đô đốc Pháp cho làm mới cầu cảng và kho bãi của bến tàu Khánh Hội, trở thành thương cảng quốc tế mở cửa vào ngày 18-2-1860.
Sách Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu của Trần Hữu Quang kể rằng thương cảng Sài Gòn ngay lập tức cạnh tranh với cảng Hong Kong và Singapore bằng cách không đánh thuế hàng hóa ra vào. Tàu thuyền nước ngoài cập bến Sài Gòn chỉ đóng lệ phí neo tàu tính theo khối lượng và số ngày. Cùng lúc đó Thủy xưởng của nhà Nguyễn ở rạch Thị Nghè được hiện đại hóa thành công xưởng Ba Son - chuyên sửa chữa và đóng tàu cho cả chiến thuyền và thương thuyền.
Các hãng hàng hải quốc tế, đi cùng là công ty bảo hiểm, ngân hàng, kế đến là văn phòng lãnh sự và thương mại của nhiều nước, nhanh chóng "đổ bộ" Sài Gòn. Họ đặt trụ sở dọc theo thương cảng, bờ sông Bến Nghé, bờ kênh Chợ Vải và bờ kênh Tàu Hũ. Từ cuối những năm 1860, một tuyến liên lạc điện tín từ Sài Gòn đi Pháp và tỏa ra các châu lục khác đã được thiết lập nhờ có đường cáp xuyên biển được xây dựng ở Vũng Tàu.
Lúa gạo, nông lâm sản, hàng thủ công dồi dào của Nam Kỳ và sau đấy hàng hóa của miền Trung và miền Bắc qua cảng Sài Gòn xuất đi khắp thế giới. Trong khi đó, các con kênh nối Sài Gòn - Chợ Lớn và miền Tây được nạo vét và mở rộng rất sớm. Người Pháp cho làm thêm kênh Vành Đai nối rạch Thị Nghè với Chợ Lớn (1875) và kênh Tẻ - kênh Đôi (1906 - 1912) để tăng năng lực vận chuyển hàng hóa từ miền Tây lên Sài Gòn và ra biển.
Theo thống kê năm 1937, Thương cảng Sài Gòn đã đón 1.559 lượt thương thuyền ra vào. Ngoài Pháp, số lượng thương thuyền đến thành phố xếp theo thứ tự lần lượt là Anh, Hà Lan, Nhật, Ý, Đan Mạch, Na Uy, Hy Lạp, Đức, Mỹ, Panama, Hungary, Nam Tư và Thụy Điển. Rất hấp dẫn, vào năm 1929, tại vị trí bến Bạch Đằng hiện giờ, đã khai trương tuyến du lịch bằng thủy phi cơ đến Angkor của Campuchia. Sài Gòn chính là cửa ngõ du lịch về cả đường biển và hàng không để du khách nước ngoài đi thăm khu vực Nam Đông Dương.
Tâm thức và lối sống sông biển rộng mở của Sài Gòn đã sinh thành từ người bản địa - thời kỳ Phù Nam. Các hiện vật khảo cổ học ở thành phố, đặc biệt tại Cần Giờ, cho thấy quanh thế kỷ thứ Nhất, vùng đất Sài Gòn cổ đại đã gắn bó sinh hoạt sông nước và hội tụ giao lưu nhiều nền văn hóa. Tiêu biểu là chiếc "cà ràng" (bếp bằng đất nung đặt trên thuyền ghe, gọi theo tiếng Khmer) và những chiếc khuyên tai hình hai đầu thú tinh xảo.
Sách Gia định thành thông chí - viết trước 1820, cho biết dân Gia Định cứ 10 người thì có đến 9 người biết chèo thuyền và biết bơi. Trên sông rạch đầy thuyền ghe, đi lại cả đêm ngày. Chính quyền có quy định phương hướng lái thuyền sao cho trật tự. Người Gia Định còn biết nhiều thứ tiếng vì quen buôn bán với nhiều xứ sở lân bang.
Hơn vậy nữa, cái khí chất phóng khoáng - "tứ hải giai huynh đệ" của người Gia Định thể hiện qua việc khách đến nhà, bất kể thân hay sơ đều được mời trầu nước và ăn uống no say. Tính khí hào hiệp ấy thể hiện ngay trong "sự tích" Nhà Bè ở ngã ba sông - nơi để sẵn thức ăn, vật dụng "không đồng" cho khách qua lại. Nhiều người dân lấy thuyền là nhà, di chuyển bất cứ nơi nào mình thích.
Trên các con sông hay kênh rạch luôn có tiếng hò và lời ca vui khỏe. Học giả Trương Vĩnh Ký đã ghi được bài hò cho biết đầy đủ hơn 20 địa danh đường sông từ Sài Gòn đi các tỉnh. Trong đó thật hồn nhiên và thân thiện, có câu hát kết bè, kết bạn như sau: Kể từ rạch Cát, rạch Dơi/ Sài Gòn, Bến Nghé tựu nơi Nhà Bè/ Rủ nhau lĩnh thẻ chiêu đề/ Ghe nào bạn nấy ta hè kéo neo.
Khá nhiều địa danh ở thành phố đến nay vẫn còn là dấu tích liên quan sông nước như các tên gọi bắt đầu bằng chữ Bàu (ao), Bến, Bùng Binh (chỗ phình giữa sông rạch), Bưng (đất trũng đọng nước), Cầu, Cù lao (Việt hóa từ Pulau trong tiếng Chàm, Malay và Indo là hòn đảo nhỏ), Đầm, Giồng (dải đất cao nổi lên ven sông), Hóc (dòng nước nhỏ), Láng (nơi ngập nước), Lung (chỗ quanh năm có nước), Rạch, Suối, Ụ, Vàm... Trong khi đó về tín ngưỡng, trên đất Sài Gòn từ xưa đến nay có nhiều đền miếu thờ cá Ông, Phật Bà Nam Hải với nhiều lễ hội trọng thể.
Biến đổi khí hậu, nước mặn xâm nhập sâu, triều cường, môi trường ô nhiễm đang là những vấn nạn với nhiều đô thị sông biển trên thế giới. Tại TP.HCM, Cần Giờ, Nhà Bè, quận 7, quận 8, quận 4 là những nơi phải đương đầu trước nhất. Tuy nhiên bên cạnh vấn nạn thiên nhiên, các vấn nạn về văn hóa - lịch sử cũng đã phát khởi nghiêm trọng.
Không ít các kiến trúc và cảnh quan giá trị gắn bó sông nước đã "tan tác" hay bị bỏ phế, không để lại ngay cả một bia lưu niệm dấu tích. Đó là các khu pháo đài Rạch Cát, thủy xưởng Ba Son, cảng Khánh Hội, Tân Cảng, Lò Gốm Hưng Lợi, nhà đèn Chợ Quán, bến phà Thủ Thiêm, bến tàu Hải Quân ở Bến Bạch Đằng, cầu Ba Cẳng, cầu Chà Và, cầu Nhị Thiên Đường...
Hiện nhiều cơ quan đang soạn thảo các kế hoạch quy hoạch và phát triển các hành lang ven sông, cải tạo kênh rạch nội thành, xây dựng mới bán đảo Thủ Thiêm, Thanh Đa - Bình Quới và Cần Giờ từ nay đến năm 2030 và xa hơn. Theo chúng tôi, các khu vực ven sông biển, kênh rạch, hồ nước lớn phải kiên quyết được coi là không gian công cộng.
Chính quyền nên ưu tiên dành đất các nơi này làm công viên sinh thái, công viên văn hóa - lịch sử và bảo tàng chứ không thể chỉ dành cho các khu dân cư cao cấp và công trình thương mại. Các kiến trúc cổ, các công trình tâm linh, các chợ bên sông, các bến tàu và đường thủy cần được giữ gìn tốt và sử dụng đa năng để hợp thành một hệ thống văn hóa - kinh tế bền vững.
Chúng ta không thể lãng phí những lớp "phù sa" văn hóa, bồi đắp xuyên suốt từ thuở Prei Nokor đến Tân Bình, Gia Định và Sài Gòn - TP.HCM hiện đại.
Vị trí địa lý trời cho và được người chọn đã tạo nên Sài Gòn - một thị tứ sông nước, hướng biển và kết nối.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về Sài Gòn là từ câu ca dao về vùng đất còn đầy vẻ hoang sơ lạ lẫm: "Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định - Đồng Nai thì về". Câu ca dao xưa của những đoàn lưu dân đi ngược từ cửa biển vào vùng Gia Định, Đồng Nai cùng với tích truyện Thủ Huồng dựng Nhà Bè ở ngã ba sông, để sẵn gạo củi giúp cho người lỡ đường sông nước tạm dừng ghe xuồng nghỉ ngơi, chờ con nước lớn mà ngược vào vùng bán sơn địa Gia Định - Đồng Nai hay theo nước ròng mà xuôi ra cửa biển Cần Giờ.
Nếu bắt đầu từ thời tiền sử của vùng đất Sài Gòn thì cửa biển Cần Giờ được biết đến như là một "cảng thị sơ khai" từ hơn 2.000 năm trước. Từ Cần Giờ ngược vào vùng phù sa cổ ven sông Đồng Nai nay thuộc thành phố Thủ Đức, vùng đồi gò thấp ven sông Sài Gòn nay khoảng quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi... là di tích của các nhóm cư dân cổ sớm hơn, có mặt khoảng từ 3.000 đến 2.500 năm trước.
Trong phạm vi miền Đông Nam Bộ, vùng hạ lưu sông Đồng Nai, sông Sài Gòn (nay thuộc địa bàn TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương) là trung tâm một nền văn hóa cổ "văn hóa Đồng Nai". Hàng ngàn di tích khảo cổ đã được khai quật, gồm di tích cư trú, khu mộ táng, công xưởng chế tác công cụ đá, đúc đồng, làm gốm, chế tác đồ trang sức bằng đá quý, tập trung tiêu biểu nhất là cảng thị sơ khai Cần Giờ từng có quan hệ giao thương đường biển với quần đảo Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ.
Hệ thống di tích khảo cổ lưu vực sông Đồng Nai, sông Sài Gòn đã phản ánh quá trình phát triển liên tục, đa dạng của các cộng đồng cư dân cổ sinh sống ở miền Đông Nam Bộ từ hàng ngàn năm trước, cùng thời với văn hóa Đông Sơn ở phía Bắc và văn hóa Sa Huỳnh ven biển miền Trung.
Từ đầu công nguyên, vương quốc Phù Nam đã hình thành và phát triển ở trung tâm là văn hóa Óc Eo ở Đồng bằng sông Cửu Long. Sài Gòn nói riêng và Đông Nam Bộ nói chung ở phía Bắc của khu vực trung tâm, cho đến nay cũng phát hiện được một số di tích di vật thuộc văn hóa Óc Eo, từ dấu tích đền tháp ở khu vực quận 11, quận 5 đến những tượng thờ của Ấn Độ giáo tìm thấy ở nhiều nơi trong thành phố... Dọc lưu vực sông Đồng Nai cũng phát hiện được những dấu tích tương tự. Đặc biệt, khu di tích Cát Tiên ở thượng lưu sông Đồng Nai là một quần thể đền tháp với hàng ngàn di vật quý hiếm, có nhà nghiên cứu đã cho rằng đây cũng là một tiểu quốc thời văn hóa Óc Eo thuộc vương quốc cổ Phù Nam.
Nhìn chung hệ thống di tích khảo cổ học thuộc lưu vực các dòng sông Đồng Nai - Sài Gòn - Vàm Cỏ cho thấy mối liên quan chặt chẽ về văn hóa và tộc người trên nền tảng chung về môi trường sinh thái, giữa vùng đất Sài Gòn với miền Đông Nam Bộ ngay từ thời tiền sử đến nay.
Mùa xuân Mậu Dần 1698 Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh Chúa Nguyễn Phúc Chu vào đất Gia Định lập nền hành chánh. Sự khai sinh vùng Gia Định là quá trình tập hợp những cộng đồng từ nhiều nguồn gốc, nhiều vùng miền trong và ngoài nước, hòa nhập với các tộc người đã tụ cư lâu đời ở vùng đất này. Nửa sau thế kỷ 18 những nhóm người Hoa "bài Thanh phục Minh" được chúa Nguyễn cho phép vào cư trú và lập nghiệp đầu tiên tại Biên Hòa và Mỹ Tho.
Từ hai khu vực còn khá hoang vu này đã hình thành hai cảng thị phát triển sầm uất. Cù Lao Phố (Biên Hòa) bên sông Đồng Nai tuy nằm sâu trong đất liền nhưng là nơi sông rộng và sâu, chịu ảnh hưởng của nước triều nên thuận tiện cho ghe tàu ngược lên miền Đồng Nai thượng khai thác lâm thổ sản, xuôi phía Nam ra biển Cần Giờ và từ đó có thể đi đến nhiều nơi khác bằng đường biển. Cù Lao Phố trở thành thương cảng, trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của cả vùng Gia Định. Ở vùng cửa sông Tiền có Mỹ Tho đại phố buôn bán nhộn nhịp và sầm uất không thua gì Cù Lao Phố.
Tại hai đô thị này, sự phát triển của giao thương đã tạo điều kiện phát triển nhiều ngành nghề thủ công khác. Dân cư đông đúc, để lại nhiều di tích như các đền miếu, chùa, quần thể mộ cổ, dấu tích bến bãi ven bờ sông... Dưới lòng sông Đồng Nai đã vớt được hàng ngàn đồ gốm xuất xứ từ nhiều nơi: gốm Thái Lan, Khmer, Trung Quốc, gốm Champa, gốm của người Việt...
Qua khỏi Cù Lao Phố, ngược dòng Đồng Nai lên đến Cù Lao Rùa thuộc thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Đây là một cù lao được bao bọc bốn bề là sông nước, nằm giữa hai dòng chảy là sông Đồng Nai và dòng chảy sông Sài Gòn. Cù Lao Rùa là một di tích khảo cổ nổi tiếng của văn hóa Đồng Nai hơn 3.000 năm trước. Từ thế kỷ 18 Cù Lao Rùa còn nổi tiếng với phong cảnh thanh bình, làng xóm phong quang với nhiều ngôi nhà cổ xây bằng gỗ quý, trang trí đẹp đẽ, những đình làng, đền miếu cổ xưa, vườn trái cây, ruộng lúa trù phú...
Xuôi dòng sông Đồng Nai, sông Sài Gòn về lại Sài Gòn - Bến Nghé. Từ đầu thế kỷ 17, Sài Gòn lần lượt trở thành bến sông - phố chợ - nơi thu thuế - trung tâm kinh tế - khu vực chiến lược rồi trung tâm hành chánh của Đàng Trong thời các chúa Nguyễn. Từ khi Thành Gia Định được xây dựng (1790) và nhất là từ khi thành lập triều Nguyễn, vị trí quân sự - kinh tế - xã hội của Sài Gòn được khẳng định và ngày càng quan trọng. Hệ thống các công trình công nghiệp, thương cảng, thương mại của đô thị Sài Gòn còn lại đến nay đều phản ánh tình trạng kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ.
Cùng với quá trình khẩn hoang lập ấp, phát triển sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp... lưu dân vào vùng đất Gia Định đã mang theo những phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, lối sống nếp sống... của quê hương bản quán làm chỗ dựa tinh thần ở vùng đất mới. Hàng trăm di tích kiến trúc truyền thống là chứng tích của những sinh hoạt tinh thần của các cộng đồng dân cư.
Trong nửa sau thế kỷ 19, các dự án quy hoạch đô thị Sài Gòn của chính quyền thuộc địa Pháp chủ yếu là khu vực Bến Nghé xưa. Chợ Lớn vẫn là trung tâm thủ công nghiệp và thương nghiệp. Nửa đầu thế kỷ 20, Chợ Lớn đô thị hóa nhanh chóng, các làng nghề thủ công biến mất hoặc phải lùi ra vùng ven và các tỉnh lân cận, như xóm Lò gốm Sài Gòn nhường vai trò cho các làng gốm ở Biên Hòa, Lái Thiêu. Vào năm 1931, Sài Gòn - Chợ Lớn sáp nhập thành một đô thị lớn song vẫn là hai khu vực với hai chức năng chính: Sài Gòn chủ yếu là khu hành chánh, dịch vụ và công nghiệp, cảng thị, còn Chợ Lớn là khu thương mại, tập trung các chợ đầu mối hàng hóa nông sản.
Hệ thống di sản đô thị Sài Gòn có niên đại từ thế kỷ 19 đến nay rất phong phú về loại hình: từ cảnh quan đô thị sông nước, công trình kiến trúc nghệ thuật đến công xưởng nhà máy, từ nhà cổ biệt thự, đình chùa đền miếu nhà thờ thánh thất giáo đường đến thành lũy, lăng mộ, quần thể kiến trúc - kinh tế - văn hóa khu vực Chợ Lớn...
Tất cả hợp thành sự phong phú của văn hóa cộng đồng, phản ánh quá trình di dân, nhập cư, sự đa dạng về kinh tế. Qua các giai đoạn lịch sử, đô thị Sài Gòn luôn là một thương cảng - trung tâm kinh tế có ảnh hưởng quan trọng đến một khu vực rộng lớn.
Có thể nói vị thế địa - kinh tế đã tạo nên một đô thị Sài Gòn độc đáo khác với những thành phố khác của Việt Nam, đồng thời vị thế địa - văn hóa của Sài Gòn cũng tiêu biểu và đại diện cho vùng Nam Bộ.
Gần đây TP.HCM đã quan tâm trở lại đến mạng lưới giao thông đường thủy và từ đó nhìn thấy tiềm năng phát triển du lịch đường sông. Sông Sài Gòn chảy xuyên qua thành phố và sông Đồng Nai nối liền thành phố với nhiều tỉnh miền Đông Nam Bộ - trở thành hai tuyến giao thông kết nối, hai tuyến du lịch xuyên không gian - thời gian lịch sử.
Trong thành phố, các kênh rạch lớn như Nhiêu Lộc, Thị Nghè, sông/rạch Bến Nghé, Kênh Tẻ, Kênh Đôi, rạch Lò Gốm... có thể trở thành những "đại lộ" chính nối liền các quận huyện, các khu vực dân cư cũ đến các đô thị mới. Không chỉ vậy, sông Sài Gòn trở thành yếu tố nối liền từ trung tâm qua "phố Đông" Thủ Thiêm - nơi từng có những làng xóm cổ xưa. Nối liền theo sông nước để thấy thành phố có lịch sử lâu dài, có vốn văn hóa quý giá có thể trở thành "kinh tế di sản" trong phát triển bền vững.
Từ thành phố xuôi ra biển hay ngược lên vùng phù sa cổ bán sơn địa đều có thể chiêm nghiệm quá trình lịch sử, qua hệ thống di tích phong phú và dày đặc dọc theo đôi bờ hai dòng sông. Sự kết hợp đa dạng của văn hóa các cộng đồng từ cư dân bản địa đến lưu dân người Việt, người Hoa, từ di tích người tiền sử xa xưa đến những lớp di dân đến sau, thậm chí sự biến đổi dân cư trong thế kỷ 20... làm cho tiềm năng "du lịch văn hóa các dòng sông" trở nên độc đáo bởi sản phẩm có thể thỏa mãn nhiều mục đích tham quan, nhiều đối tượng du khách: di tích kiến trúc (đình, chùa, miếu, nhà cổ...), ẩm thực, cảnh quan vườn trái cây, các làng nghề... đặc biệt là giới thiệu, lưu giữ và phát triển "văn hóa sông nước" đặc trưng của Nam Bộ.
Sông Sài Gòn không chỉ là cấu tạo thiên nhiên đặc biệt quan trọng của TP.HCM với làn nước hiền hòa, khí hậu mát mẻ, những rặng dừa nước, vườn cau, cánh đồng thơm ngát... Dòng sông còn chứa đựng bao nhiêu ký ức lịch sử, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM.
Trong tâm thức của người làm quy hoạch như chúng tôi, dòng sông luôn là yếu tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế và xã hội của thành phố, phải được quan tâm bảo vệ và phát huy để tổ chức các khu vực phát triển đô thị quan trọng, các khu dân cư mới, cáckhu du lịch dịch vụ, các khu công viên cây xanh, quảng trường...
Mấy chục năm hòa bình và phát triển, TP.HCM đã tổ chức nghiên cứu thiết lập hàng chục đồ án quy hoạch phân khu 1/2.000 hai bên dòng sông Sài Gòn để làm cơ sở tăng cường công tác quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị, sử dụng đất đai bảo vệ môi trường, đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Mặc dù còn nhiều khó khăn về nguồn lực đầu tư, song nhiều thế hệ lãnh đạo cũng như những người làm quy hoạch kiến trúc xây dựng đầu tư của thành phố đã nỗ lực để có được những công trình xây dựng lớn và phát triển dọc theo dòng sông Sài Gòn: khu đô thị mới Thủ Thiêm, cảng Hiệp Phước, các khu đô thị Vạn Phúc, Thảo Điền, Thạnh Mỹ Lợi, các khu đô thị tại quận 7, huyện Nhà Bè... Các công trình cống ngăn triều, đê bao, đường giao thông, cầu và hầm vượt sông Sài Gòn, di dời bến cảng trong khu trung tâm, các tuyến giao thông hành khách đường sông đã làm cho cảnh quan đô thị ven sông Sài Gòn ngày càng tươi đẹp, khang trang, hiện đại.
Ngày nay, với mong đợi và yêu cầu ngày càng cao của người dân, dòng sông Sài Gòn ngày càng mang đến nhiều cơ hội và thách thức to lớn: cơ hội phát triển đô thị mạnh mẽ, tăng trưởng kinh tế - xã hội, thách thức giữ gìn môi trường nước, không khí, cảnh quan và đối diện với biến đổi khí hậu ngày một phức tạp.
Là người làm công tác quản lý quy hoạch, những đau đáu về bảo vệ và phát huy những giá trị của sông Sài Gòn luôn đặt ra cho chúng tôi yêu cầu phải hết sức chú tâm đến tạo lập khuôn khổ quy hoạch, luôn cân nhắc kỹ lưỡng đến việc bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ hệ sinh thái, môi trường, cảnh quan và kiến tạo lợi ích cộng đồng.
Như vậy chưa đủ, các cơ quan chức năng còn cần nhanh chóng rà soát các đồ án quy hoạch phân khu, các dự án đầu tư, khu vực có quỹ đất lớn, đất công; rà soát đánh giá hiện trạng để điều chỉnh các đồ án quy hoạch một cách đồng bộ, khả thi.
Và các dự án được duyệt trong phạm vi ảnh hưởng của sông Sài Gòn nhất định phải áp dụng các nguyên tắc thiết kế đô thị hiện đại trong quá trình quy hoạch - thiết kế - đầu tư - xây dựng - quản lý - vận hành. Trong đó các nguyên tắc chính bao gồm:
+ Hài hòa: Thiết kế đô thị khu vực cảnh quan sông cần nhìn nhận không gian trong mối quan hệ tổng hòa với các khu vực lân cận.
+ Đặc trưng: Các khu vực nhất định trên tuyến sông cần được thiết kế để có thể phản ánh và phát huy những đặc trưng riêng biệt và giá trị văn hóa của khu vực. Dòng sông Sài Gòn trải qua nhiều khu vực đặc trưng về môi trường cảnh quan, kiến trúc đô thị, di tích lịch sử văn hóa khác nhau, nếu đi sâu nghiên cứu khai thác một cách tinh tế, khéo léo có thể tạo ra những đoạn tuyến không gian cảnh quan kiến trúc có đặc trưng riêng biệt, phong phú sinh động, giàu bản sắc.
+ Đa dạng: Thiết kế đô thị hướng đến và tạo điều kiện cho người dân thành phố nhiều lựa chọn trải nghiệm, chức năng, tiếp cận nhiều loại phương tiện xe - tàu - canô... Công trình dịch vụ cũng phải đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng cư dân, quan tâm đến người cao tuổi, người khuyết tật, dân lao động, thanh niên, thiếu niên, phụ nữ, du khách trong và ngoài nước.
+ Kết nối: Dòng sông Sài Gòn tự nó đã tạo ra những điều kiện hết sức lý tưởng để chúng ta có thể tổ chức các không gian công cộng hấp dẫn thuận tiện cho người dân thành phố, du khách thập phương. Các đồ án quy hoạch phân khu và các phương án thiết kế, ý tưởng, kiến trúc cần chú trọng tính kết nối cộng đồng, gắn kết các không gian thuận tiện, sinh động và an toàn.
+ Sáng tạo: Không gian đô thị hai bên bờ sông Sài Gòn tạo ra vô vàn cơ hội khuyến khích sự sáng tạo, chuyển biến những địa điểm bình thường thành nơi chốn đáng ghi nhớ, có giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật đô thị.
+ Thân thiện: Thiết kế đô thị phải đảm bảo nguyên tắc hướng tới bền vững, giảm tác động môi trường bao gồm đất đai, hệ sinh thái, cảnh sông nước gắn với các công trình có giá trị về văn hóa lịch sử để lại cho các thế hệ sau.
Tất nhiên những ý tưởng bảo vệ và phát huy giá trị dòng sông chỉ có thể trở thành hiện thực khi chúng ta đẩy mạnh quá trình đầu tư bảo vệ và xây dựng hạ tầng đô thị hai bên dòng sông Sài Gòn. Điều này đòi hỏi chính quyền TP.HCM phải quan tâm hơn nữa, dành nhiều hơn nữa các nguồn đầu tư công cho nghiên cứu đánh giá quy hoạch, thu hút các nguồn vốn đầu tư cho hai bên dòng sông. Bên cạnh đó còn phải nghiên cứu xây dựng quy chế quản lý không gian kiến trúc cảnh quan và hạ tầng hai bên dòng sông Sài Gòn, làm cơ sở để Nhà nước cùng cộng đồng tham gia quản lý đô thị minh bạch hiện đại và đồng bộ, hiệu quả.
Sinh sống và làm việc hơn 5 năm tại TP.HCM, nhiều lần thưởng ngoạn vẻ đẹp sông Sài Gòn nhưng kiến trúc sư Luigi Campanale đã phải dùng từ “đáng tiếc” khi nhận xét cảnh quan dọc sông Sài Gòn.
*Nhận xét của ông xuất phát từ góc nhìn một du khách hay một nhà thiết kế quy hoạch, kiến trúc đô thị?
- Đương nhiên cả hai. Ở góc độ du khách, dọc hai bờ sông Sài Gòn, trừ một số nơi có dự án bất động sản hoặc gần đây là khu vực bến Bạch Đằng được chỉnh trang, tôn tạo, phần còn lại chưa có gì hấp dẫn để tham quan, thưởng ngoạn, trải nghiệm du lịch. Thiếu thốn không gian công cộng đồng nghĩa với việc không có hoạt động nghệ thuật, biểu diễn cộng đồng đặc sắc, hấp dẫn và những dịch vụ thu hút.
Còn nhìn ở góc độ quy hoạch, kiến trúc, dòng sông Sài Gòn mới chỉ đẹp chính bởi vẻ đẹp tạo hóa ban cho là một dòng sông chảy uốn lượn trong lòng thành phố. Còn lại, tổng thể hai bờ sông lại hiếm cảnh quan, công trình kiến trúc thiết kế đủ xứng tầm tạo nên dấu ấn, vẻ đẹp, đặc trưng riêng. Điều gì làm người ta nhớ đến và muốn quay lại với dòng sông Sài Gòn? Đáng tiếc là chưa có.
*Kinh nghiệm của các nước, hay chính nước Ý của ông đã tạo đặc trưng, khai thác tiềm năng các dòng sông ra sao?
- Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia)... tổ chức rất nhiều hoạt động dọc hai bên bờ sông phục vụ khách du lịch và người dân. Trong khi phần lớn du khách đã đến TP.HCM sẽ chọn một điểm đến mới cho lần trở lại Việt Nam tiếp theo, không phải bởi họ không thích mà do những đặc trưng đã được tìm hiểu hết trong lần đầu, thiếu những hoạt động văn hóa - giải trí đặc sắc khiến họ muốn trải nghiệm thêm nhiều lần nữa. Đây là một trong những lý do phải phát triển hạ tầng và tạo ra những điểm dịch vụ cộng đồng đủ hấp dẫn, đặc trưng. Những cảnh quan với điểm nhấn văn hóa - lịch sử - đời sống dọc sông Sài Gòn sẽ giúp thu hút khách du lịch và tạo nên đặc trưng của từng phân khu trên dòng sông.
*Hẳn ông có gợi ý cho việc đi tìm một biểu tượng đặc trưng để du khách nhớ đến dòng sông Sài Gòn?
- Trước dịch COVID-19, tôi cùng một nhóm kiến trúc sư cả trong và ngoài nước có thảo luận về biểu tượng đặc trưng cho hai bờ sông Sài Gòn, cái mà hiện tại chưa hề có. Một cuộc thi như báo Tuổi Trẻ vừa tổ chức sẽ thu hút được các ý tưởng nghiên cứu đào sâu và được thực hiện bởi các chuyên gia và cả ý kiến rộng rãi của người dân quan tâm. Tôi hy vọng những đề xuất này không dừng lại ở ý tưởng mà sẽ thành hiện thực.
* Thật ra TP.HCM cũng đã có chủ trương và quyết tâm chỉnh trang, cải tạo dọc hai bờ sông từ lâu. Mới đây công viên bến Bạch Đằng đưa vào hoạt động cũng được người dân đón nhận.
- Cảnh quan khu vực công viên bến Bạch Đằng sau khi được cải tạo đã tốt hơn, đẹp hơn trước. Tuy nhiên do không phát triển trên quy hoạch chung tổng thể nên thực tế sau đó vẫn còn nhiều vấn đề phải xử lý, như việc gửi xe cũng khó khăn. Công viên đẹp nhưng còn phải làm sao để người dân, du khách thật sự tận hưởng được. Chính vì vậy cần phát triển đồng thời, song song, bài bản, mở ra cái này phải nghĩ ngay đến cái kia.
* Đúng như ông nói, nhưng vấn đề của quy hoạch tổng thể là nguồn lực.
- Tôi hiểu thành phố có rất nhiều vấn đề, lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư, tuy nhiên hiện tại thành phố đang tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, vậy phải coi việc chỉnh trang, cải tạo hai bờ sông là một nội dung lớn trong đó. Năm 2022 là thời điểm phù hợp để tập trung phát triển cảnh quan dọc hai bờ sông Sài Gòn, song song với các hệ thống cơ sở hạ tầng như dịch vụ xe đạp công cộng, các tuyến metro... Khi tất cả hoàn thành cùng lúc, chắc chắn sẽ là lợi thế phát triển cho TP.HCM.
Về khía cạnh kinh tế, sau hai năm chống dịch COVID-19, mọi thứ đình trệ, đây là thời điểm khởi đầu mới, TP.HCM cần có những hướng đầu tư đột phá, tích cực hơn. Tập trung phát triển cảnh quan đô thị nói chung, cảnh quan bờ sông Sài Gòn nói riêng để thu hút du lịch sẽ mang đến nhiều giá trị cộng thêm cho thành phố.
Đặt trong bối cảnh TP.HCM không chỉ cạnh tranh nội địa mà còn phải cạnh tranh với các thành phố khác như Kuala Lumpur, Singapore, Hong Kong... về du lịch thì việc này càng quan trọng. Khoác lên mình một chiếc áo mới sẽ thu hút không chỉ nguồn khách quốc tế mới mà ngay cả nhóm khách trong và ngoài nước trở lại tham quan. Tăng trưởng du lịch sẽ đi kèm với tăng trưởng kinh tế, nguồn thu này có thể quay lại đầu tư cho việc chỉnh trang, cải tạo dọc dòng sông.
* Bản thân ông có ý tưởng, kinh nghiệm nào cho việc quy hoạch, tổ chức kêu gọi đầu tư và khai thác tạo giá trị trên sông Sài Gòn?
- Việc chỉnh trang, cải tạo cảnh quan và khai thác dịch vụ dọc hai bờ sông Sài Gòn cần một kế hoạch tổng thể và định hướng lâu dài. Không thể áp dụng một mô hình cho toàn bộ dòng sông nhưng các mô hình khác nhau phù hợp với đặc thù từng khúc sông phải đạt được độ hài hòa khi kết hợp lại.
Thậm chí ngay đoạn chảy qua một quận cũng có thể chia nhỏ từng khúc có cách bố trí khác nhau. Có nơi chỉ cần đầu tư ít vốn, giữ cảnh quan sạch sẽ để người dân đến vui chơi. Có nơi đầu tư bài bản về không gian với các thiết kế đa dạng, tạo nên các biểu tượng quanh bờ sông để du khách nhớ tới sông Sài Gòn, nhớ tới TP.HCM. Trên không gian đó sẽ tổ chức nhiều hoạt động kinh doanh dịch vụ, văn hóa, nghệ thuật, giải trí phục vụ du khách.
Nếu không đủ nguồn lực, TP.HCM có thể giao từng đoạn cho nhà đầu tư tư nhân thực hiện trên tổng thể quy hoạch. Khi nhìn thấy tương lai và lợi nhuận, việc kêu gọi, thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào cải tạo, chỉnh trang bờ sông, tôi tin là không khó.
TP.HCM có lịch sử sôi động gắn bó với sông Sài Gòn. Dòng sông đã là yếu tố đầu tiên cho cuộc mưu sinh của những người định cư ban đầu, điều kiện cho nền nông nghiệp trù phú tồn tại cùng với quá trình đô thị hóa theo thời gian. Con sông đã tạo ra các đảo neo đậu an toàn và dễ dàng tiếp cận Biển Đông, giúp Sài Gòn trở thành một thương cảng quốc tế.
Ngày nay, những vết tích của các cảng vẫn còn rất nhiều dọc theo bờ sông. Tuy nhiên, chính đặc thù hoạt động của các cảng đã tạo nhiều rào cản ngăn cách người dân tiếp cận với bờ sông, ngắm nhìn kỳ quan thiên nhiên giữa lòng thành phố. Điều này khiến những người làm quy hoạch phải tìm cách khắc phục.
Nhiều dự án mới quy mô lớn đã khẳng định vị trí đắc địa tại các vị trí chiến lược, tập trung vào giá trị tiềm năng mà khu ven sông mang lại cho cuộc sống. Người dân cần thêm rất nhiều không gian mở như khu công viên ở bến Bạch Đằng vừa được cải tạo.
Trong những năm tham gia xây dựng và thực hiện quy hoạch tổng thể Nam Sài Gòn (Phú Mỹ Hưng), chiến lược của chúng tôi là bảo vệ và nâng cao bờ của các sông nhánh quan trọng để đảm bảo vai trò của hệ thống môi trường tự nhiên, đồng thời gia tăng phát triển các tuyến đường thủy. Những dân cư mới của khu vực rất hài lòng trong tương tác với các dòng sông, và chuỗi công việc của chúng tôi được coi là thành công.
Ở tầm của mình, TP.HCM cần nhìn nhận cơ hội này một cách toàn diện hơn, cần có kế hoạch mạnh mẽ ở quy mô phù hợp với tham vọng phát triển của thành phố. Phải lập quy hoạch tổng thể đảm bảo các yếu tố để đưa dòng sông trở thành biểu tượng mạnh mẽ thu hút định cư và thương mại như thuở ban đầu.
Đưa con người trở lại với dòng sông. Kết nối các bờ sông với nhau, mở rộng giá trị của nó thông qua các công viên dấn sâu trong cấu trúc đô thị... Và chúng ta sẽ hiện thực hóa một giấc mơ mới cho TP.HCM: đại đô thị với hình mẫu về cách trân trọng và sống cùng dòng sông.
Quy hoạch tổng thể Thủ Thiêm và công trình của tôi cách đây một thập kỷ về phía đông của quận 2 (cũ) đã nhận thấy sự cần thiết phải bảo vệ không chỉ bờ sông Sài Gòn, mà cả các sông nhánh thiết yếu và hệ thống kênh đào di sản. Chúng tôi còn phải giải quyết vấn đề ngập nước và đây trở thành phần tối quan trọng của quy hoạch.
Với tốc độ đô thị hóa của thành phố ngày càng cao, và sự gia tăng các bề mặt không thấm nước như đường sá, quảng trường và các tòa nhà mới, chúng tôi nhận thức rất rõ rằng tác động nước ngập có khả năng gia tăng những năm tới, cộng với tác động của biến đổi khí hậu. Chúng tôi đã đưa ra một cấu trúc bảo tồn các khu vực nông nghiệp và đất ngập nước, đồng thời tăng cường phát triển đô thị gần tuyến metro số 2 đã được quy hoạch.
Trong đánh giá này, phải giải quyết mạng lưới sông từ góc độ sinh thái để đạt được khả năng phục hồi tự nhiên. Nỗ lực bảo vệ thành phố nói chung này sẽ cần sự hỗ trợ tài chính của các ban lãnh đạo có tầm nhìn xa từ các doanh nghiệp, sự hỗ trợ của công chúng - những người quan tâm đến sự phát triển bền vững của thành phố. Nhận thức cộng đồng sẽ là chất xúc tác quan trọng để hiện thực hóa giấc mơ.
Trong thời gian đầu khởi nghiệp, tôi sống ở San Francisco (Mỹ) và chứng kiến sự phát triển đáng kinh ngạc trong tương tác giữa khu vực công và tư. Lúc đầu, người dân nhìn nhận rất tiêu cực về những lợi ích cá nhân. Giám đốc kế hoạch của chúng tôi đã tuyên bố một "cuộc chiến" chống lại các tòa nhà văn phòng cao tầng và được ủng hộ rộng rãi.
Chiến thắng đến bất ngờ khi một trận động đất làm hư hại nghiêm trọng một xa lộ hai tầng dọc theo bờ vịnh, vốn đã luôn là vật ngăn cản sự tiếp cận của người dân tới bến nước và nhiều cầu tàu, giống như Ba Son hay cảng của chúng ta ở quận 4.
Khi cấu trúc đường cao tốc bị dỡ bỏ, một nỗ lực lập kế hoạch nhanh chóng, hiệu quả đã bộc lộ rõ giá trị của bờ sông. Khi các nhà phát triển dự án đua nhau tham gia vào quá trình tái phát triển và bảo tồn các cầu tàu, cấu trúc bến tàu di sản, sự ủng hộ của người dân đã chuyển từ mối quan hệ phân cực với doanh nghiệp sang mối quan hệ mà các giá trị được chia sẻ và có thể trở thành một nền tảng thống nhất.
Thỏa hiệp là một phần của quá trình ban đầu. Cuối cùng khi chính quyền cảm thấy hài lòng với "quan hệ đối tác" mới, các dự án đã chuyển hướng sang đổi mới và tư duy sáng tạo. Kết quả đã được nhiều người biết đến, và mặt tiền của vịnh San Francisco giờ đây đã trở thành biểu tượng của thành phố giàu văn hóa đương đại.
Cách đây một thời gian, thị trưởng Chicago đã lên tiếng yêu cầu thực hiện kế hoạch mà Daniel Burnham đã đưa ra từ thế kỷ trước: tích hợp hệ thống sông vào cộng đồng bằng một loạt công viên cây xanh liên kết thành phố với nhau.
Kế hoạch đầy tham vọng này đã được thực hiện thành công ở trung tâm thành phố Chicago, tên gọi là "The Loop", đồng thời cung cấp một môi trường an toàn vào ban ngày và ban đêm cho tất cả công dân Chicago. Đây là trường hợp điển hình cho các cơ hội tái phát triển mới của tất cả các thành phố của Mỹ, và chắc chắn có thể là một mô hình thích hợp cho TP.HCM và sông Sài Gòn của chúng ta.
Những quá trình này đã cho chúng tôi kinh nghiệm về một số yếu tố để hiện thực hóa ý tưởng:
- Tầm nhìn xa của lãnh đạo (và chúng ta thật may mắn khi đã có những lãnh đạo chứng tỏ được tầm nhìn của mình trong giai đoạn đại dịch vừa qua).
- Tư vấn sáng tạo: Chúng ta cần những ý tưởng đổi mới, và cần học hỏi kinh nghiệm ở những nơi khác.
- Nguồn lực kỹ thuật: Trí tưởng tượng của chúng ta phải mở rộng sang lĩnh vực kỹ thuật để đảm bảo chúng ta luôn đi đúng với định hướng của mình, nhưng phải làm theo cách có thể thực hiện được.
- Sự ủng hộ của người dân: Mọi người cần được hiểu rõ những gì cần làm là để đảm bảo và nâng cao chất lượng cuộc sống ở TP.HCM.
- Cam kết với doanh nghiệp: Mọi thứ - kể cả việc bảo tồn những khu vực rừng ngập mặn rộng lớn - cuối cùng cũng sẽ nâng cao giá trị của các dự án.
- Quản lý đa quan điểm: Một quy trình phức tạp đòi hỏi những nhà quản lý có kinh nghiệm, có nền tảng trên đa lĩnh vực.
- Đại diện rộng rãi: TP.HCM đang trở thành một siêu đô thị giống như quê hương Los Angeles của tôi, với nhiều quận khác nhau có nhiều nhu cầu khác nhau. Chúng ta phải kết hợp những nhu cầu này một cách tích cực vào kế hoạch lớn hơn của mình.
Tôi tin rằng nếu áp dụng cách tiếp cận này cho TP.HCM, chúng ta có thể thực hiện được nhiều điều. Thành phố sẽ là một cộng đồng đa dạng, sôi động và mạnh mẽ, là trụ cột cho sự phát triển kinh tế của đất nước, với cam kết đạt được chất lượng cuộc sống cao hơn cho mọi công dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận