Ảnh: M.PHÚC
Người dân thị trấn Vũng Barkley yên tĩnh cạnh bờ biển Bắc Carolina vẫn cho rằng đồng lầy là nơi hiểm ác chứa chấp những phần tử nguy hiểm: thủy thủ nổi loạn, con nợ, bọn người trốn chiến tranh, thuế má hay luật lệ.
Tuy nhiên, đây là vùng đất không nghèo, mà tầng tầng lớp lớp sự sống chất chồng trên đất hay trong nước, đủ để kẻ biết lùng sục bữa ăn sẽ không bị đói.
Nhưng, bởi vì Kya Clack sống một mình ở đây, nên biệt danh "Cô gái đồng lầy" người dân thị trấn dành cho cô, cũng là cách biểu thị sự tàn nhẫn: khinh khi, kỳ thị, xa lánh và đầy những lời đồn thổi.
Cái lán cũ của gia đình Kya Clack nằm tựa vào trảng cỏ lùn. Ba Kya đưa cả nhà đến đây, sau tham chiến trở về tan nát và túng quẫn, chỉ sống với hai trạng thái, hoặc là gào thét hoặc là im lặng, cùng những nắm đấm. Má, những anh chị và cả Kya thì "cả đời tự hỏi khi nào và ở đâu, nắm đấm kế tiếp sẽ giáng xuống mình".
Má bỏ đi lúc Kya 6 tuổi, dù thằng anh Jodie đã cố an ủi: "Một bà má không bao giờ bỏ mấy đứa con nhỏ đâu. Điều đó không nằm trong bản tính của họ". Nhưng rồi thêm các anh chị và cả Jodie, cuối cùng là ba, cũng rời đi nốt.
"Cô gái đồng lầy" Kya sống sót sau nhiều năm cô đơn, trú ẩn trong lòng mẹ thiên nhiên, kết bạn với mòng biển và học những bài học đắt giá trên bờ cát. Chạm vào yêu thương với hai chàng trai: Tate và Chase.
Tate là người đã dạy cô học đọc và viết, khuyến khích cô làm thơ và vẽ. Kya thừa hưởng tài năng hội họa của má.
Sau này, chính Tate - chàng trai có trái tim ấm áp, dù cũng không ít lần cư xử sai lầm với Kya, đã là người khuyến khích cô gửi bản thảo đến nhà xuất bản, trong đó là toàn bộ tranh vẽ, những ghi chú khoa học chuẩn xác, thứ tự và có hồn, từ bộ sưu tập vỏ sò, lông vũ từ thời thơ trẻ của cô đến giờ. Các sách của cô được in và đón nhận, vì tính khoa học và sự cảm động mà không tác giả nào viết được.
Tâm hồn tinh tế và rộng mở, nhưng Kya luôn bị tổn thương, khi cô "học cách tin vào sự liên kết giữa người với người, nhưng cuộc đời luôn được định nghĩa bằng từ chối".
Ngay từ khi còn nhỏ, Kya đã biết cách trốn và xóa dấu vết, nên không tổ chức xã hội nào có thể tìm gặp và bắt cô rời cái lán cũ. Cộng đồng gần như không thuộc về cô, bởi ở đó không có gia đình cô.
Ở đồng lầy cô cũng không có gia đình, nhưng cô bám rễ chắc chắn vào đất mẹ. Ở lại, cũng là cách cô gìn giữ những di sản còn lại của má, chỉ để "lỡ như má trở về thì sao!".
Xa ngoài kia nơi loài tôm hát (NXB Trẻ) đủ làm kinh ngạc nhiều độc giả.
Tinh tế và đẹp đẽ, lẫn trong cả những tàn nhẫn đớn đau, với ngôn ngữ đầy chất thi ca, tiểu thuyết khiến ta nhìn lại hành tinh loài người - phải chăng ta luôn mang đầy định kiến, sẵn sàng đổ mọi tội lỗi lên những ai yếu thế, cô độc và khác người.
Cũng ở hành tinh loài người, ít ai lắng nghe tiếng nói của sự hoang dã gọi từ bên trong, của chính họ.
Cốt lõi của việc kết nối với thiên nhiên hoang dã cũng là cách để thấu hiểu, để tìm về bản thể và cội nguồn. Tiếng nói của thiên nhiên giống như biểu hiện của ngôn ngữ - một chữ có thể chứa đựng rất nhiều.
6 triệu bản bán ra sau 1 năm
Tiểu thuyết đầu tay của Delia Owens "Where The Crawdads Sing" (Xa ngoài kia nơi loài tôm hát) - lấy bối cảnh những năm cuối 60, là bản tụng ca thiên nhiên, với những kỳ quan cùng không ít những hiểm nguy.
Con người - giống loài vừa mạnh mẽ vừa yếu đuối - có dám để mình đi xa đến chừng nào có thể, đến nơi quạnh quẽ nhất để lắng nghe "tiếng con tôm hát".
Chỉ sau một năm ra mắt, đã có 6 triệu bản được bán ra trên toàn thế giới, 58 tuần trong danh sách bán chạy của New York Times.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận