19/09/2018 11:37 GMT+7

Đánh thức bí ẩn Tây Nguyên

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Đắk Nông - một tỉnh hầu như “ngủ quên” về du lịch bấy lâu nay - bỗng như “bắt được vàng” khi hay tin các nhà khoa học và khảo cổ học vừa có phát hiện quý giá về dấu vết cư trú của người tiền sử trong hang động núi lửa Krông Nô.

Đánh thức bí ẩn Tây Nguyên - Ảnh 1.

Các di vật thời tiền sử được tìm thấy tại hang động núi lửa Krông Nô - Ảnh: T. ĐIỂU

Nếu các phát hiện khảo cổ tại hang núi lửa Krông Nô được trưng bày trong bảo tàng tại chỗ, phục vụ cho du lịch thì giá trị của các hiện vật nghiên cứu sẽ được phát huy rất tốt.

PGS.TS Nguyễn Trung Minh (tổng giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam)

Ngày 18-9 tại Hà Nội, Bảo tàng Thiên nhiên đã tổ chức hội nghị thông báo kết quả khai quật đợt 1 trong hang động núi lửa ở Krông Nô, Đắk Nông với nhiều thông tin đáng vui mừng không chỉ cho Đắk Nông hay cho giới khảo cổ.

Dấu tích người cổ tại hang động núi lửa - phát hiện chấn động

Báo cáo tại hội nghị, TS La Thế Phúc (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) - chủ nhiệm đề tài nghiên cứu được tiến hành từ năm 2014 mang tên Nghiên cứu giá trị di sản hang động, đề xuất xây dựng bảo tàng, bảo tồn tại chỗ ở Tây Nguyên, lấy thí dụ hang động núi lửa ở Krông Nô, tỉnh Đắk Nông - cho biết đã phát hiện ít nhất 3 di cốt người và hàng vạn vỏ ốc biển cùng số lượng lớn di vật bằng đá, gốm, xương và vỏ nhuyễn thể, mũi tên đồng tại các hang động núi lửa thuộc khu rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông).

Cũng theo TS Phúc, trong hang động núi lửa Krông Nô còn bảo lưu dấu tích văn hóa, mộ táng và các hoạt động sống của các bộ lạc thời tiền sử. Các di vật được xác định thuộc sơ kỳ Đá mới, tiếp sau là trung kỳ Đá mới cách đây khoảng 6.000 - 7.000 năm và cuối cùng, con người rời hang vào hậu kỳ Đá mới - sơ kỳ Kim khí, cách đây khoảng 3.000 năm.

Tại hội nghị, các nhà khoa học đều háo hức đánh giá việc phát hiện di cốt người cổ trong các hang động núi lửa ở Tây Nguyên là một "phát hiện chấn động", một bước ngoặt của ngành cổ nhân học nước ta, một "đóng góp cực kỳ quan trọng cho lịch sử".

TS La Thế Phúc khẳng định đây là lần đầu tiên giới khoa học Việt Nam phát hiện ra di tích cư trú của người tiền sử trong các hang động núi lửa, bổ sung một loại hình cư trú mới, một kiểu thích ứng mới của cư dân tiền sử ở vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên Việt Nam. Đây còn là di sản hỗn hợp được đánh giá là độc đáo duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á, rất hiếm gặp trong hang động núi lửa trên thế giới.

Kết quả khai quật khảo cổ này sẽ đóng góp nội dung quan trọng và có tính thuyết phục cao cho hồ sơ Công viên địa chất núi lửa Krông Nô mà Đắk Nông dự kiến sẽ trình UNESCO vào tháng 11 tới.

Đánh thức bí ẩn Tây Nguyên - Ảnh 3.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường giới thiệu hộp sọ của một bé gái từ thời tiền sử được tìm thấy tại hang động núi lửa Krông Nô - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Bảo tồn tại chỗ để phát triển du lịch

Hơn cả một phát hiện khảo cổ đáng quý cho giới nghiên cứu, những phát hiện này còn thúc đẩy ý tưởng mạnh mẽ của các nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, đó là đề xuất xây bảo tàng bảo tồn tại chỗ ở hang động núi lửa tại Krông Nô.

TS La Thế Phúc giải thích bảo tàng này sẽ tái hiện văn hóa, hoạt động sống của các bộ lạc thời tiền sử, trưng bày các tiêu bản hiện vật khảo cổ với những thông tin đầy đủ, hấp dẫn để phục vụ đón khách du lịch. Theo ông, bản thân du lịch hang động núi lửa đã hấp dẫn, nếu cộng thêm một bảo tàng ngay tại đây để giới thiệu cho công chúng về con người, cuộc sống thời tiền sử của chính nơi này chắc chắn sẽ trở thành điểm đến rất hấp dẫn.

Đồng tình với ý kiến trên, PGS.TS Nguyễn Trung Minh - tổng giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam - cho biết trên thế giới đã có một số mô hình bảo tàng bảo tồn tại chỗ nhưng Việt Nam hiện chưa có. Nếu Đắk Nông làm được sẽ mở ra một hướng bảo tồn kết hợp phát triển du lịch đầy hứa hẹn.

Có mặt tại hội nghị, bà Vũ Thị Ái Duyên - giám đốc Sở VH-TT&DL Đắk Nông - cho biết tỉnh rất vui mừng trước những thông tin về phát hiện khảo cổ quý giá tại hang núi lửa Krông Nô. 

Về đề xuất của các nhà khoa học xây dựng bảo tàng bảo tồn tại chỗ phục vụ du lịch, chia sẻ với Tuổi Trẻ, bà Duyên cho biết tỉnh "rất hưởng ứng, hoàn toàn ủng hộ". Tuy nhiên, tất cả còn phụ thuộc vào điều kiện của địa phương. Bà Duyên giải thích Đắk Nông là một tỉnh nghèo, nguồn lực tài chính rất hạn hẹp, nên mong muốn là một chuyện, xây được bảo tàng hay không lại là chuyện khác.

Cần xếp hạng di tích cấp quốc gia

"Chúng tôi đã tham khảo ý kiến của một số nhà khoa học nước ngoài như Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Úc, Indonesia... Họ đều phát biểu chưa hề phát hiện được di cốt người cổ trong những hang động núi lửa" - PGS.TS Nguyễn Lân Cường nói. Ông bày tỏ hi vọng rằng việc tiếp tục khai quật hang C6-1 vào năm 2019 sẽ tìm được hộp sọ của người trưởng thành để tìm hiểu chính xác về người cổ sống ở Tây Nguyên - điều mà trước đây ta hoàn toàn mù mịt.

Các nhà khoa học kiến nghị Đắk Nông cần đưa di tích này vào xếp hạng di tích cấp tỉnh, sau đó là cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt để bảo vệ. "Không có hành lang pháp lý thì không thể bảo vệ được di tích này" - PGS.TS Nguyễn Khắc Sử nói.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp