Phóng to |
Ông Dương Thanh Hoài |
Ðại diện cho Nhã Nam và nhóm thực hiện Việt Nam danh tác, ông Dương Thanh Hoài - phó giám đốc Công ty Nhã Nam - vừa có cuộc trò chuyện cùng Tuổi Trẻ.
"Văn học hiện đại Việt Nam, đặc biệt kể từ giai đoạn 1930-1945, cần được xuất bản lại một cách chọn lọc, nhằm giới thiệu lại, tiếp thị lại với công chúng mới, với bạn đọc trẻ để có một chỗ đứng, một vị thế rõ ràng trong thị trường sách như một thứ tinh hoa văn học, góp phần nào đó vừa trung hòa vừa cạnh tranh lành mạnh với những xu hướng “sến”, “xổi”, “ngoại lai”, thị trường hóa ở mức thái quá của xuất bản hiện nay." DƯƠNG THANH HOÀI |
* Ý tưởng thực hiện một bộ truyện trong tên chung là Việt Nam danh tác đến từ đâu? Nhìn từ góc độ thị trường, các truyện này đã in đi in lại nhiều lần, Nhã Nam lần này in lại là có chuẩn bị những cách riêng nào để sách ra vẫn thu hút bạn đọc?
- Từ lâu, có ý kiến cho rằng Nhã Nam quá mê mải làm văn học nước ngoài mà ít sách văn học trong nước, chuyên chú làm văn học đương đại mà ít chú ý đến mảng cổ điển, kinh điển. Ðấy là một trong những lý do. Và chúng tôi đã cùng bàn thảo với một nhóm các nhà nghiên cứu, phê bình văn học có uy tín (như chuyên gia văn bản học Lại Nguyên Ân, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, TS Phạm Xuân Thạch, TS Trần Ngọc Hiếu, TS Ðoàn Ánh Dương, nhà văn Tạ Duy Anh...) và đã hướng đến cách hiểu tốt nhất có thể cho bộ sách: các cuốn sách Việt Nam danh tác sẽ được xuất bản lại theo ấn bản đầu tiên trong lịch sử xuất bản của nó, có độ trung thực cao nhất về mặt văn bản, có giá trị tham khảo đáng tin cậy, tránh tình trạng tam sao thất bản, "loạn văn bản"... như từng có nhà nghiên cứu than phiền.
Ngoài ra, về mặt hình thức, chúng tôi cũng có một nhóm họa sĩ thiết kế trông nom riêng cho bộ sách, từ ruột cho đến bìa sách, để thống nhất cho bộ Việt Nam danh tác không lẫn vào đâu được với những gam màu đậm chất dân tộc: màu của cốm xanh, gạch non, gốm nâu, màu điệp, màu bã trầu... Và mỗi quyển sách đến với bạn đọc có dung lượng độ dày vừa phải, dễ cầm dễ đọc với chủ ý phổ cập cho số đông công chúng.
* Ðể chọn sách vào loạt danh tác này, Nhã Nam có những tiêu chí nào? Ðến nay đã có bảy quyển đầu tiên ra mắt, đều là văn xuôi. Việt Nam danh tác cũng có cả thơ chứ?
-Ðã là danh tác, yếu tố đầu tiên phải là tác phẩm nổi tiếng, có vị trí quan trọng trong văn học sử, đứng được trong lòng bạn đọc một vài thế hệ. Một điều quan trọng khác nữa là tác phẩm được tuyển lựa, bất kể đã xuất bản từ hàng chục năm trước thì vẫn không lạc hậu, mà ngược lại vẫn còn nhiều giá trị về nội dung, nghệ thuật, còn có thể được đọc lại, khám phá lại, thậm chí trong những ý nghĩa mới, chiều kích mới... Nói chung, các tiêu chí chọn lựa cũng không quá cứng nhắc, chúng tôi hi vọng càng tuyển lựa, nhóm làm sách sẽ càng thấy rõ ràng hơn tủ sách cần phát triển theo hướng như thế nào.
Việt Nam danh tác cũng đang chuẩn bị cho ra mắt một số tập thơ tiêu biểu giai đoạn tiền chiến của một số tác giả quan trọng: Thơ thơ của Xuân Diệu, Lửa thiêng của Huy Cận, Lỡ bước sang ngang của Nguyễn Bính, Ðiêu tàn của Chế Lan Viên, Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, Thơ Hàn Mặc Tử của Hàn Mặc Tử, Tinh huyết của Bích Khê hay Quê ngoại của Hồ Dzếnh...
* Có bạn đọc đặc biệt quan tâm đến việc chuẩn bị bản thảo Vang bóng một thời trong loạt danh tác này, bởi lời cam kết của Nhã Nam: đây là lần in trọn vẹn nhất. Ðằng sau cái cam kết "trọn vẹn nhất" ấy dường như là một câu chuyện về trách nhiệm của người làm sách với sự hoàn thiện của bản thảo?
- Vang bóng một thời được coi là tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Tuân, tuy nhiên cho đến các bản in hiện thời vẫn còn nhiều đoạn kiểm duyệt từ thời Pháp thuộc bị cắt bỏ. Những đoạn văn bị kiểm duyệt này ít thì một hai dòng, nhiều thì vài đoạn... cho đến giờ vẫn trong tình trạng "thất lạc" đáng tiếc! Vang bóng một thời trước đây từng đăng trong chuyên mục "Vang và bóng một thời" của tạp chí Tao Ðàn, do đó chúng tôi dùng bộ Tao Ðàn để truy nguyên, tham khảo và lấy lại được những gì từng bị kiểm duyệt ngay từ lần in đầu năm 1940 của Nhà xuất bản Tân Dân.
Ví dụ, câu chuyện diễn ra trong truyện Chém treo ngành chẳng hạn, trong tạp chí Tao Ðàn, ghi rõ là ở "thành Bắc Ninh" chứ không phải chỉ là "thành B." như trong các ấn bản sách sau này. Tuy nhiên, việc truy nguyên, lấy lại những gì bị kiểm duyệt như thế này không hề đơn giản do sự thiếu thốn và khó khăn trong tư liệu. Ngay nguyên tắc dùng ấn bản đầu để tham khảo cũng đã rất khó khăn do sách vở bị thất lạc, thiêu hủy... rất nhiều rồi, nói gì đến việc tìm tạp chí, báo giấy hay bản thảo để truy nguyên... Song, thật sự chúng tôi cũng mong rằng Vang bóng một thời không phải là trường hợp may mắn duy nhất. Chúng tôi cũng hi vọng được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các nhà nghiên cứu văn bản, các nhà sưu tầm am hiểu văn nghệ, các độc giả vẫn còn giữ được các tư liệu quý trong tủ sách gia đình...
Ý kiến của bạn đọc Vuong Luu Thien (hamson21..@): Hôm nay mua được bộ sách Việt Nam danh tác cháu rất thích, sách in rất đẹp và cẩn thận. Gió đầu mùa còn có bản minh họa in từ năm 1937 nên rất thú vị. Cháu mong NXB sẽ in thêm nhiều sách, hôm nay cháu điện mà NXB bảo chưa in Chân trời cũ của Hồ Dzếnh, cháu rất mong mỏi sẽ được đọc cuốn sách này. Cháu đã có truyện của NXB Kim Ðồng in từ năm 2002 mà có một cuốn cháu chưa thỏa mãn, vì quá yêu thích cuốn sách nên cháu muốn cầm sách in lần nữa. Cháu sẽ mua năm cuốn để đọc và để dành, và tặng cho bạn bè, cháu cũng rất thích Quê mẹ (Thanh Tịnh), Trăng thề (Tô Hoài), Phấn thông vàng (Xuân Diệu). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận