24/09/2020 12:03 GMT+7

3/4 công ty Trung Quốc trong danh sách đen của Mỹ 'làm việc cho quân đội’

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Một nghiên cứu của báo Nikkei cho thấy có tới 3/4 công ty bị Mỹ đưa vào danh sách đen gần đây vì tiếp tay cho các hoạt động quân sự của Bắc Kinh có quan hệ với quân đội Trung Quốc.

3/4 công ty Trung Quốc trong danh sách đen của Mỹ làm việc cho quân đội’ - Ảnh 1.

Theo báo Nikkei, tàu sân bay Sơn Đông (ảnh) - hàng không mẫu hạm nội địa đầu tiên của Trung Quốc - là một sản phẩm của chính sách "dung hợp quân - dân" - Ảnh: Tân Hoa xã

"Danh sách đen của Mỹ chứa đầy công ty làm việc cho quân đội Trung Quốc" - đó là tựa đề bài viết đăng trên báo Nikkei (Nhật Bản) ngày 23-9 trong một bài viết về mối quan hệ giữa các công ty tư nhân Trung Quốc và quân đội nước này.

Hồi tháng 8, Bộ Thương mại Mỹ đã thêm 24 công ty Trung Quốc vào cái gọi là "danh sách thực thể" vì "vai trò của họ trong việc giúp quân đội Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo bị quốc tế lên án ở Biển Đông".

Nghiên cứu của báo Nikkei cho thấy có tới 18 trong số 24 công ty này (tức chiếm 3/4) có quan hệ với quân đội Trung Quốc. Trong đó, có các công ty thuộc về 3 tập đoàn hoàn toàn thuộc sở hữu nhà nước gồm: Tập đoàn công nghệ điện tử Trung Quốc (CETGC), Tập đoàn điện tử Trung Quốc (CE), và Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc (CSSC).

Các tập đoàn này nằm trong số 10 nhà thầu quân sự hàng đầu của Trung Quốc. Họ được cho là đã cung cấp thiết bị điện tử, phần mềm và đóng góp chuyên môn cho Bắc Kinh để xây các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Hôm 28-8, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng thêm 11 công ty Trung Quốc vào danh sách các công ty do quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát. Trong số này có Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC) và một đơn vị của Tập đoàn Khoa học và công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASC). Cả hai đều nằm trong số 10 nhà thầu quân sự hàng đầu Trung Quốc, trong đó CASC tham gia phát triển tên lửa.

Quân đội Trung Quốc nắm ảnh hưởng đáng kể với các nhà thầu của họ. Theo truyền thông Trung Quốc, quân đội nước này đưa các sĩ quan vào giữ những vị trí điều hành tại những công ty có quan hệ với quân đội để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển chung tên lửa cùng những vũ khí khác.

Trung Quốc cũng tăng cường sử dụng các công ty công nghệ cao dân sự hỗ trợ phát triển công nghệ. Chẳng hạn có tổng cộng 532 công ty có đóng góp trong việc phát triển tàu sân bay nội địa Sơn Đông của Trung Quốc được biên chế tháng 12-2019. Gần 80% nhà cung cấp này trước đây không có quan hệ với quân đội Trung Quốc.

Báo Nikkei bình luận đây là một dấu hiệu cho thấy sự phụ thuộc ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc vào khu vực tư nhân trong bối cảnh Bắc Kinh thúc đẩy chính sách "dung hợp quân - dân", tìm kiếm sự hỗ trợ của các công ty dân sự.

Tuy nhiên, mối quan hệ với quân đội có thể là rào cản đối với việc mở rộng ra toàn cầu của các công ty tư nhân Trung Quốc vào thời điểm căng thẳng Mỹ - Trung dâng cao.

Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi cảnh giác với các nhà ngoại giao Trung Quốc Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi cảnh giác với các nhà ngoại giao Trung Quốc

TTO - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 23-9 đã kêu gọi các chính trị gia cấp tiểu bang và địa phương Mỹ nên cảnh giác với các nhà ngoại giao Trung Quốc, những người mà ông cho rằng có thể đang cố gắng lôi kéo chính khách Mỹ vào chiến dịch gián điệp.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp