05/01/2025 06:03 GMT+7

Đánh người sau va chạm giao thông: Đừng đổ thừa căng thẳng, áp lực

Một số người biện minh hành vi đánh người của mình là do căng thẳng, áp lực cuộc sống. Tuy nhiên, không thể dùng nó như một lý do biện hộ cho hành vi bạo lực.

Đánh người sau va chạm giao thông: Đừng đổ thừa căng thẳng, áp lực - Ảnh 1.

Nhường nhịn, ôn hòa, chấp hành luật pháp khi đi đường để giữ nét đẹp văn hóa giao thông và nơi công cộng - Ảnh: YẾN TRINH

Bởi hành vi bạo lực không chỉ làm tổn hại người khác mà còn phá vỡ các chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Vương Nguyễn Toàn Thiện và luật sư Đoàn Văn Nên chia sẻ về tình trạng xung đột khi va chạm giao thông và gợi mở cách hóa giải.

Cần chịu trách nhiệm hành vi của mình

* Một số người khi bị cơ quan chức năng mời lên làm việc, bị dư luận chỉ trích... thì giải thích hành vi đánh người, ẩu đả là do áp lực cuộc sống. Anh nghĩ thế nào về điều này?

Đánh người sau va chạm giao thông: Đừng đổ thừa căng thẳng, áp lực - Ảnh 2.

Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Vương Nguyễn Toàn Thiện (giám đốc chuyên môn Trung tâm tham vấn trị liệu tâm lý Lumos)

- Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Vương Nguyễn Toàn Thiện (giám đốc chuyên môn Trung tâm tham vấn trị liệu tâm lý Lumos): Cuộc sống mỗi người đều luôn đối diện áp lực gia đình, cơm áo gạo tiền và các vai trò của bản thân.

Trong bối cảnh nhiều thách thức hiện nay, nhiều lúc chúng ta phải dồn nén sự tức giận, bực bội trong lòng. Khi có một tình huống kích hoạt, các cảm xúc khó chịu trên rất dễ bùng nổ.

Việc một số người biện minh hành vi đánh người, ẩu đả của mình là do áp lực cuộc sống là có thể hiểu được.

Tuy nhiên, ta không thể dùng nó như một lý do biện hộ cho hành vi bạo lực, bởi điều này không chỉ làm tổn hại đến người khác mà còn phá vỡ các chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

Thực tế áp lực có thể được quản lý bằng nhiều cách phù hợp như rèn luyện kỹ năng nhận diện, giải tỏa, điều hòa cảm xúc; tìm kiếm sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè hoặc chuyên gia tâm lý, thay vì trút lên người khác một cách vô trách nhiệm, nhất là với những người yếu thế hơn.

Việc đổ lỗi cho hoàn cảnh cá nhân không chỉ làm giảm tính nghiêm trọng của hành vi mà còn không giúp người gây xung đột học cách xử lý tình huống một cách phù hợp, dẫn đến khả năng tái diễn.

Vì vậy, khi hiểu được áp lực cuộc sống và cách phản ứng của bản thân là bốc đồng và thường xuyên diễn ra, mỗi người cần chịu trách nhiệm hành vi và chủ động tìm kiếm giải pháp lành mạnh để đối mặt khó khăn.

Đánh người sau va chạm giao thông: Đừng đổ thừa căng thẳng, áp lực - Ảnh 3.

Đối tượng Bùi Thanh Khoa đã bị công an bắt ngay sau vụ đánh đập phụ nữ chỉ vì va quẹt trên đường - Ảnh cắt từ clip

* Thái độ đôi bên rất quan trọng, sẽ góp phần giải quyết êm đẹp hoặc bùng lên xung đột. Trường hợp đối phương sai nhưng nóng nảy gây sự, ta cần làm gì để giữ bình tĩnh?

- Trong mọi tình huống nếu đối phương nóng nảy và muốn gây sự, việc giữ bình tĩnh là quan trọng nhất để tránh xung đột leo thang.

Đầu tiên, ta phải đảm bảo bản thân được an toàn trong các tình huống đó. Hãy cố gắng nhận diện sự khó chịu, cảm xúc tức giận... của bản thân, tránh đáp trả bằng lời lẽ gay gắt hoặc thái độ thách thức vì điều này chỉ làm tình hình tồi tệ hơn.

Thay vào đó, chúng ta lắng nghe và cho đối phương thấy mình đang lắng nghe để giúp họ giảm mức độ cảm xúc cực đoan. Sau đó, ta nhẹ nhàng nhắc nhở về việc giữ bình tĩnh cùng tìm cách giải quyết.

Nếu cần thiết, ta đề nghị người xung quanh hoặc cơ quan chức năng hỗ trợ. Ta luôn nhớ rằng không phải mọi xung đột đều cần một người thắng, mà việc giữ gìn an toàn và tôn trọng lẫn nhau mới là mục tiêu chính.

Trường hợp bản thân gây lỗi, thái độ thành khẩn và chân thành nhận lỗi là cách cư xử đúng đắn nhất. Việc thẳng thắn thừa nhận lỗi sai không chỉ thể hiện trách nhiệm mà còn làm đối phương bớt căng thẳng.

Ta chủ động đề xuất cách giải quyết hoặc bồi thường hợp lý tùy mức độ sự việc. Tránh phản ứng phòng thủ, biện minh hoặc đổ lỗi hoàn cảnh, làm mất thiện cảm và khiến tình hình căng thẳng hơn.

Sự chân thành, khả năng nhận lỗi, nội hàm của mỗi người là tiến trình trau dồi và có thể tích lũy, từ đó giúp giải quyết vấn đề êm đẹp.

Chuyện bé xé to, coi chừng phạm pháp

* Nhận định của luật sư về việc hiện nay có nhiều vụ mâu thuẫn, gây thương tích xuất phát từ những va chạm nhẹ trên đường phố?

Đánh người sau va chạm giao thông: Đừng đổ thừa căng thẳng, áp lực - Ảnh 4.

Luật sư Đoàn Văn Nên (giám đốc Công ty luật Nguyễn Đoàn, thuộc Đoàn luật sư TP.HCM)

- Luật sư Đoàn Văn Nên (giám đốc Công ty luật Nguyễn Đoàn, thuộc Đoàn luật sư TP.HCM): Thực tế có nhiều vụ việc, các đối tượng va chạm giao thông đã gây gổ, đánh nhau bị khởi tố.

Chẳng hạn, ngày 13-12-2024 Công an quận 4 (TP.HCM) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam 2 tháng đối với Bùi Thanh Khoa (40 tuổi, ngụ quận 10) về tội cố ý gây thương tích.

Tại cơ quan công an, Khoa tỏ ra hối cải: "Người nữ có quẹt vào xe của tôi làm loạng choạng tay lái nên tôi bực tức, không kiềm chế được bản thân đã đánh cô gái đó. Tôi đánh gây thương tích cho chị A., bản thân tôi cảm thấy rất hối hận và rất mong được pháp luật khoan hồng, cho tôi có cơ hội gần lại với môi trường xã hội".

Như vậy, chỉ vì một chút va chạm nhỏ mà không giữ được bình tĩnh dẫn đến ẩu đả và vướng vòng lao lý.

* Hành vi hung hăng, thiếu kiểm soát khi tham gia giao thông sẽ dẫn đến hậu quả gì về mặt pháp luật, thưa anh?

- Nguyên nhân dẫn đến những cuộc ẩu đả, gây thương tích nghiêm trọng khi mâu thuẫn trong quá trình tham gia giao thông thường chỉ do những va chạm nhỏ. 

Tuy nhiên người trong cuộc thiếu kiểm soát cảm xúc và hành vi dẫn đến động tay động chân.

Hành vi này sẽ bị xem xét là hành vi mang tính côn đồ, hung hăng, coi thường pháp luật, thiếu kiềm chế và không chuẩn mực. Tùy mức độ, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, hành vi đánh người sau khi va chạm giao thông có thể xem là hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác, có thể bị phạt tiền từ 5 triệu tới 8 triệu đồng, đồng thời buộc chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho người bị đánh.

Mặt khác, hành vi còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác, theo điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. 

Khi đó, khung hình phạt nhẹ nhất là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 6 tháng đến 3 năm, và cao nhất có thể lên tới chung thân.

Hoặc nhẹ hơn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng, nhẹ nhất là bị phạt tiền 5 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù 3 tháng đến 2 năm, cao hơn có thể tới 7 năm tù.

Pháp luật đã nghiêm, trường lớp cần giáo dục sâu sắc

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực trên đường phố. Luật pháp đã xử lý rất nhanh và rất nghiêm, được người dân ủng hộ.

Theo tôi, ngành giáo dục cũng nên tăng cường giảng dạy sâu sắc cách ứng xử văn minh, nhân ái nơi công cộng cũng như kỹ năng sống và đạo đức nói chung. Các giờ học này nên dạy các em nhận diện thế nào là hành vi sai trái đạo đức và vi phạm luật pháp, nhất là ở nơi công cộng.

Các em cũng cần học kỹ lưỡng thêm kỹ năng ứng xử đúng đắn, tránh hành vi sai trái, bùng nổ nghiêm trọng hơn.

Chính các em sẽ là người góp phần quan trọng nhất để thay đổi điều xấu, mặt trái của xã hội.

Bà NGUYỄN THỊ HƯỜNG (giáo viên hưu trí ở TP Thủ Đức)

Đừng làm gương xấu cho trẻ

* Người lớn chở theo trẻ con, chẳng may va quẹt giao thông thì vô tư chửi bới, đánh đập đối phương mà không để ý rằng con trẻ chứng kiến sẽ hoảng sợ, bị ảnh hưởng xấu. Theo anh, tình huống này, người lớn cần chú ý gì khi hành xử?

- Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Vương Nguyễn Toàn Thiện: Tất cả thái độ, lời nói và hành vi của người lớn là bài học sống động cho con em chúng ta. Khi trẻ nhỏ đi cùng, chẳng may xảy ra va chạm giao thông nhẹ, người lớn cần đặc biệt chú ý cách hành xử để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ.

Trẻ em thường nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng và bắt chước những hành vi và lời nói từ người lớn, đặc biệt trong những tình huống căng thẳng. Vì vậy, người lớn cần giữ bình tĩnh, tránh la hét, chửi bới hay có hành động bạo lực với đối phương.

Thay vào đó, cha mẹ cần thể hiện thái độ hòa nhã, giải quyết tình huống một cách văn minh và tôn trọng. Điều này giúp trẻ cảm thấy an tâm và là tấm gương giúp trẻ học bài học về cách đối mặt và xử lý xung đột phù hợp.

Ngoài ra, nếu trẻ có dấu hiệu hoảng sợ, người lớn nên trấn an trẻ ngay lập tức, giải thích đơn giản rằng va chạm chỉ là sự cố và sẽ được giải quyết ổn thỏa.

Thái độ bên ngoài và sự bình tĩnh, ổn định bên trong chúng ta là sự hỗ trợ lớn nhất dành cho trẻ dù trong tình huống nào. Từ đó góp phần hình thành nhân cách và thái độ ứng xử tích cực cho trẻ sau này.

Đừng đổ thừa căng thẳng, áp lực - Ảnh 4.Đánh người sau va chạm giao thông: Không thể giải quyết mâu thuẫn bằng nắm đấm

Các vụ đánh nhau trên đường chưa có dấu hiệu dừng lại. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng (từ ngày 9 đến 31-12-2024) có đến 7 người ở TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước vướng vào vòng lao lý mà nguyên nhân chỉ vì giải quyết mâu thuẫn nhỏ khi đi đường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp