Bài viết dẫn nguồn từ một trang mạng của Mỹ nói về một cuộc nghiên cứu trên 1.500 trẻ em từ 2-9 tuổi, kéo dài trong suốt bốn năm cho ra kết quả: “Những em bé không bị trừng phạt thân thể có chỉ số thông minh (IQ) trung bình cao hơn trẻ thường bị đánh đập từ 5-28 điểm”.
Đánh vào đâu bây giờ?
Theo phân tích từ bài viết, mô não nằm trong khoang sọ của hộp sọ và kết nối với cột sống con người. Nếu cha mẹ đánh quá nặng, quá nhanh, mông của trẻ sẽ bị tác động đột ngột. Lực đánh truyền qua cột sống có thể gây ra các biến dạng tổng thể của hộp sọ, gây thiệt hại cho thân não, ảnh hưởng đến trí tuệ của trẻ.
Thông tin nhanh chóng được chia sẻ qua các trang mạng xã hội Facebook, thu hút nhiều sự quan tâm, tranh cãi giữa các thành viên, đặc biệt là phía các bà mẹ.
Thông tin nhanh chóng được chia sẻ lan truyền qua các trang mạng xã hội Facebook |
Chị My (Q.Tân Bình, TP.HCM) tỏ ra rất bất ngờ khi tiếp nhận thông tin đánh vào mông trẻ sẽ ảnh hưởng đến trí thông minh của chúng.
Trước đây, khi con chị bị cô giáo đánh vào tay sưng đỏ, không cầm bát ăn cơm hay bút để vẽ được, chị đã rất giận cô giáo về việc này và cho rằng “nếu cô đánh vào mông thì chị còn có thể chấp nhận được”. Theo chị My, mông là phần mềm, dù có đau nhưng đánh vào đó sẽ gây ít tổn thương liên quan hơn những bộ phận khác trên cơ thể.
Việc đánh vào mông vốn là thói quen dạy dỗ con cái của rất nhiều gia đình Việt xưa nay. Trẻ nằm úp mặt xuống giường, ghế…, ba mẹ cầm roi quất vài cái vào mông con là hình ảnh không mấy xa lạ.
“Mỗi khi quá giận, không thể kiềm chế được, tôi cũng cho bé vài cái tát vào mông. Những cái tát đó có thể nhẹ nhưng cũng có lúc in hình năm ngón tay của tôi” - chị Linh (Q.Phú Nhuận) cho biết.
Mông và đùi là hai bộ phận chị Linh cho là “yên tâm” hơn nếu phải dùng đến đòn roi với con vì ở đó “có da có thịt” hơn, lại không gần với các cơ quan nội tạng của cơ thể.
“Tôi nghĩ việc đánh trẻ tàn bạo và thường xuyên mới ảnh hưởng, đánh có chừng mực để giáo dục sẽ không ảnh hưởng”, người mẹ này thổ lộ.
Thông tin trên thậm chí khiến nhiều người hoang mang vì nếu thật sự vậy thì giờ sẽ đánh vào đâu nếu muốn răn dạy con?
“Hai vợ chồng tôi đã cãi nhau nảy lửa vì việc đánh vào mông con làm mất thông minh. Chúng tôi cũng thường phạt con bằng cách đánh vào mông khi chúng không nghe lời. Nếu không đánh vào mông thì đánh vào đâu bây giờ?”, chị Thu Hương (Q.Bình Thạnh) đặt vấn đề.
Kết quả nghiên cứu không rõ ràng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ThS.BS Phạm Minh Triết - trưởng khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) - cho biết khi có một nghiên cứu như vậy thì người ta thường đưa ra một lý giải logic. Chẳng hạn ở đây là việc đánh vào mông sẽ tác động đến tủy sống, dẫn truyền đến não.
Tuy nhiên họ phải chứng minh được trong thực tế có xảy ra việc đánh mông sẽ gây hậu quả xấu lên não thì mới kết luận việc đánh vào mông sẽ giảm chỉ số IQ.
“Tôi thấy trong nghiên cứu này logic thì phù hợp nhưng không rõ ràng. Việc đánh có thể gây ra rối loạn hành vi, cũng có ảnh hưởng đến trí thông minh nhưng nhỏ, không ảnh hưởng rõ ràng. Việc lâu lâu đánh một lần khác hẳn với việc thường xuyên đánh, cường độ đánh cũng khác hẳn. Đánh vào mông phải ở một tần suất, một cường độ nhất định thì mới ảnh hưởng”, BS Triết cho biết.
Xuất phát từ thông tin trên, nhiều người đặt ra vấn đề có nên giáo dục con trẻ bằng cách đánh chúng hay không. BS Triết cho rằng văn hóa phương Đông khác biệt văn hóa phương Tây nên khó nói cách giáo dục nào là tốt nhất. Nó phụ thuộc vào cách chọn lựa của các bậc làm cha mẹ.
“Trong cách thức dạy con phổ biến của các gia đình châu Á, cha mẹ thường đặt mục tiêu cho con và đưa con theo mục tiêu đó. Trong khi đeo đuổi mục tiêu đó thì có la hét, đánh đập… Cái được là mục tiêu đạt được có thể cao, như học giỏi chẳng hạn. Tuy nhiên ở nhiều nước tiên tiến, họ không đặt nặng việc con cái phải học giỏi, nhưng người giỏi thì sẽ rất giỏi. Họ làm được vì họ ham thích chuyện đó”, BS Triết khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận