25/10/2015 09:09 GMT+7

Danh dự, bí mật cá nhân phải được bảo vệ

LÊ KIÊN (lekien@tuoitre.com.vn)
LÊ KIÊN ([email protected])

TT - "Phải quy định rất rõ các trường hợp được phép công bố thông tin bí mật đời tư" - đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh" nêu ý kiến.

Đại biểu Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) - Ảnh: Việt Dũng
Đại biểu Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) - Ảnh: Việt Dũng

Ngày 24-10, thảo luận lần cuối trước khi Quốc hội xem xét thông qua Bộ luật dân sự (sửa đổi) tại kỳ họp này, nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng đề nghị bổ sung các quy định chặt chẽ hơn để chấm dứt tình trạng xâm phạm bí mật đời tư, danh dự cá nhân diễn ra rất bức xúc hiện nay.

Điều 38 dự thảo bộ luật quy định việc thu thập, lưu giữ, sử dụng công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình phải được người đó và các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp việc thu thập, lưu giữ được công bố vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.

“Hiến pháp quy định một người chỉ có tội khi có bản án kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật, do đó không thể cứ tùy tiện sử dụng hình ảnh của nghi can, bị can, bị cáo, trừ trường hợp các đối tượng bị truy nã

Đại biểu Lê Minh Hiền (Khánh Hòa)

Có được công khai hình ảnh nghi can, bị can?

Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng trên thực tế nhiều trường hợp thu thập, lưu giữ, sử dụng, công bố công khai thông tin đời tư, bí mật gia đình không tuân thủ quy định của pháp luật mà chỉ căn cứ vào an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội... là chưa hợp lý.

“Để điều luật này được chặt chẽ, tôi đề nghị bổ sung cụm từ “theo luật định”, như vậy phải quy định rất rõ các trường hợp được phép công bố thông tin bí mật đời tư” - bà Minh nói.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng việc thu giữ, sử dụng, công khai thông tin về đời sống riêng tư phải được người đó và các thành viên trong gia đình đồng ý là không phù hợp.

“Nếu quy định như vậy sẽ dẫn đến xung đột trong gia đình bởi nó có thể xảy ra chuyện các thành viên gia đình thuê thám tử theo dõi, nắm bắt thông tin bí mật của nhau và như vậy cũng ảnh hưởng đến quyền tự do cá nhân.

Tôi nghĩ chỉ quy định thu giữ, sử dụng, công khai thông tin về đời sống cá nhân thì phải được người đó đồng ý, đối với người mất năng lực hành vi thì phải được các thành viên gia đình đồng ý” - ông Nghĩa bày tỏ.

Đại biểu Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) nêu vấn đề: có được chụp ảnh bị cáo tại phiên tòa không? Báo chí khi nào được đăng hình ảnh của bị cáo, bị can? Có nhiều ý kiến cho rằng báo chí đăng hình ảnh nghi can, bị can do tự chụp hoặc do cơ quan công an cung cấp là vi phạm nhân quyền.

Theo bà Hiền, Hiến pháp quy định một người chỉ có tội khi có bản án kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật, do đó không thể cứ tùy tiện sử dụng hình ảnh của nghi can, bị can, bị cáo, trừ trường hợp các đối tượng bị truy nã.

Dự thảo bộ luật cũng quy định việc sử dụng hình ảnh người đã chết, mất tích phải được sự đồng ý của thân nhân họ.

Người chuyển giới phải sống như “người vô hình”?

“Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của bộ luật này và luật khác có liên quan” - điều 37 dự thảo bộ luật viết.

Bình luận nội dung này, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nói: “Luật phải làm rõ có thừa nhận việc chuyển đổi giới tính hay không?

Dự thảo mới chỉ quy định việc chuyển đổi giới tính theo quy định của luật, vậy trong khi chưa có luật thì những người chuyển đổi giới tính làm thế nào?

Tôi cho rằng chúng ta nên thừa nhận quyền này trong một đạo luật cụ thể, trong khi Quốc hội chưa ban hành luật này thì những người chuyển đổi giới tính nếu yêu cầu tòa giải quyết quyền lợi của họ thì tòa không được từ chối”.

Đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An) đề nghị phải “xem xét vấn đề chuyển giới tính ở góc độ vừa là quyền con người vừa là thực tiễn xã hội đặt ra”.

Thực tế người chuyển giới ở nước ta ngày càng nhiều, là một vấn đề xã hội nhưng lại chưa được công nhận, chưa có quyền xác định lại giới tính, nên họ vẫn “phải sống ngoài vòng phủ sóng như người vô hình”.

Trong khi “bản thân người chuyển giới đã chịu khó khăn trong đời sống, việc làm, y tế, an sinh xã hội; bị chính gia đình và xã hội kỳ thị, trong khi các cơ chế hỗ trợ, nhất là hỗ trợ pháp lý, chưa thật sự hợp lý”.

Đa số ý kiến đại biểu đề nghị luật cần quy định rõ việc thừa nhận người chuyển đổi giới tính bởi đây là thực tế xã hội không chỉ ở VN mà có phạm vi thế giới.

“Nếu không công nhận thì tại sao lại thừa nhận cho người ta có quyền thay đổi hộ tịch? Một khi người ta có quyền thay đổi hộ tịch thì người ta cứ làm chui rồi yêu cầu Nhà nước thay đổi hộ tịch là xong. Vậy công nhận có lợi hơn hay không có lợi hơn?” - đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nêu vấn đề.

Chưa có luật, tòa vẫn phải xử?

Trình bày báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết: Tham khảo kinh nghiệm thế giới cho thấy ngay ở những nước có nền pháp lý phát triển thì hệ thống luật thành văn cũng không thể bao quát hết mọi tình huống phát sinh trong xã hội.

Vì vậy việc quy định cho phép áp dụng tập quán, tương tự pháp luật và lẽ công bằng trong Bộ luật dân sự là cần thiết. Để áp dụng cơ chế này, trước hết phải tin tưởng và giao cho thẩm phán áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, lẽ công bằng trong xét xử.

Không đồng tình, đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) cho rằng pháp luật đã chứa tập quán tốt đẹp và lẽ công bằng, trong khi nguyên tắc thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật đã được khẳng định, do đó tòa không thể giải quyết khi không có điều luật áp dụng.

Hơn nữa, nếu pháp luật chưa rõ, còn cách hiểu khác nhau thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền và trách nhiệm phải giải thích.

Lập luận ngược lại, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nêu ví dụ: “Một người nhìn vợ người khác đắm đuối quá, bị chồng người ta kiện ra tòa thì tòa có giải quyết không?

Có người nói rằng không việc gì tòa phải giải quyết vì có ai cấm nhìn đâu. Nhưng có người khác lại đặt ra vấn đề: nếu tòa không giải quyết, cái anh đi kiện về nhà bực lên đâm chết người nhìn vợ mình thì hậu quả rất nghiêm trọng. Nếu tòa thụ lý, giải quyết, giải thích để người ta hiểu, hòa giải được thì xã hội yên ổn”.

LÊ KIÊN ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp