20/06/2024 10:06 GMT+7

Đánh đổi sức khỏe khi làm ca đêm

Do đặc thù công việc trong các khu công nghiệp, nhiều công nhân buộc phải luân phiên làm ca đêm. Ban đầu họ có vẻ vẫn ổn cho đến khi sức khỏe báo động với nhiều dấu hiệu bất thường thì họ mới nhận ra tác hại của việc thường xuyên thức đêm.

Nhiều công ty đã tăng cường làm ca ngày, hạn chế ca đêm và có thêm các chế độ phụ cấp, bữa ăn khuya để chăm sóc sức khỏe cho người lao động - Ảnh: A LỘC - CÔNG TRIỆU

Nhiều công ty đã tăng cường làm ca ngày, hạn chế ca đêm và có thêm các chế độ phụ cấp, bữa ăn khuya để chăm sóc sức khỏe cho người lao động - Ảnh: A LỘC - CÔNG TRIỆU

Để trang trải cuộc sống, chị Minh Hương (33 tuổi, Đắk Nông) đến TP.HCM mưu sinh. Được bạn bè giới thiệu, chị Hương nộp hồ sơ xin vào làm việc tại một công ty điện tử trong Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức) với mức lương gần 7 triệu đồng/tháng.

Công việc không đòi hỏi bằng cấp và chuyên môn, tuy nhiên yêu cầu bắt buộc công nhân phải làm xoay ca, mỗi tuần đổi một lần giữa các ca như ca 1 (6h-14h), ca 2 (14h-22h) và ca 3 (22h-6h).

Công việc phải luân phiên làm ca đêm

Công việc suôn sẻ vào hai tuần đầu tiên, cho đến khi chị Hương bắt đầu xoay vào ca 3 (từ 22h đêm đến 6h sáng hôm sau). Do chưa quen với việc thức đêm nên chị Hương đã gặp phải nhiều khó khăn khi thức khuya làm việc, nhưng đây là quy định bắt buộc, người lao động không có sự lựa chọn.

"Để chống lại với cơn buồn ngủ vào ban đêm, tôi thường uống cà phê, nhai kẹo cao su, rửa mặt với nước lạnh nhưng vẫn không xi nhê. Ra ca, trở về nhà nghỉ ngơi, ánh sáng ban ngày khiến tôi khó ngủ sâu như ban đêm, nếu ngủ được cũng chỉ chập chờn.

Chỉ sau một thời gian ngắn, tôi nhận thấy cơ thể mình xuống rõ rệt, mặt bắt đầu nổi mụn, người uể oải và luôn mệt mỏi, không tập trung được.

Có tháng phải làm triền miên 12 giờ/ngày, ca ngày tràn qua ca đêm khiến tinh thần tôi luôn căng thẳng!", chị Hương kể.

Mức phụ cấp mà chị Hương nhận được cho mỗi ca làm việc xuyên đêm là hơn 100.000 đồng. Theo chị, đây đã là mức cao so với nhiều công ty khác cùng lĩnh vực. Bên cạnh đó, nhiều lao động nữ mang thai, nếu chưa đến tháng thứ 7 thai kỳ thì vẫn phải luân phiên ca đêm như những người khác.

Chồng chị Hương hiện đang làm cho một công ty sản xuất bê tông tại TP Thủ Đức. Việc anh phải thường làm cả đêm, thậm chí ca đêm "bên bển" còn kéo dài hơn so với các công ty sản xuất nhưng phụ cấp cũng không được bao nhiêu.

"Ai cũng biết việc thức đêm thường xuyên hại sức khỏe, nhưng vì gánh nặng cơm áo nên phải chấp nhận. Công việc của người ta như vậy rồi, mình không thể lựa chọn hay chê bai được", chị Hương nói.

Bên cạnh đó, nhiều công ty sản xuất đặc thù buộc phải tổ chức cho công nhân làm ca đêm để tối ưu chi phí vận hành thiết bị.

Anh Nguyễn Bình (33 tuổi, nhân viên vận hành ở quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết: "Một số dây chuyền sản xuất đặc thù, khi ngừng máy lại rồi mở lên mỗi ngày thì không những chi phí vận hành rất tốn kém mà còn không đảm bảo được tiến độ sản xuất, chất lượng sản phẩm".

Đặc biệt là trong công nghiệp thực phẩm, mỗi dây chuyền có một nhiệm vụ khác nhau nhưng liên quan mật thiết với nhau trong từng công đoạn, vì thế nhiều việc sản xuất phải liên tục 24/24, không được gián đoạn.

Hàng loạt hệ lụy với sức khỏe

Khi chu kỳ sinh học bị đảo lộn, cơ thể gặp nhiều khó khăn để thích ứng và nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn, thường gặp nhất là rối loạn giấc ngủ.

Anh Trần Hữu Phong (34 tuổi, thị xã Lái Thiêu, Bình Dương) là nhân viên kiểm soát chất lượng, làm việc tại Khu công nghiệp VSIP I, thường phải làm việc ca 3 (từ 22h đến 6h sáng) khiến anh luôn mệt mỏi, thiếu ngủ và tinh thần không tỉnh táo.

"Tôi đã làm việc này 6 năm, mỗi tháng một tuần làm ca đêm, thời gian đủ dài để tôi nhận thấy dấu hiệu cảnh báo sức khỏe đang xuống. Ngoài thiếu ngủ, cơ thể tôi cũng suy nhược do ăn uống thất thường và không đủ thời gian để ngủ bù, tái tạo sức lao động", anh Phong chia sẻ.

Ngoài sử dụng nhiều cà phê, nước tăng lực để tăng độ tỉnh táo ban đêm, anh Phong thú nhận gần đây anh thậm chí phải dùng đến thuốc lá.

Tương tự, trường hợp anh Đinh Thành Luân (37 tuổi, TP Biên Hòa, Đồng Nai) cũng thừa nhận mình đã mất cơ thể khỏe mạnh, cường tráng sau hơn 7 năm làm việc bảo trì, vận hành cho một công ty về công nghiệp thực phẩm.

"Lúc trước tôi thường xuyên tập thể thao, tự nấu ăn ở nhà để đảm bảo dinh dưỡng, thậm chí chưa từng thức khuya đến 23h. Nhưng khi chuyển làm ca đêm là chủ yếu, tôi gần như đã phải thay đổi hoàn toàn thói quen sinh hoạt, thậm chí các sở thích cá nhân vào ban ngày tôi cũng gác lại, chỉ để ngủ bù những đêm thức trắng", anh Luân bộc bạch.

Hiện anh Luân đã nộp đơn xin nghỉ việc để tập trung nghỉ ngơi, điều trị một số căn bệnh như béo phì, tăng huyết áp và tiểu đường. Anh cũng cho biết mình đang cố gắng tập lại thói quen sinh hoạt điều độ, ăn đúng bữa, ngủ đúng giờ. Sau khi hồi phục dần, anh sẽ tìm việc làm ban ngày để có thể đảm bảo sức khỏe hơn…

Ngoài các vấn đề liên quan đến sức khỏe, tình trạng tai nạn lao động, tai nạn giao thông dễ xảy ra khi người lao động điều khiển máy móc, phương tiện trong trạng thái tinh thần không đủ minh mẫn như ban ngày.

Điều này cũng chính một số chủ doanh nghiệp quan tâm. "Khi công nhân làm ca đêm, tôi luôn nhắc nhở việc tuân thủ quy định an toàn và cử nhân viên phụ trách giám sát kỹ. Ngoài thêm phụ cấp làm đêm, công ty cũng lo bữa ăn khuya và nước uống đảm bảo sức khỏe cho công nhân" - ông T.Q.V., giám đốc một công ty sản xuất bao bì ở Long An, cho biết.

Người làm ca đêm cần bù đắp giấc ngủ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, trưởng khoa nội thần kinh Bệnh viện Quân y 175, cho biết:

"Làm ca đêm có thể gây rối loạn chu kỳ sinh học ngủ thức tự nhiên 24 giờ mà cơ thể tuân theo. Từ đó ảnh hưởng đến não bộ và khả năng tư duy, gây khó khăn trong việc học hỏi, ghi nhớ, sáng tạo và giải quyết vấn đề.

Đặc biệt là tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer - một bệnh lý thoái hóa thần kinh thường gặp khi cơ thể bắt đầu lão hóa".

Bác sĩ Nghĩa khuyến cáo những người phải làm việc ca đêm cần tạo một môi trường thích hợp để bù đắp lại giấc ngủ.

Cố gắng duy trì một khung thời gian đi ngủ đều đặn, hạn chế đi ngủ ở các khung giờ khác nhau giữa các ngày. Đồng thời nên có nhiều biện pháp để đảm bảo không gian ngủ được yên tĩnh như dùng rèm cửa, mặt nạ ngủ, tai nghe chống ồn để cản ánh sáng và tiếng ồn.

Tương tự những người làm việc ngày, khi làm việc ca đêm cơ thể cũng cần ngủ 7 - 8 giờ mỗi ngày, tránh ngủ quá nhiều hoặc quá ít. Trong lúc làm việc ca đêm, bất kỳ khi nào có thể cũng nên tranh thủ để có một giấc ngủ ngắn để giúp cơ thể được nghỉ ngơi phù hợp.

Đổi sức khỏe được bao nhiêu?

Thực tế khi phân ca làm việc cho người lao động, doanh nghiệp thường phân thành ca ngày và ca đêm. Ca ngày bắt đầu từ 6h đến 18h, ca đêm trong khung giờ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau.

Tuy nhiên, phụ cấp và các chế độ ca đêm chỉ được tính cho thời gian làm việc từ 22h trở đi cho đến 6h sáng hôm sau. Mức trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương của ngày làm việc bình thường, một số cách tính phụ cấp làm việc ban đêm khác tuân thủ theo các quy định của pháp luật về tiền lương.

Theo tìm hiểu, nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện, lắp ráp điện tử tại TP.HCM tổ chức cho công nhân làm việc theo ca, mỗi ca tối đa 12 tiếng liên tục, tiền lương 382.000 đồng/ca ngày và 437.000 đồng/ca đêm.

Các công ty sản xuất khác trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương thường có mức phụ cấp thêm đối với ca đêm từ 50.000 - 105.000 đồng/ca, ngoài mức lương cơ bản được thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

Nhọc nhằn làm ca đêmNhọc nhằn làm ca đêm

TTO - Đêm đến. Khi mà phần lớn mọi người chìm trong giấc ngủ bình yên thì vẫn có những người quần quật làm việc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp