03/10/2016 11:53 GMT+7

Dâng trào cảm xúc 
với chú chó Trường Sa

TR.TÂN - DOÃN HÒA
TR.TÂN - DOÃN HÒA

TTO - “Chú chó ở Trường Sa và bài thơ làm “cay mắt” nhiều người” đăng trên Tuổi Trẻ Online ngày 11-8 đã nhận được hàng trăm lời bình luận xúc động từ bạn đọc về tình cảm thắm thiết của những người lính và các chú chó ở Trường Sa.

Ảnh: LÊ BÁ DƯƠNG
Ảnh: LÊ BÁ DƯƠNG

Và giải thưởng Bạn đọc làm báo cùng Tuổi Trẻ tháng 8-2016 đã được trân trọng trao đến tác giả bài thơ - ông Hoàng Hải Lý (Trường sĩ quan Không quân Nha Trang, Khánh Hòa) và tác giả bức ảnh - cựu chiến binh Lê Bá Dương (TP Nha Trang).

Từ cảm xúc của người lính

Bài thơ Bơi vào đi của ông Hoàng Hải Lý lấy cảm xúc từ bức ảnh của cựu chiến binh Thành cổ Quảng Trị Lê Bá Dương chụp chú chó Trường Sa từ đảo bơi theo tàu, thể hiện sự quyến luyến với người chiến sĩ hết thời gian quân ngũ và trở vào bờ.

Ông Lý nói: “Bài thơ này cũng là cảm xúc của nhiều người lính”.

Ông kể mình là sĩ quan huấn luyện tại Trường sĩ quan Không quân Nha Trang nên có điều kiện tiếp xúc với hàng ngàn cán bộ chiến sĩ từng làm nhiệm vụ ở quần đảo quê hương, lắng nghe cảm xúc của họ.

“Hơn nữa tôi cũng là một người lính, cũng có những cung bậc cảm xúc mà các chiến sĩ, sĩ quan cảm nhận ở những vùng đất, vùng biển quê hương. Là một người lính mê thơ, khi thấy tấm hình của anh Lê Bá Dương, cảm xúc tôi dâng trào và làm rất nhanh bài thơ này” - ông Lý chia sẻ.

Ông Lý cho biết mình và ông Dương là bạn bè trên Facebook và ở ngoài đời vẫn thường gặp nhau “làm vài ly tâm sự”.

Khi nhìn thấy hình ảnh chú chó từ đảo bơi theo tàu mà ông Dương chụp, ông Lý nghĩ ngay đến hình ảnh thân thương của những tháng ngày “đứng gác chung” nơi đầu sóng ngọn gió. Những chú chó ở Trường Sa như đồng đội, như người bạn tâm tình của lính và cũng như con người, chú chó ở Trường Sa khi chia tay “đồng đội cũ” cũng quyến luyến, bịn rịn.

Với cựu chiến binh Lê Bá Dương, một người lính kỳ cựu có nhiều dịp đi Trường Sa và thích chụp ảnh, bức ảnh chú chó bơi theo tàu đã được chụp trong một hoàn cảnh rất tình cờ nhưng nhiều cảm xúc. “Khi chúng tôi chuẩn bị rời đi thì thấy hai chú chó bơi theo từ đảo, tôi bấm máy để ghi lại khoảnh khắc ấy và đăng trên Facebook của mình, ghi lại một tình cảm đẹp ở Trường Sa. Tấm hình càng thêm nhiều cảm xúc sau bài thơ của anh Lý. Tình cảm giữa người lính và những chú chó Trường Sa đã được nâng thêm một cung bậc cảm xúc khác” - ông Dương nói.

“Thấy không công bằng cho các bé, tôi gọi Tuổi Trẻ

Anh Vũ Minh Lĩnh (xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) chia sẻ như vậy khi nhận giải thưởng Bạn đọc làm báo cùng Tuổi Trẻ tháng 8-2016. Từ cuộc điện thoại báo tin của anh Lĩnh, câu chuyện “Con thứ ba không được đến trường mầm non” xảy ra ở xã Quỳnh Tân đã được phản ánh trên Tuổi Trẻ Online ngày 19-8.

Anh Lĩnh kể khi chuẩn bị bước vào năm học 2016-2017, nhiều phụ huynh xôn xao trước việc xã và Trường mầm non Quỳnh Tân thông báo tuyển sinh các bé vào học trường mầm non với một số quy định “oái ăm”. Do thiếu trường lớp, địa phương này xét tuyển dựa vào việc gia đình sinh con trong hay ngoài kế hoạch và nhiều trẻ là con thứ ba đã không được đến trường. “Trẻ sinh trong hay ngoài kế hoạch đều có quyền được đi học, được đến trường theo quyền của trẻ em. Trẻ em không có lỗi, nếu do quy mô trường lớp không đáp ứng được thì chính quyền địa phương và các ngành chức năng phải có dự báo, giải pháp để trẻ được đến trường. Tôi thấy không công bằng với các bé nên gọi điện thông tin cho Tuổi Trẻ” - anh Lĩnh nói.

Anh Lĩnh cho biết rất vui vì Tuổi Trẻ phản ánh nhanh câu chuyện này. Sau khi báo đăng, Phòng GD-ĐT huyện Quỳnh Lưu đã kiểm tra và làm công văn đề xuất Sở GD-ĐT Nghệ An hỗ trợ 50 triệu đồng cho mở thêm hai lớp tại nhà văn hóa ở Quỳnh Tân, đảm bảo cho trẻ là con thứ ba được đến trường mầm non. “Bà con rất vui vì đến nay con em họ đã được đến trường học tập, vui chơi, đảm bảo quyền lợi như những trẻ khác. Báo Tuổi Trẻ như là cầu nối những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân chúng tôi đến chính quyền địa phương” - anh Lĩnh bày tỏ.

Báo tin để chặn lừa đảo

“Với suy nghĩ báo Tuổi Trẻ là tờ báo uy tín nên tôi đã chủ động thông tin vụ mình bị lừa mất tiền cho Tuổi Trẻ biết để nhắc mọi người cảnh giác” - bác sĩ P.T.H. (Q5, TP.HCM) đã tâm sự như vậy khi nhận giải thưởng Bạn đọc làm báo cùng Tuổi Trẻ tháng 8-2016 nhờ cung cấp tin “Lộ chiêu thức lừa lấy mã OTP” (Tuổi Trẻ ngày 16-8).

Bác sĩ H. cho biết thêm: “Khi xảy ra sự việc, tôi đã chủ động liên hệ với ngân hàng, họ cũng đã làm việc với tôi và cuối cùng họ đã đồng ý ứng trước số tiền bị mất (26,4 triệu đồng) cho tôi trong khi đợi kết quả của công an điều tra. Bạn bè tôi cũng có người bị lừa giống tôi nhưng họ lúng túng không biết xử lý thế nào.

Tôi cho rằng các chủ tài khoản ngân hàng ngoài việc nâng cao cảnh giác thì khi gặp sự cố cũng cần phải có những kiến thức cơ bản để không rơi vào thế bị động, đồng thời biết cách chủ động nhờ các cơ quan chức năng hỗ trợ”. Bác sĩ H. cũng bày tỏ mong muốn sự hợp tác xử lý vụ việc nhanh chóng của các bên liên quan vì nếu có sự can thiệp sớm thì chắc sẽ không có những nạn nhân tiếp theo.Đỗ Quyên

TR.TÂN - DOÃN HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp