21/09/2019 12:43 GMT+7

Đáng sợ 'chiến tranh tự động'

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Hàng tỉ đôla Saudi Arabia đổ vào hệ thống phòng không hiện đại đã không thể bảo vệ nhà máy lọc dầu khỏi đợt không kích của thiết bị bay không người lái (drone) và tên lửa hành trình tầm thấp.

Đáng sợ chiến tranh tự động - Ảnh 1.

Một khẩu súng lắp bộ phận chống thiết bị bay DroneDefender đang được quân đội Mỹ sử dụng - Ảnh: Battelle

Có một thực tế khiến các chuyên gia quân sự lo ngại liên quan đến sự kiện nhà máy lọc dầu Aramco của Saudi Arabia bị tấn công: số tên lửa hành trình được dùng là các phiên bản cải tiến của một thiết kế Liên Xô thời thập niên 1970, và dàn drone cũng chỉ là "đồ chơi nhà nghèo" dù đã được nâng cấp.

Nói cách khác, 5% nguồn cung dầu thô của thế giới bị cắt đứt chỉ trong một ngày bởi số vũ khí đáng giá chưa đến vài triệu đôla. Từ đây bắt đầu lộ diện một vấn đề lớn hơn: kỷ nguyên chiến tranh tự động là thách thức khổng lồ đối với tất cả các quốc gia, chứ không chỉ riêng Saudi Arabia.

“Nghịch lý kỳ lạ của chiến tranh hiện đại là “thấp, chậm và nhỏ” gây nguy hiểm còn hơn các hệ thống tối tân. Saudi Arabia là nước đầu tiên chứng kiến sức tàn phá ghê gớm của nó.

Nhà báo Tim Lister của Đài CNN

Phòng không hiện đại bị vô hiệu

Theo Đài CNN, một nguồn tin gần với cuộc điều tra hỗn hợp Mỹ - Saudi tiết lộ số tên lửa hành trình trong vụ không kích hai nhà máy Abqaiq-Khurais ngày 14-9 được triển khai ở độ cao rất thấp nhằm tránh không phận vịnh Ba Tư - nơi các hệ thống radar của Mỹ và Saudi Arabia hoạt động mạnh nhất.

Saudi Arabia sở hữu 6 tiểu đoàn tên lửa phòng không Patriot do Mỹ chế tạo, nhưng hình ảnh vệ tinh cho thấy vào thời điểm đó chúng được điều động để bảo vệ khu vực phía đông Saudi, về hướng Iran và Yemen.

Theo chuyên gia Jeremy Binnie thuộc tạp chí quốc phòng Jane’s Defence, Saudi Arabia có mua một hệ thống của Đức chuyên đối phó với các cuộc tấn công tầm ngắn gọi là Skyguard, và họ triển khai ít nhất một đơn vị Skyguard ở Abqaiq hôm 14-9. 

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là hệ thống phòng không ở Abqaiq được thiết kế để ngăn chặn một cuộc tấn công của máy bay có người lái, không phải drone.

"Radar sẽ chật vật để xác định vật thể bay trên nền phức tạp của địa hình. Khoảng cách để radar phát hiện drone hoặc tên lửa kích thước nhỏ gần hơn nhiều so với máy bay bình thường. Thời gian cảnh báo rất ngắn - trường hợp phát hiện được, số drone chỉ xuất hiện trên màn hình chừng 2 phút trước khi va chạm" - ông Michael Duitsman, chuyên gia quân sự thuộc Trung tâm James Martin (California, Mỹ), mô tả.

Còn theo nhà nghiên cứu Justin Bronk (Viện Hoàng gia United Services, London, Anh), phạm vi bảo vệ của các hệ thống như Skyguard có giới hạn, và nó dễ dàng bị áp đảo nếu một bầy drone xuất hiện cùng lúc từ nhiều hướng kiểu chiến thuật "ruồi bu". Đây cũng là một kịch bản chiến tranh tương lai đã được các chuyên gia cảnh báo từ nhiều năm qua.

"Chi phí cho một cuộc tấn công như vậy rất rẻ, đồng nghĩa Saudi Arabia (hay bất cứ quốc gia nào) phải chi nhiều tiền hơn (kẻ thù) để phòng vệ. Như vậy, hầu như không ai có khả năng phòng thủ tuyệt đối trước các cuộc tấn công kiểu đó" - chuyên gia Bronk bình luận.

Chiếc hộp Pandora

Nhà báo Tim Lister của CNN ví von rằng kỷ nguyên chiến tranh bằng máy bay không người lái đã mở ra một chiếc hộp Pandora đầy rủi ro. Ngày nay, chi phí chế tạo drone đã trở nên rất rẻ, chúng có thể mang theo một lượng chất nổ nhỏ, tầm hoạt động và độ chính xác cũng gia tăng.

Nhờ ưu thế đó, drone là món đồ chơi ưa thích của bọn khủng bố. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) từng điều khiển hàng chục con drone để phá hủy xe bọc thép của quân đội Iraq trong trận chiến giành thành phố Mosul năm 2016. 

Tháng 1-2018, Nga thông báo các nhóm nổi dậy đã phóng 13 con drone vào căn cứ không quân của nước này ở Syria, mỗi chiếc cõng theo 10 quả bom nhỏ nhồi khoảng 0,5kg thuốc nổ cực mạnh.

Trước nguy cơ drone, quân đội Mỹ những năm gần đây đã tăng cường triển khai tên lửa đất đối không Stinger trong các đơn vị bộ binh. Họ tổ chức hẳn cuộc tập trận Black Dart chuyên đối phó với drone, vận dụng đủ loại phương tiện từ súng, laser cho đến các thiết bị điện tử.

Chuyên gia Binnie của Jane’s Defence dự báo cú sốc sau vụ tấn công ngày 14-9 sẽ khiến Saudi Arabia tiếp tục đổ tiền vào thị trường vũ khí. "Nếu như trước đây họ tập trung phòng thủ tên lửa đạn đạo, bây giờ người Saudi cần thứ gì đó để bảo vệ trước tên lửa hành trình" - ông nhận xét.

Saudi Arabia tiết lộ quy mô thiệt hại nặng từ loạt tấn công cơ sở lọc dầu Saudi Arabia tiết lộ quy mô thiệt hại nặng từ loạt tấn công cơ sở lọc dầu

TTO - Cơ sở lọc dầu tại Abqaiq bị tấn công 18 lần trong khi giếng dầu tại Khurais gần đó bị 4 lần. Hỏa lực từ các vũ khí tấn công đã làm phát sinh nhiều vụ nổ và khói lửa bốc cao ngùn ngụt suốt nhiều giờ...

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp