Phóng to |
Ông Nguyễn Viết Chức - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Ông Nguyễn Viết Chức nói: “Đây là một nỗi đau! Có cái đau nhìn thấy ngay là người chết, và có cái đau sâu xa hơn về một hiện tượng xã hội. Trộm cướp là vi phạm pháp luật, nhưng một bộ phận dân địa phương trong lúc quá khích mà đánh tử vong người đi ăn trộm thì cũng không còn pháp luật gì nữa. Tại sao những năm gần đây xã hội lại nảy sinh hiện tượng như vậy? Có phải chỉ do kinh tế khó khăn? Tôi không nghĩ như vậy. Trước đây chúng ta nghèo hơn nhưng cuộc sống sau lũy tre làng vẫn bình yên”.
* Như báo Tuổi Trẻ đã phản ánh, nỗi lo trộm chó diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước, từ Bắc Ninh đến Thanh Hóa, Nghệ An vào đến Tiền Giang, Long An...?
"Nơi này nơi khác xảy ra hiện tượng trộm chó như vậy liệu ông chủ tịch xã có biết không? Để đến mức bạo lực tự phát như vậy, trước hết lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm trước dân." |
- Đằng sau hiện tượng trộm chó là nỗi lo bất an xã hội và nỗi lo này đã lan rộng. Bất an ở chỗ con chó là vật nuôi gần gũi trong gia đình, dân ta có thói quen nuôi chó để giữ nhà, thế mà con vật chống trộm lại bị trộm. Hôm nay mất chó ngày mai còn mất gì nữa? Cuộc sống hằng ngày của người dân là những gì rất cụ thể, bữa cơm, tấm áo, những tài sản do chắt chiu từ mồ hôi nước mắt mà có. Không phải ở đâu trên nước ta cũng xảy ra nạn trộm cướp lộng hành, nhưng địa bàn nào có thì rõ ràng nỗi lo lắng sẽ gặm nhấm, thậm chí lấn át bình yên trong cuộc sống người dân. Và sự bất an còn đến từ hiện tượng bạo lực tự phát mà theo tôi là rất đáng báo động.
* Ông nhìn nhận câu chuyện trộm chó thế nào, với tư cách là một nhà nghiên cứu văn hóa?
- Tôi cứ hình dung xa xôi thế này, trong thế giới phẳng bây giờ mà người nước ngoài nghe nói đến chuyện trộm chó ở ta thì họ sẽ nghĩ gì? Từ xa xôi nghĩ lại thì truyền thống văn hóa dân tộc ta đâu có chỗ cho những hiện tượng “mạng chó đổi mạng người” như vậy. Phải chăng lâu nay chúng ta phần nào mải mê chạy theo những giá trị khác, mà chưa chăm lo đầy đủ đến việc xây dựng một nền tảng văn hóa để giữ đời sống xã hội bình yên trước biến động thời cuộc.
* Vậy cần làm gì để chăm lo xây dựng nền tảng văn hóa, thưa ông?
- Có rất nhiều việc mà không thể một lúc nói hết được. Nhưng cụ thể ở đây tôi thấy có hai việc. Trước hết là ở đâu cũng có chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, nơi này nơi khác xảy ra hiện tượng trộm chó như vậy liệu ông chủ tịch xã có biết? Chỉ có những người sống trên mây mới không biết chuyện gì đang diễn ra ở làng xã mình, nhưng biết là một chuyện, còn văn hóa trách nhiệm của nhà quản lý lại là chuyện khác. Để đến mức bạo lực tự phát như vậy trước hết lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm trước dân. Hôm nay (23-6), tôi vừa đọc bản tin về việc “Bí thư Hội An bắt cướp trong lễ hội” trên báo Tuổi Trẻ. Nếu ở đâu cũng có người lãnh đạo như vậy thì chắc là bộ máy bên dưới phải vận hành trách nhiệm hơn. Một trong những điều quan trọng của văn hóa lãnh đạo là văn hóa nêu gương và văn hóa trách nhiệm, để làm sao người dân nhìn vào người lãnh đạo và nhìn vào bộ máy thì họ có niềm tin là quyền lợi chính đáng và hợp pháp của họ sẽ được bảo vệ, được chăm lo.
Một vấn đề nữa đặt ra là văn hóa tổ chức đời sống cộng đồng. Chúng ta có rất nhiều phong trào, rất nhiều tiêu chí xây dựng đời sống văn hóa. Tôi không phủ nhận những mặt được của các phong trào đó. Tuy nhiên chúng ta nỗ lực để thống kê cuối năm có bao nhiêu gia đình văn hóa, bao nhiêu làng văn hóa và nhìn vào tỉ lệ 80-90% rồi yên tâm hay sao? Suy cho cùng, các phong trào là để xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng cho tốt hơn. Khi mà xóm này bức xúc chuyện nhậu nhẹt rượu chè của các ông, làng kia nổi lên tình trạng đánh lô đề cờ bạc trái phép, xã nọ có vấn nạn trộm chó... thì không nên và không thể có khuôn mẫu chung cho tất cả làng xã trên cả nước.
* Ông muốn nói rằng các phong trào văn hóa chỉ thật sự đi vào đời sống khi gắn với thực tế và giải quyết được cho người dân vấn đề cụ thể của họ?
- Đúng vậy. Cái trục gia đình - làng - nước là một cấu trúc bền vững đời này qua đời khác đã hình thành nên đất nước và văn hóa VN, đừng để trong cấu trúc đó một mắt xích nào bị yếu đi. Chăm lo cho sự bình yên nơi làng xóm là góp phần củng cố cấu trúc này. Đừng quên cha ông ta ngày xưa đã nói rằng “đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ”.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận