Ảrập Saudi liệu có đủ sức đùa với giá dầu? - Ảnh: Business Week |
Mỹ đang trên đường trở thành nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới vào năm 2015 và Washington hay Wall Street không ngại gán cho xứ cờ hoa cái tên “Ảrập Saudi mới”. Nhưng Ảrập Saudi chính sẽ không từ bỏ vai trò nước có tác động lớn đến giá dầu thế giới.
OPEC có kích hoạt một cuộc chiến giá?
“Ảrập Saudi là nước duy nhất tiếp tục bơm nhiều dầu hơn vào thị trường khi họ muốn và cũng chỉ cắt giảm khi họ muốn", ông Edward Chow - thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế nhận xét.
Ảrập Saudi cũng là thành viên quyền lực nhất trong OPEC - khối nước xuất khẩu dầu đang phải liên tục cạnh tranh với sản lượng của Nga, Mỹ và Canada.
Trong tháng 9, dù nguồn cung dầu toàn cầu đã quá dư thừa vì kinh tế Trung Quốc giảm tốc và sự phát triển trong ngành sản xuất dầu của Mỹ, nhưng Ảrập Saudi vẫn tăng sản lượng 0,5% lên 9,6 triệu thùng dầu/ngày, đưa tổng sản lượng của OPEC chạm trần 11 tháng với 31 triệu thùng/ngày.
Đến ngày 1-10, Ảrập Saudi đẩy giá xuống bằng cách tăng cường hạ giá cho các khách hàng lớn ở châu Á. Có thể chỉ đơn giản cắt sản lượng để bảo vệ giá cao hơn, nhưng không! Thay vào đó, Ảrập Saudi phát đi tín hiệu mạnh mẽ rằng sẽ kiên quyết bảo vệ thị phần của mình, nhất là ở Ấn Độ và Trung Quốc, trước các đối thủ Nga, Mỹ Latinh và châu Phi.
Các thông tin liên tiếp đổ về chứng tỏ dầu đang sa lầy vào thị trường giảm: dầu Brent rớt từ 115,71 USD/thùng ngày 19-6 còn 82,60 USD/thùng vào ngày 16-10 - mức thấp nhất trong gần 4 năm, khi các nhà đầu tư bắt đầu nhận ra rằng các nước xuất khẩu lớn nhất "kình" nhau không chịu giảm sản lượng.
Hôm 2-10, giám đốc nghiên cứu hàng hóa Eugen Weinberg tại Commerzbank nói rằng: "OPEC có vẻ đang kích hoạt một cuộc chiến giá".
Điểm hòa vốn của Mỹ: vẫn là một bí ẩn
Dầu xuất khẩu đem lại 85% trong doanh thu chính của chính phủ Ảrập, và Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính vương quốc này cần giá trung bình ít nhất là 83,60 USD/thùng mới cân bằng được ngân sách quốc gia. Giá dầu Brent năm 2014 trung bình là 106 USD/thùng - vẫn cao hơn hẳn điểm hòa vốn của Ảrập Saudi.
Một nhà ngoại giao nước ngoài (dấu tên) tại Riyadh cho rằng nếu như Saudi thoải mái nhất với mức 100 USD/thùng, thì giá hiện tại cũng không có gì đáng lo lắng nhờ vị thế tài chính mạnh mẽ của họ.
Goldman Sachs ước tính mỗi 10% giá giảm sẽ tăng 0,15% tiêu thụ trong nền kinh tế toàn cầu, tương đương thêm 500.000 thùng/ngày. Tình hình dầu giảm giá 20% so với mức trung bình 3 năm qua có ý nghĩa tương tự gói kích thích 1.100 tỉ USD vào kinh tế thế giới, theo Citigroup.
Câu hỏi không lời đáp lúc này là việc duy trì giá dầu rẻ có làm tổn thương quả bom dầu từ đá phiến của Mỹ hay không. Chi phí quá trình chiết xuất dầu từ đá phiến dưới lòng biển sâu sử dụng công nghệ bẻ gãy bằng thủy lực và khoan ngang từ 50-100 USD/thùng, so với chi phí bơm của Trung Đông và Bắc Phi là 10-25 USD/thùng.
Điểm hòa vốn của Mỹ vẫn là một bí ẩn đối với giới phân tích. Dù vậy, IEA cho biết chỉ 4% trong sản lượng dầu đá phiến của Mỹ cần giá trên 80 USD/thùng, trong khi giới phân tích cho là khoảng 1/3. Dầu đá phiến chiếm 55% trong tổng sản lượng của Mỹ.
Giếng đá phiến sẽ cạn nhanh hơn giếng dầu thông thường, do đó các nhà khoan Mỹ phải tìm đủ nguồn tài nguyên đà phiến để thay thế lượng tiêu thụ 1,8 triệu thùng/ngày.
Chính sách kích hoạt cuộc chiến giá dầu của Ảrập Saudi đã làm tổn thương các thành viên yếu thế hơn trong OPEC. Iran - quốc gia còn bị giới hạn xuất khẩu do hình phạt từ phương Tây - cần giá dầu 153,4 USD/thùng để cân bằng. Venezuela cũng đang kêu gọi một cuộc họp khẩn OPEC để bàn việc tăng giá, nhưng vẫn bị Ảrập Saudi và các nước đồng minh vùng Vịnh Kuwait làm ngơ. Họ cho biết không có ý định thay đổi gì trước cuộc họp kế tiếp vào ngày 27-11. "Ảrập Saudi chắc chắn sẽ thỏa mãn khi biết Iran đang gặp khó khăn như vậy", phó chủ tịch phân tích toàn cầu Reva Bhalla tại Stratfor nhận định. Nga cần giá dầu 100 USD/thùng bởi ngân sách quốc gia sẽ bốc hơi khoảng 2 tỉ USD cho mỗi USD giảm từ điểm giá trên. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận