12/06/2020 09:41 GMT+7

Đằng sau chuyện Mỹ rút quân khỏi Đức

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Về việc Tổng thống Donald Trump muốn rút 9.500 quân Mỹ khỏi Đức (đồng minh quan trọng nhất của Mỹ trong NATO), xâu chuỗi các sự kiện gần đây cho thấy hậu trường rất phức tạp.

Đằng sau chuyện Mỹ rút quân khỏi Đức - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Trump và Thủ tướng Đức Merkel có quan điểm trái chiều trong nhiều vấn đề - Ảnh: AFP

Lời từ chối đến Mỹ dự thượng đỉnh G7 của Thủ tướng Đức Angela Merkel là dấu hiệu cho thấy hai nước đồng minh đang gặp những bất đồng không thể giải quyết.

Về cơ bản, nói như báo New York Times, lòng tin giữa ông Trump và bà Merkel đã mất từ lâu nhưng việc bà từ chối đến Mỹ và tin đồn ông Trump muốn rút quân đã cho thấy nền tảng cơ bản cuối cùng giữa hai bên đã sụp đổ.

Chỉ là đòn gió?

Cho đến thời điểm hiện tại, thông tin Mỹ sẽ rút 9.500 quân khỏi Đức vẫn còn rất mơ hồ như thể đây chỉ là một đòn gió trên bàn đàm phán. Trong khi Washington tiếp tục im lặng về thông tin bị truyền thông tiết lộ, Berlin chỉ xác nhận "đã được thông báo rằng có những cân nhắc trong chính quyền Mỹ về việc giảm hiện diện quân sự ở Đức".

"Theo như chúng tôi được biết, không có quyết định cuối cùng nào được đưa ra", người phát ngôn Chính phủ Đức Ulrike Demmer nhấn mạnh ngày 10-6.

Những sự kiện gần đây cho thấy đã có rất nhiều chuyển động hậu trường, đủ cho một thuyết âm mưu rằng đây không chỉ là chuyện Mỹ rút quân khỏi một nước đồng minh. Ngày 29-5, viện dẫn đại dịch COVID-19 vẫn còn, bà Merkel thông báo sẽ không đến Mỹ dự thượng đỉnh G7 dự kiến diễn ra cuối tháng 6. Hai ngày sau đó, ông Trump tuyên bố sẽ hoãn hội nghị đến tháng 9 nhưng chỉ trích G7 là một tập hợp "lỗi thời" và muốn sự trở lại của Nga cùng các gương mặt mới là Úc, Hàn Quốc và Ấn Độ.

Anh và Canada lập tức lên tiếng phản đối Nga quay lại nhóm trong khi Nga không thể hiện bất kỳ sự từ chối nào. Bộ Ngoại giao Nga sau đó tuyên bố việc Mỹ muốn mời Nga trở lại G7 là một bước đi "đúng hướng" nhưng sẽ không toàn diện nếu thiếu đi Trung Quốc.

Một tuần sau cuộc điện đàm chỉ dài 20 phút giữa ông Trump và bà Merkel, ngày 5-6 người Đức được biết Mỹ đã lên kế hoạch rút 9.500 quân khỏi nước này mà không báo trước. Liên tục sau đó là những ngày im lặng từ cả hai chính quyền bất chấp những chỉ trích, phân tích thiệt hơn từ các học giả, chính trị gia hay các cựu tướng lĩnh.

Trong bối cảnh đó, việc Nga điều chuyển một lữ đoàn gồm nhiều xe tăng T-90, xe bọc thép chở quân và xe bọc thép chiến đấu tới quân khu phía tây sát các nước NATO đã làm dấy lên lo ngại ở cả Mỹ và Đức. Người Nga tuyên bố các động thái nhằm đáp trả lại các hành động quân sự của NATO gần biên giới Nga nhưng trong mắt một số người ở Berlin lẫn Washington, Matxcơva đang "thừa nước đục thả câu".

Các chỉ trích, dù nhắm vào Mỹ hay Nga, vô hình trung đã khiến người ta có niềm tin mạnh mẽ hơn rằng nếu không có quân đội Mỹ, châu Âu sẽ gặp nguy với Nga.

Nhiều câu hỏi bỏ ngỏ

Một số học giả nhận định việc Mỹ dọa rút quân là để ép Đức tăng chi tiêu quốc phòng lên mức hơn 2% GDP như cam kết chung của các nước NATO. Năm 2019, chi tiêu quốc phòng của Đức đứng thứ 3 trong khối với hơn 54 tỉ USD nhưng con số này chỉ chiếm 1,38% GDP - đồng nghĩa Berlin không đạt được cam kết với NATO. Người Đức hoặc tỏ ra bất mãn với điều này hoặc khẳng định sẽ đạt được mục tiêu 2% trong tương lai bằng các dự án mua sắm quân sự đang tiến hành.

Vậy Mỹ sẽ được hưởng lợi gì từ việc Đức tăng chi tiêu quân sự? Lợi ích dễ thấy nhất nếu quân đội Đức và các nước NATO khác mạnh lên sẽ giúp giảm áp lực lên quân đội Mỹ trong cuộc đối đầu với Nga tại châu Âu. Một khả năng khác là khi Berlin đồng ý tăng chi tiêu quốc phòng, họ có thể nghĩ tới việc mua hàng tỉ USD vũ khí từ Mỹ.

Quan điểm khác thịnh hành hơn ở Mỹ cho rằng đợt rút quân lần này chỉ đơn giản là một quyết định bốc đồng của ông Trump, rằng tổng thống Mỹ muốn trừng phạt thủ tướng Đức vì đã từ chối đến dự G7. Quan điểm này đã bị bác bỏ bởi người phát ngôn Nhà Trắng, rằng ông Trump "chỉ hành động vì lợi ích của nước Mỹ và không bao giờ đưa ra quyết định trừng phạt cá nhân nhà lãnh đạo này hay nhà lãnh đạo khác trên thế giới".

Luồng quan điểm thứ ba xoáy vào cặp quan hệ Nga - Mỹ. Nga hiện là vùng dịch COVID-19 lớn thứ 3 thế giới sau Mỹ và Brazil. Những thiệt hại về kinh tế do đại dịch có thể đang khiến Nga tìm đường quay lại G7 và các đối tác khác như Trung Quốc sau 6 năm hứng các lệnh trừng phạt của phương Tây vì sáp nhập bán đảo Crimea.

Nhưng 3 luồng quan điểm nêu trên cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng...

35.000

Theo tờ Spiegel của Đức, Mỹ hiện đang có khoảng 35.000 binh sĩ tại nước này, chưa kể 17.000 công dân Mỹ đi cùng họ. Các chuyến bay của quân đội Mỹ tới Iraq hay Afghanistan đều ghé Ramstein, căn cứ lớn nhất bên ngoài nước Mỹ nằm ở tây nam nước Đức. Bệnh viện quân y đặt tại Landstuhl điều trị cho hầu hết binh sĩ Mỹ bị thương ở các chiến trường Trung Đông và châu Phi.

Theo Spiegel, 12.000 người Đức đang được Mỹ thuê phục vụ trong các căn cứ.

Họp trực tuyến, Đức yêu cầu Trung Quốc công bằng với doanh nghiệp FDI Họp trực tuyến, Đức yêu cầu Trung Quốc công bằng với doanh nghiệp FDI

TTO - Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh trong một cuộc họp trực tuyến cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường rằng Bắc Kinh cần mở cửa thị trường và đối xử công bằng với doanh nghiệp FDI, người phát ngôn của bà Merkel cho biết ngày 11-6.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp