21/07/2024 06:02 GMT+7

Đang nỗ lực hoàn thiện ứng dụng, để người dân ra đường chỉ cần điện thoại có VNeID

VNeID đã tích hợp được nhiều thông tin, nhiều thủ tục đã không cần rườm rà giấy tờ các loại. Sắp tới sẽ tích hợp thêm những loại giấy tờ nào, đơn giản hóa ra sao để người dân chỉ cần mang "một giấy" khi làm thủ tục?

Đang nỗ lực hoàn thiện ứng dụng, để người dân ra đường chỉ cần điện thoại có VNeID- Ảnh 1.

Lực lượng Cảnh sát giao thông quận Bình Thạnh kiểm tra giấy phép lái xe trên môi trường điện tử (VNeID) từ ngày 1-7-2024 - Ảnh: MINH HÒA

Tuổi Trẻ đã trao đổi với thiếu tá TRẦN DUY HIỂN - phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) - xung quanh việc tích hợp giấy tờ lên VNeID.

* Theo quy định của Luật Căn cước, các loại giấy tờ của người dân sẽ được tích hợp trên ứng dụng định danh quốc gia (VNeID). Đến nay, đã có bao nhiêu loại giấy tờ đã được tích hợp trong VNeID, thưa ông?

Thiếu tá TRẦN DUY HIỂN - phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an)

Thiếu tá TRẦN DUY HIỂN - phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an)

- Bộ Công an đã triển khai tích hợp nhiều loại giấy tờ trên VNeID. Trong đó có các giấy tờ được người dân sử dụng nhiều như căn cước điện tử, giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế, quá trình đóng bảo hiểm xã hội, thông tin cư trú (hộ khẩu điện tử)...

Bộ Công an cũng đã triển khai xử phạt vi phạm giao thông với các giấy tờ đăng ký xe, giấy phép lái xe trên VNeID.

Lực lượng công an căn cứ thông tin tích hợp trên VNeID được xác thực chính xác với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để xử phạt theo quy định.

Giấy phép lái xe được chuyển đổi sang phương thức điện tử, việc xử lý được thực hiện trên môi trường điện tử thay vì giữ hoặc tạm giữ giấy tờ của công dân. Theo thống kê của Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, tính đến ngày 11-7-2024 đã có 81.871 thông tin vi phạm trên cả nước hiển thị trên VNeID.

Thời gian tới, cùng với việc triển khai Luật Căn cước 2023, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu tích hợp 79 thông tin, giấy tờ hiển thị trên VNeID để người dân thuận lợi trong thực hiện các giao dịch, thủ tục.

* Theo ông, việc tích hợp các loại giấy tờ trên đã đạt được những hiệu quả bước đầu ra sao?

- Việc tích hợp các thông tin, giấy tờ trong thời gian vừa qua mang lại nhiều tiện ích. Qua dữ liệu trên hệ thống, chúng tôi thấy rằng số lượng người dân xem và sử dụng các giấy tờ tích hợp có xu hướng tăng, đặc biệt khi Luật Căn cước có hiệu lực từ 1-7-2024.

Việc sử dụng thông tin giấy phép lái xe tăng đột biến, trung bình 738.312 lượt sử dụng/ngày (tăng 441,28% so với trung bình trước 1-7-2024), thông tin đăng ký xe 380.221/ngày (tăng 361,2%), thông tin cư trú (hộ khẩu điện tử) trung bình 384.800/ngày (tăng 391%), căn cước điện tử trung bình hơn 560.000 lượt/ ngày.

Với giấy tờ được tích hợp trên VNeID, công dân thuận tiện, dễ dàng sử dụng. Thông tin lưu trữ điện tử góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước, quy trình phục vụ người dân cũng ngày càng được đơn giản hóa khi dữ liệu đã được tích hợp đồng bộ.

Sắp tích hợp thêm hộ chiếu, thông tin thuế trên VNeID

* Lộ trình liên thông dữ liệu, tích hợp lên VNeID với các loại giấy tờ còn lại ra sao, thưa ông?

- Đối với 79 thông tin, giấy tờ được đồng bộ về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (bao gồm thông tin về giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn) để tích hợp lên VNeID, Bộ Công an tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, đơn vị để làm sạch dữ liệu, đảm bảo an toàn thông tin, kết nối thông suốt.

Trong năm 2024, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu tích hợp đối với các giấy tờ như hộ chiếu, thông tin thuế trên VNeID để tạo thuận lợi cho công dân.

* Sắp tới người dân khi ra đường chỉ cần mang theo điện thoại có ứng dụng VNeID có thể gặp những vướng mắc nào và cần tháo gỡ ra sao?

- Đối với tài xế khi ra đường có bốn loại giấy tờ thường được lực lượng chức năng kiểm soát gồm căn cước, giấy phép lái xe, đăng ký xe và giấy chứng nhận kiểm định của phương tiện. Trong số bốn giấy tờ này, hiện đã có thể tích hợp hai loại trên VNeID là căn cước và giấy phép lái xe.

Đối với đăng ký xe và giấy chứng nhận kiểm định của phương tiện, chúng tôi sẽ sớm liên thông dữ liệu và tích hợp lên VNeID. Trong tương lai, các tài xế khi ra đường có thể gói gọn thông qua ứng dụng VNeID trên điện thoại.

* Bộ Tư pháp có đề xuất bỏ giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (giấy xác nhận độc thân) khi làm thủ tục đăng ký kết hôn và thay thế bằng tra cứu dữ liệu tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Có nên thực hiện đưa các giấy tờ này lên VNeID giống như đã thực hiện thí điểm với phiếu lý lịch tư pháp?

- Thông tin về tình trạng hôn nhân là một trong các thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quy đinh trong Luật Căn cước, thông tin về tình trạng hôn nhân thuộc dữ liệu chuyên ngành do Bộ Tư pháp quản lý.

Theo quy định của Luật Căn cước, giấy đăng ký kết hôn là một trong các loại giấy tờ tích hợp trên căn cước điện tử và có giá trị sử dụng như bản giấy khi công dân thực hiện các giao dịch.

Đề xuất bỏ quy định nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (độc thân) khi làm thủ tục kết hôn của Bộ Tư pháp là phù hợp. Khi Bộ Tư pháp chuyển dữ liệu này sang sẽ được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ quan làm thủ tục đăng ký kết hôn có thể dễ dàng tra cứu sử dụng.

Đang nỗ lực hoàn thiện ứng dụng, để người dân ra đường chỉ cần điện thoại có VNeID- Ảnh 3.

Người dân sử dụng VNeID - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tính đến nay, Bộ Công an đã tích hợp được 13 triệu giấy phép lái xe và 3,3 triệu đăng ký xe của người dân lên ứng dụng VNeID.

Trung bình có 1,5 triệu lượt truy cập vào VNeID/ngày

Theo Bộ Công an, hiện 18 bộ ngành và 63/63 địa phương hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 100% cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip với hơn 95,3 triệu lượt tra cứu thông tin, giảm thời gian tiếp đón bệnh nhân.

Triển khai giải pháp xác thực thí sinh dự thi sát hạch lái xe thông qua căn cước công dân sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng thi hộ. Triển khai phần mềm quản lý lưu trú tại 93.388 cơ sở lưu trú (tăng 65.465 cơ sở so với tháng 12-2023).

Trung bình có 1,5 triệu lượt truy cập vào VNeID/ngày. Nổi bật là triển khai thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế từ 22-4.

Hà Nội tiếp tục là địa phương đầu tiên hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho người dân khi thực hiện qua VNeID.

Đến nay, TP Hà Nội đã tiếp nhận 10.277 hồ sơ trên VNeID, ước tính sẽ cắt giảm các khoản chi phí cho hàng loạt các dịch vụ (khoảng hơn 40 tỉ đồng/năm)...

Các nước tích hợp giấy tờ tùy thân ra sao?

Tại Mỹ không có căn cước công dân (ID) ở cấp quốc gia. Thay vào đó, giấy tờ tùy thân thường là bằng lái xe hoặc chứng minh thư do tiểu bang cấp, hoặc thẻ/số an sinh xã hội hay hộ chiếu.

Theo trang web của Văn phòng Chính sách hưu trí và khuyết tật Mỹ, số an sinh xã hội được tạo ra chỉ để theo dõi lịch sử thu nhập của người lao động Mỹ nhằm xác định quyền lợi an sinh xã hội và tính toán mức trợ cấp. Con số này đã được sử dụng gần như là mã định danh phổ biến ở Mỹ.

Nhiều tổ chức tài chính như các ngân hàng và công ty tín dụng cũng yêu cầu số an sinh xã hội khi khách hàng mở tài khoản. Có ba loại thẻ an sinh xã hội và tất cả các đều có ghi họ tên, số an sinh xã hội và thể hiện tình trạng được đi làm hợp pháp theo quy định của chủ thẻ.

Tại Đức, thẻ căn cước công dân cấp quốc gia của Đức có gắn chip từ cuối năm 2010. Con chip này lưu trữ ảnh của chủ thẻ, dữ liệu có thể nhìn thấy trên thẻ ID (vật lý) như tên, ngày sinh, nơi sinh, chữ ký… và cả dấu vân tay của chủ thẻ.

Thẻ ID của Đức có thể đi kèm chức năng eID (nhận dạng điện tử), được sử dụng để nhận dạng chủ thẻ và đối tác kinh doanh của chủ thẻ trên Internet, và tại các máy bán hàng tự động một cách an toàn và rõ ràng. Ngoài ra, eID còn cho phép chủ thẻ ký các tài liệu điện tử bằng chữ ký điện tử hoặc chữ ký từ xa theo quy định của EU.

Bộ Công an Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm thí điểm thẻ căn cước công dân điện tử vào năm 2018 ở các thành phố lớn bao gồm Cù Châu, Hàng Châu và Phúc Châu. Đến tháng 3-2022, căn cước điện tử đã được chấp nhận ở hơn 15 thành phố lớn ở Trung Quốc với hơn 6 triệu người sử dụng, theo tờ Science and Technology Daily.

Tại Malaysia, thẻ căn cước còn được gọi là MyKad (viết tắt từ Malaysian Identity Card - căn cước công dân Malaysia). Ngoài việc xác minh danh tính, MyKad còn cung cấp các tiện ích khác như lưu trữ thông tin sức khỏe cơ bản và có chức năng như thẻ đi lại, lưu trữ tiền kỹ thuật số…, theo trang Employment Hero.

Cận cảnh quy trình tạm giữ giấy tờ của tài xế vi phạm trên VNeIDCận cảnh quy trình tạm giữ giấy tờ của tài xế vi phạm trên VNeID

Sau 5 ngày áp dụng thông tư 28/2024, việc tạm giữ giấy tờ trên môi trường điện tử đã có những kết quả tích cực ban đầu. Khi hết hạn tạm giữ giấy tờ, tài xế cũng không cần trực tiếp tới trụ sở công an lấy mà dữ liệu sẽ tự động cập nhật.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp