Một bữa ăn vội vàng, qua loa sẽ khó có thể đảm bảo dinh dưỡng - Ảnh: Thanh Tùng |
Lý giải vấn đề này, theo bà Lê Bạch Mai - phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, là do quan niệm sai lầm giá trị dinh dưỡng và tâm lý e ngại rau không an toàn.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tại cuộc họp mới được tổ chức ở Hà Nội về an toàn thực phẩm cho thấy nguy cơ mất an toàn thực phẩm đang rất cao.
Ung thư đường tiêu hóa đã tăng trong thời gian gần đây và có liên quan đến ăn uống |
Ông BÙI DIỆU (giám đốc Bệnh viện K) phát biểu tại hội thảo về phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm ở Hà Nội |
43% trường hợp ung thư có mối liên quan đến dinh dưỡng, trong đó gồm các nguyên nhân: mất an toàn thực phẩm, dinh dưỡng không hợp lý, chế biến thực phẩm không đúng cách... |
Bà LÊ BẠCH MAI (phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia) phát biểu tại hội thảo về an toàn thực phẩm tổ chức ngày 15-8 ở Hà Nội |
Chúng ta vì lợn ít bệnh hay vì sức khỏe người dân? |
Ông CAO ĐỨC PHÁT (bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) chất vấn về việc vì sao chưa hạn chế ngay được chất cấm và kháng sinh trong chăn nuôi hôm 24-7 |
Nỗi lo thực phẩm không an toàn
Theo thống kê, xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội hiện nay có 6 hợp tác xã sản xuất và trên 10 cơ sở chế biến rau an toàn, đây được xem là vựa cung ứng rau an toàn, rau sạch lớn trên địa bàn Hà Nội. Thế nhưng, ngay trên trục đường liên thôn chính của xã này có đến 4 - 5 cửa hàng bán thuốc trừ sâu.
Khi được hỏi, những người chủ cửa hàng ở đây đều cho biết phổ biến nhất tại đây là những loại thuốc trừ sâu hóa học do có tác động nhanh, hiệu quả trừ sâu, tốt lá hơn những loại thuốc sinh học.
Khi thử tìm mua thuốc “giấm” (thuốc thúc chín) giúp mít chín đều tại cửa hàng ở khu vực Hoài Đức, Hà Nội, chúng tôi đã tìm được cửa hàng bán số lượng lớn các loại thuốc “giấm” này.
Trong thùng cactông màu xanh có chữ Trung Quốc kèm các chữ tiếng Việt như “thúc chín tố”, “quả thúc chín” là các tuýp nhựa đựng chất lỏng màu trắng, theo giới thiệu của người bán, mỗi tuýp có thể ủ chín 60kg đu đủ.
Vùng ngoại thành Hà Nội đang trồng khá phổ biến loại đu đủ giống mới, người ta cắt quả còn xanh và nhỏ một giọt thuốc “giấm” này vào vùng cuống quả, sau hai ngày đu đủ xanh ngả vàng.
Theo lời một chủ vườn đu đủ, giấm theo cách thức này quả đẹp hơn, chứ giấm bằng đất đèn mỗi lần hàng tấn đu đủ rất mất thời gian mà quả chín không đều màu. Một cách giấm chín quả cũng nhờ loại thuốc “giấm” này là pha vài giọt thuốc vào nước, sau đó nhúng quả cần giấm vào và hai ngày sau có thể đem quả đã được giấm chín đi tiêu thụ.
Các loại quả có vỏ xanh như chuối, xoài, đu đủ, hồng, cam, quýt... đều có thể biến màu thành chín đẹp nhờ loại thuốc “giấm” này.
Nỗi lo ăn thực phẩm không sạch những tưởng chỉ ở thành thị, không ngờ đó cũng là câu chuyện của người ở nông thôn. Ông T.V.T. (62 tuổi, ở Đan Phượng, Hà Nội) bị ung thư trực tràng, kể ở nông thôn có nhiều đất trồng cấy và tưởng như vậy là chủ động được nguồn thực phẩm sạch. Thế nhưng, sức khỏe nhiều người vẫn bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh.
Gia đình ông T. sống gần cánh đồng nên thường xuyên hít phải thuốc bảo vệ thực vật do những hộ gia đình xung quanh phun, tưới. Có nhiều lần đi sát qua cánh đồng, mắt ông T. cay xè vì hơi thuốc sâu đậm đặc.
Ông T. nói người dân thôn quê cũng sợ ăn những thực phẩm có hóa chất, thuốc trừ sâu nên thường trồng, cấy riêng để ăn và chỉ phun, tưới hóa chất ở những mảnh vườn, thửa ruộng có ý định đem bán. Thế nhưng, vì trực tiếp tiếp xúc với hóa chất độc hại nên cũng không thể nào tránh được việc bị ảnh hưởng sức khỏe.
Phát biểu tại một cuộc gặp gần đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết “khi đi thăm các vùng ngoại thành thì thấy người nông dân thường có hai luống rau, luống để bán và luống để ăn”.
Người trồng rau những tưởng cách làm đó có thể khiến họ an toàn, tuy nhiên thực chất việc phun hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu không có bảo hộ lao động hoặc bảo hộ lao động không đảm bảo... cũng khiến bệnh tật phát sinh rất nhiều ở khu vực nông thôn.
Thói quen nguy hiểm
Tuy nhiên, điều đáng lo khác về mối tương quan giữa thực phẩm và sức khỏe lại thuộc về chính thói quen của người dùng thực phẩm. Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia về khẩu phần ăn của người Việt, hiện trung bình mỗi người Việt chỉ sử dụng 200g rau xanh/người/ngày, tương đương ½ so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Đáng chú ý, mức tiêu thụ rau như thế này không tăng từ năm 1985, khi người Việt đang rất thiếu thực phẩm, kể cả rau.
Trong khi ăn ít rau xanh, loại thực phẩm cung cấp nguồn chất xơ và vitamin rất quan trọng, thì bữa ăn người Việt đang rất nhiều đường, tinh bột và là nguồn cơn của chứng rối loạn chuyển hóa, của nhiều căn bệnh, trong đó có bệnh đái tháo đường mà tốc độ gia tăng ở VN vào loại nhanh nhất thế giới.
Theo bà Mai, ngoài tinh bột từ cơm thì các tinh bột từ mì ăn liền, bánh mì trắng, bánh ngọt... đã tăng gấp đôi sau 10 năm, từ 16 g/người/ngày lên trên 33 g/người/ngày.
“Trẻ em VN có thói quen uống rất nhiều nước ngọt, sữa cũng ngọt, mà không dùng nước lọc. Uống mỗi lon nước ngọt các em sẽ uống vào tới 36 - 63g đường, trong khi mỗi người chỉ nên dùng 20g đường mỗi ngày. Đường ngọt góp phần làm tỉ lệ sâu răng ở VN cao, nhưng sâu răng còn có thể chữa được chứ những bệnh như rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường thì sẽ phải mang theo mãi mãi” - bà Mai khuyến cáo.
Trong khi đó, theo TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh - phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, số liệu nghiên cứu của Hiệp hội quốc tế Phòng chống ung thư (UICC) tại một hội nghị ở Úc năm 2014 cho thấy có đến 30 - 50% các ca bệnh ung thư liên quan đến ăn uống, đặc biệt ở các nước đang phát triển.
Uống rượu bia nhiều, ăn thực phẩm bị mốc hoặc ăn những món chiên nướng, nướng đen, nhiều dầu béo đều có nguy cơ gây ung thư. Bên cạnh đó, việc không kiểm soát được vấn đề vệ sinh thực phẩm, thực phẩm có chứa những hóa chất độc hại sẽ ảnh hưởng sức khỏe nhiều thế hệ.
Tại VN cũng như ở nước ngoài, khi bệnh nhân mắc bệnh ung thư, các bác sĩ không thể kết luận người này mắc bệnh ung thư do ăn uống. Nhưng khoa học đã chứng minh được trong những loại thức ăn không an toàn có chất gây ung thư.
Với các loại rau, nếu người trồng rau sử dụng thuốc trừ sâu không đúng quy cách, người phun xịt thuốc trừ sâu có thể bị nhiễm các loại hóa chất này và người ăn những loại rau này có thể bị nhiều bệnh như ung thư hạch, ung thư não, ung thư máu, ung thư tuyến tiền liệt...
Còn những nơi lấy nguồn thịt đã bị thối rữa về ướp hóa chất độc hại để thịt dai hơn, thơm hơn sau đó bán cho khách, những người ăn món ăn được chế biến từ các loại thực phẩm này có thể mắc bệnh ung thư.
Bệnh nhân ung thư tăng đáng ngại TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh, phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết số người bệnh ung thư đến điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP tăng hằng năm với tốc độ đáng lo ngại. Năm 2014, số bệnh nhân mắc bệnh ung thư được quản lý tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM là khoảng 12.000 người. Thế nhưng trong bảy tháng đầu năm 2015, số bệnh nhân ung thư được quản lý tại bệnh viện này lên tới gần 14.000 người. |
3.100 ca ngộ độc thực phẩm Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), tính từ đầu năm 2015 đến ngày 9-8, toàn quốc ghi nhận 114 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 3.100 người mắc, 19 người tử vong. So với cùng kỳ 2014, số người bị ngộ độc thực phẩm phải đi bệnh viện giảm trên 350 người, số người tử vong do ngộ độc thực phẩm giảm 9 người. Ngoài ra, từ ngày 1-1-2015, Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt 119 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, với tổng số tiền phạt trên 2,2 tỉ đồng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận