Là những người gần gũi nhất với học trò, các giáo viên chủ nhiệm và trợ lý thanh niên của các trường phổ thông không giấu được sự lo lắng khi một bộ phận học trò ngày càng hướng ngoại và chạy theo những giá trị ảo.
Sùng bái giá trị ảo
Ít gần gũi với gia đình, ít chia sẻ với thầy cô giáo nhưng lại rất năng nổ, hào hứng và thay đổi phong cách hoàn toàn khi tham gia các fan club là đặc điểm chung của một bộ phận HS hiện nay. Nhiều giáo viên cho biết rất khó trò chuyện với HS, tuy nhiên khi đề tài hướng tới đối tượng là nghệ sĩ, người nổi tiếng thì các em tỏ ra rất quan tâm. Nhiều HS còn khẳng định thích thầy giáo này, cô giáo kia chỉ vì thầy cô giáo đó chịu nghe... nhạc trẻ. Những giáo viên “lỗi thời”, “lỗi mốt” vì vậy ít cơ hội trở thành người bạn tâm giao của HS.
Thầy Nguyễn Minh Luân, trợ lý thanh niên Trường THPT Diên Hồng, TP.HCM, bày tỏ nỗi băn khoăn: “HS đang sống “ảo” quá nhiều. Các em thường “cuồng” lên đối với những gì các em thích. Nhảy nhót, hát hò, ăn mặc và tập lối sống như các nghệ sĩ, ca sĩ. Một bộ phận HS mà tôi tiếp xúc đúng là những fan cuồng thật sự. Gia đình các em không quan tâm đến chuyện đó hoặc quan tâm nhưng có nói các em cũng không nghe nên đành phó mặc. Các em có thể khóc vì cuồng một nghệ sĩ nhưng không khóc vì quan tâm đến gia đình”.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Hữu Thanh, giáo viên trẻ Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM, nhìn nhận: “Ở thời nào các bạn trẻ cũng có những thần tượng lớn. Bản thân tôi ngày xưa cũng thế. Đó là một nhu cầu tình cảm tất yếu cần được chấp nhận và tôn trọng. Tuy nhiên, hâm mộ thần tượng đến mức khi nhìn thấy liền khóc lóc, gào thét đến ngất xỉu, co giật, thì không phù hợp lắm với cách thể hiện tình cảm của người Việt. Sự tiết chế ở mức vừa phải, lòng nhiệt thành hâm mộ đối với các ngôi sao cũng là thể hiện lối ứng xử thông minh và trí tuệ của các em, không nhất thiết phải quá sức và quá mức như vậy. Tôi vẫn tin rằng các thần tượng cũng khó cảm thấy thoải mái nếu sự xuất hiện của họ lại khiến người hâm mộ rơi vào tình trạng như thế”.
Anh Trần Hoài Thanh, trợ lý thanh niên Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM, nói: “Các em không dừng ở sự cổ vũ mà còn bắt chước cung cách ăn mặc, cắt tóc, đi xe, ăn món ăn... giống thần tượng. Thậm chí các em tụ tập, tặng quà, săn đón những đêm diễn của thần tượng mà bỏ bê việc học hành, nhiều em suốt ngày mơ tưởng thần tượng. Đây là vấn đề đáng báo động”.
Thiếu điểm tựa tinh thần
Cô Dương Thu Trang, giáo viên văn Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, TP.HCM, bày tỏ: “Gốc rễ của vấn đề là các em không có điểm tựa. Nhu cầu thể hiện, bộc lộ tình cảm, quan tâm và được quan tâm khiến các em chạy theo số đông, tham gia các trào lưu theo quán tính chỉ để được thể hiện mình, được bộc lộ những cảm xúc vui, buồn, xúc động, được la hét, giải tỏa... Cha mẹ thời nay thường lo mưu sinh, ít quan tâm đến con cái. Con trẻ có nhiều thời gian, tiền bạc, sức khỏe, vì vậy các em thường tìm cho mình một đam mê nào đó rồi dần dần bị cuốn vào lúc nào không biết”.
Tuy nhiên, cô Trang cho rằng những phản ứng la hét, cổ động cuồng nhiệt... là những xúc cảm nảy sinh rất bình thường để thỏa mãn lòng hâm mộ trong không khí của các đêm nhạc, không nên phản ứng gay gắt với những hành động đó. “Nhưng để đến mất tỉnh táo, không làm chủ được hành vi và kiểm soát bản thân, thậm chí thiếu văn hóa thì cần xem lại”, cô Trang nói. Chính vì vậy, trong các buổi sinh hoạt dưới cờ ở Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, thầy cô giáo vẫn thường lồng ghép thông điệp “hướng nội” đến HS, đưa mối quan tâm của các em về những giá trị gần gũi là gia đình, người thân của mình.
Thầy Luân cho rằng: “Tôi thường nói với các em thần tượng ngoài ánh hào quang bề nổi cũng có cuộc sống bình thường, yêu thích thì được nhưng đừng đến mức mù quáng”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận