Sau khi tốt nghiệp lớp 12, Hồ Thị Như Quỳnh đăng ký nguyện vọng vào ngành quản trị dịch vụ và lữ hành Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Một năm sau, Quỳnh quyết định thi lại vào ngành ngôn ngữ của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM). Tuy nhiên, những khủng hoảng tâm lý của Quỳnh bắt đầu từ đây.
Sửa sai trước khi quá muộn
Quỳnh liên tục bỏ học và cảm thấy chán nản. Quỳnh tâm sự: "Sau khi vô học, tôi bị choáng ngợp bởi khối kiến thức, nó khác tưởng tượng nhiều quá. Tôi liên tục bị bạn học bỏ xa nên cảm thấy áp lực và không có động lực gì cả".
Thời gian đó, Quỳnh được bác sĩ chẩn đoán là bị trầm cảm bởi tâm lý sợ mình yếu kém, Quỳnh liên tục khóc và bỏ ăn. Vì vậy, cha mẹ quyết định để Quỳnh bảo lưu và học vào học kỳ tiếp theo. Tuy nhiên Quỳnh quyết định nghỉ học và thi vào ngành mới mà mình yêu thích.
Không quá nặng nề như Quỳnh nhưng Minh Thái, sinh viên năm 1 ngành dầu khí Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), chia sẻ trước khi chọn ngành bản thân đã làm trắc nghiệm MBTI, tìm hiểu góc khuất, những hạn chế của ngành mà mình muốn theo. Ngoài ra, tôi còn tham khảo thêm ý kiến của cha mẹ và anh chị đang học trong ngành mà mình muốn theo đuổi.
"Tuy nhiên, khi vào sâu thì nó khác hẳn những gì tôi kỳ vọng. Vì vậy tôi quyết định chuyển sang ngành điện tử viễn thông và cảm thấy hài lòng với sự thay đổi này. Yếu tố lớn nhất khiến tôi chuyển ngành chính là ngành học hiện tại không giống như những gì mà mình kỳ vọng", Thái cho hay.
Tương tự, Hoàng Thị Tú Trinh, sinh viên năm 3 ngành báo chí Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết đã tìm hiểu kỹ ngành tâm lý học từ những năm cấp III. Nhưng sau khi lên ĐH vẫn bị khủng hoảng vì mọi thứ khác quá nhiều những gì đã tìm hiểu.
Trinh chia sẻ: "Tôi đã có tìm hiểu ngành tâm lý học, tự học trước các kiến thức về nó nhưng càng học chuyên sâu thì mình cảm thấy không hợp. Tôi căng thẳng muốn đổi ngành, đổi trường.
Nếu cứ lưỡng lự mãi không chuyển ngành thì mình sẽ sống mãi với nỗi lo sợ phải học bài để qua môn thay vì thật sự học vì yêu, vì đam mê với ngành nghề". Vậy nên Trinh đã chuyển sang ngành báo chí.
Cân nhắc kỹ khi đăng ký xét tuyển
Nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng thí sinh cần phải cân nhắc thận trọng khi đăng ký chọn ngành học. TS Phạm Tấn Hạ, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhấn mạnh điều quan trọng nhất khi chọn ngành là phù hợp sở thích, nếu không sẽ rất khó hoàn thành chương trình học.
"Hiện nay phần lớn thí sinh đã trúng tuyển một phương thức xét tuyển sớm nào đó. Dù trúng tuyển hay chưa, các bạn cũng phải thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Khi đăng ký, ngành, trường mình yêu thích nhất cứ đặt nguyện vọng cao nhất. Đừng đăng ký quá nhiều. Ngành ít yêu thích nhất nên để ở nguyện vọng thấp nhất để tránh mất cơ hội vào ngôi trường mình mong muốn", ông Hạ đưa lời khuyên.
Cũng liên quan đến đăng ký xét tuyển, ông Hạ lưu ý bên cạnh ngành yêu thích, thí sinh nên cân nhắc tới điều kiện kinh tế gia đình để lựa chọn trường phù hợp, tránh bị đứt gánh giữa đường vì gia đình không lo nổi học phí. Như vậy không chỉ lãng phí tiền bạc, thời gian mà còn có thể gây cho các bạn sự hụt hẫng.
"Hãy mạnh dạn chia sẻ những điều mình mong muốn, ngành học mình chọn với cha mẹ để có sự hỗ trợ cần thiết", ông Hạ khuyên.
Tương tự, TS Lê Thị Thanh Mai, chuyên gia tư vấn tuyển sinh, nguyên trưởng Ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM, lưu ý tiền bạc mất có thể tìm lại nhưng thời gian mất đi sẽ không thể nào có lại. Học ĐH là học một nghề gắn với cuộc sống của mình sau này.
Do đó, khi sắp xếp nguyện vọng xét tuyển, cùng một ngành sẽ có ở nhiều trường, các bạn tìm hiểu xem điều kiện của mình phù hợp học ở đâu. Sự giao thoa ngành nghề hiện nay khá rộng nên bên cạnh các ngành yêu thích, các bạn cũng có thể tìm hiểu các ngành gần. Ngành nào thích nhất đặt nguyện vọng cao nhất.
"Tỉ lệ thí sinh trúng tuyển trên số thí sinh đăng ký xét tuyển năm trước khoảng 93%. Do đó việc trúng tuyển ĐH không khó. Cái khó là chọn đúng ngành mình thích, đúng mục tiêu nghề nghiệp", bà Mai nói thêm.
Đừng chọn đại, chọn bừa, chọn theo bạn bè hay ai đó. Chỉ có các bạn mới biết mục tiêu nghề nghiệp, sở thích, sở trường của các bạn là gì. Hãy tìm hiểu kỹ ngành mà mình sẽ chọn. Chọn ngành đúng sở thích và năng lực các bạn sẽ có động lực học tập, vui vẻ với việc học. Chọn sai, học chỉ để đối phó, không có động lực phấn đấu, làm việc cũng sẽ rất mệt mỏi.
TS Lê Thị Thanh Mai (nguyên trưởng Ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM)
Phối hợp giữa nhiều bên
TS Nguyễn Kim Dung, viện trưởng Viện Khoa học và Giáo dục Nam Việt, nhận định khi tìm hiểu ngành học qua tư vấn của cha mẹ, thầy cô giáo hay các tờ rơi, website... mà không có trải nghiệm thực tế học sinh sẽ không nắm rõ hết các thông tin ngành nghề mà mình sẽ chọn. Điều này dẫn đến tâm lý mơ hồ, thất vọng với ngành học sau khi bước vào chính thức.
Để có thể giải quyết vấn đề trên, TS Nguyễn Kim Dung cho rằng cần có sự phối hợp giữa học sinh, sinh viên, phụ huynh, các cơ sở giáo dục trong quá trình hướng nghiệp cho các em. Theo bà Dung, nghiên cứu tâm lý cho rằng gen Z tiếp cận với xu thế của xã hội nên sẽ dẫn đến tình trạng thay đổi quyết định khá nhanh. Vì vậy, học sinh, sinh viên trước khi chọn ngành cần hiểu rõ mình là ai, thế mạnh ở đâu, không nên theo xu hướng mà quên mất bản thân không phù hợp.
"Để tránh tình trạng khủng hoảng tâm lý, hiểu sai về ngành học, các hoạt động trải nghiệm cần thực chất hơn, nghĩa là cần mục tiêu cụ thể, thấm vào từng đối tượng học sinh, hiểu rõ các em cần gì và muốn gì. Các hoạt động hướng nghiệp cần giúp các em hiểu rõ xu thế của xã hội sau này để có cách chọn nghề đi vào thực chất", bà Kim Dung nói thêm.
Đăng ký nguyện vọng xét tuyển từ ngày 18 đến 30-7
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, tất cả thí sinh có nguyện vọng xét tuyển ĐH, bao gồm những thí sinh đã được trường ĐH thông báo trúng tuyển sớm phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống của Bộ GD-ĐT để được xét tuyển và công nhận trúng tuyển. Thí sinh chỉ trúng tuyển chính thức khi có đăng ký xét tuyển trên hệ thống của bộ, tốt nghiệp THPT.
Cụ thể, từ ngày 18 đến 17h ngày 30-7, thí sinh sử dụng tài khoản đã được cấp trên hệ thống (đăng nhập tại: https://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn) để thực hiện đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần.
Mời tham dự Ngày tư vấn xét tuyển đại học 2024
Trước 10 ngày thí sinh phải chốt nguyện vọng xét tuyển ĐH, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức Ngày tư vấn xét tuyển đại học 2024.
Chương trình diễn ra vào ngày 20-7 (thứ bảy), đồng thời tại TP.HCM (Trường ĐH Bách khoa, 268 Lý Thường Kiệt, quận 10) và Hà Nội (ĐH Bách khoa Hà Nội, quận Hai Bà Trưng). Đây sẽ là cơ hội để các chuyên gia từ Vụ Giáo dục ĐH và các chuyên gia tuyển sinh tư vấn cặn kẽ, trực tiếp cho thí sinh cách lựa chọn, sắp xếp nguyện vọng tối ưu vào trường, ngành phù hợp trước khi chốt nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Tại sự kiện ở hai địa phương còn có hơn 150 gian tư vấn của các trường ĐH, cao đẳng, trung cấp và các đơn vị giáo dục, sẵn sàng trực tiếp gỡ rối cho phụ huynh, học sinh trong việc chọn ngành, chọn trường.
Ngày tư vấn xét tuyển đại học 2024 mở cửa tự do và có nhiều quà tặng hấp dẫn cho thí sinh, phụ huynh.
TUỔI TRẺ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận