12/03/2021 10:46 GMT+7

Đăng ký vào trường tốp đầu, cần lưu ý gì?

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Mùa tuyển sinh năm nay cả Bộ GD-ĐT và các trường đều chủ trương giữ ổn định như năm ngoái. Tuy nhiên vẫn có những điều chỉnh nhỏ thí sinh rất cần lưu ý, nhất là khi đăng ký vào các trường tốp đầu.

Đăng ký vào trường tốp đầu, cần lưu ý gì? - Ảnh 1.

Một tiết học của lớp kỹ sư công nghệ thông tin Việt Nhật, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Năm ngoái, phương thức xét tuyển kết hợp của Trường ĐH Kinh tế quốc dân nhận 5.000 hồ sơ đăng ký nhưng kết quả chỉ có 3.000 hồ sơ đỗ. 

PGS.TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho biết mức độ cạnh tranh của phương thức xét tuyển kết hợp rất cao, vì phương thức này hướng tới đối tượng: học sinh giỏi của trường chuyên, học sinh giỏi cấp tỉnh, thí sinh có chứng chỉ quốc tế, thí sinh tham gia vòng thi tuần "Đường lên đỉnh Olympia". 

Ông Triệu khuyên thí sinh phải lượng sức mình trước khi quyết định chọn phương thức này.

Tự đánh giá năng lực trước khi nộp hồ sơ

Trường ĐH Kinh tế quốc dân đòi hỏi tiếng Anh đầu ra của sinh viên là bậc 4 (tương đương IELTS 5.5), cao hơn mặt bằng Bộ GD-ĐT quy định (bậc 3). PGS.TS Bùi Đức Triệu khuyên nếu thí sinh cảm thấy không thể đáp ứng được đầu ra tiếng Anh thì không nên đăng ký ngành "hot".

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay quyết định điều chỉnh phương thức xét tuyển tài năng. Thay vì cho thí sinh đăng ký 3 nguyện vọng, năm nay trường chỉ cho thí sinh đăng ký duy nhất 1 nguyện vọng. 

PGS.TS Trần Trung Kiên, trưởng phòng tuyển sinh ĐH Bách khoa Hà Nội, nhắn nhủ thí sinh: "Nếu các em học chuyên Anh, đoạt giải tiếng Anh của tỉnh thì nên đăng ký vào các ngành liên quan đến ngôn ngữ Anh, chứ đừng tự làm khó mình bằng cách đăng ký những ngành như công nghệ thông tin, toán tin, điều khiển tự động hóa, vì rất khó cạnh tranh với những bạn học chuyên toán".

ĐH Quốc gia Hà Nội vẫn duy trì 3 phương thức tuyển thẳng, tuyển bằng kết quả thi THPT, xét tuyển chứng chỉ quốc tế ổn định như năm 2020. Phương thức xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực mới là phương thức cần quan tâm tìm hiểu nhất của trường này. Năm nay nhiều học sinh lo ngại bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội kiểm tra toàn diện kiến thức nên học sinh sẽ phải ôn một lượng kiến thức rất lớn.

Học sinh đã quen với kiểu thi trắc nghiệm của kỳ thi THPT nên sẽ không bỡ ngỡ với bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. Câu hỏi nhằm mục đích kiểm tra kiến thức cơ bản, khả năng hiểu và vận dụng kiến thức của các em thôi. Ví dụ đề thi có thể hỏi trong đợt dịch COVID-19 vì sao người dân được khuyến cáo phải rửa tay sát khuẩn thường xuyên, vì sao người bị nghi nhiễm phải cách ly 14 ngày. Với kiến thức sinh học ở phổ thông, các em có thể trả lời được".

PGS.TS Nguyễn Tiến Thảo (giám đốc Trung tâm khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội)

Những điều chỉnh nhỏ nhưng quan trọng

Các trường ĐH lớn cũng có xu hướng điều chỉnh cách thức tuyển sinh cho gọn nhẹ hơn. Năm ngoái sau kỳ thi kiểm tra tư duy, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội yêu cầu khi thí sinh nộp hồ sơ học bạ sẽ phải trả lời một bảng câu hỏi khoảng 28 câu. Năm nay trường bỏ phần bảng câu hỏi để giảm tải cho các thầy cô chấm bài, cũng như giảm áp lực cho thí sinh.

Năm 2021 hai trường tổ chức kỳ thi riêng là ĐH Quốc gia Hà Nội và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đều tăng chỉ tiêu cho phương thức tuyển sinh dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực. Riêng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có điều chỉnh nhỏ. Nếu năm ngoái Bách khoa kết hợp bài kiểm tra tư duy với hai đầu điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT như toán - lý, toán - hóa thì năm nay bài thi kiểm tra tư duy sẽ "độc lập tác chiến", không sử dụng đầu điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT nữa.

Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng tăng điểm ngưỡng đảm bảo đầu vào từ 18 lên 20 điểm. Cán bộ tuyển sinh của trường cho biết năm 2020 do dịch COVID-19, việc học hành của học sinh bị gián đoạn nhiều lần nên các trường có xu hướng chấm điểm "nới" tay hơn cho các em. Nên trường ứng phó bằng cách tăng điểm học bạ lên để đảm bảo chất lượng đầu vào.

Thêm nhiều trường mở ngành an ninh mạng

Khoa quản trị và kinh doanh của ĐH Quốc gia Hà Nội vừa mở ngành quản trị và an ninh (MAS), tuyển 90 chỉ tiêu vào năm 2021. Đây là một chương trình dân sự nhưng có cách thức đào tạo và kỷ luật giống các trường công an, quân đội. Điểm khác biệt của MAS với khối trường công an là sau khi tốt nghiệp cử nhân MAS được tự do lựa chọn nơi làm việc.

Chương trình đào tạo tập trung vào các kỹ năng tấn công - phòng thủ trên không gian mạng, thay vì kiến thức chung về an ninh mạng. Ra trường sinh viên có thể làm việc cho bất kỳ đơn vị, tổ chức doanh nghiệp nào có nhu cầu tuyển dụng nhân lực quản trị và an ninh.

Trường ĐH Bách khoa cũng dự kiến năm nay sẽ mở chương trình đào tạo an toàn không gian số (Cyber Security). Trước đó, trường đã ký kết hợp tác nghiên cứu công nghệ cao và đào tạo an ninh mạng với Tập đoàn công nghệ BKAV. Với thỏa thuận này đôi bên sẽ hợp tác xây dựng chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao về an toàn không gian số, đào tạo chuyên gia với chuyên môn sâu, hướng tới hợp tác xây dựng Học viện An ninh không gian số (Cyber Security Academy) đầu tiên tại Việt Nam.

Tuyển sinh đại học 2021: Có thể được điều chỉnh nguyện vọng nhiều lần Tuyển sinh đại học 2021: Có thể được điều chỉnh nguyện vọng nhiều lần

TTO - Việc đăng ký, xét tuyển đại học năm nay dự kiến có một số điểm mới so với năm trước. Những thay đổi này nhằm thuận lợi hơn cho thí sinh trong chọn ngành, chọn trường.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Tuyển sinh
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp