17/05/2023 13:32 GMT+7

Đăng ký thi chứng chỉ tiếng Trung cũng phải qua 'cò'

Nhiều thí sinh muốn thi chứng chỉ tiếng Trung HSK nhưng không thể đăng ký dự thi online vì thời gian quá ngắn, số người thi nhiều. Hết cách, họ phải trả tiền cho 'cò'.

Đăng ký thi chứng chỉ tiếng Trung cũng phải qua cò - Ảnh 1.

Các tài khoản nhận làm ‘cò’ đăng ký hộ cho thí sinh tham dự kỳ thi tiếng Trung - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Đăng ký thi chứng chỉ tiếng Trung: "Mới 3-4 phút đã hết suất"

Tại khu vực miền Nam, Trường đại học Sư phạm TP.HCM là đơn vị duy nhất tổ chức thi chứng chỉ tiếng Trung (HSK). Trường tổ chức đăng ký thi theo hình thức ghi danh trực tuyến. Ngoài một số thí sinh may mắn đăng ký thành công, nhiều người không đăng ký được đành phải tìm đến "cò".

Anh T.T. đang muốn thi chứng chỉ tiếng Trung để phục vụ cho công việc, nhưng anh cho biết chờ đúng thời gian đăng ký, soạn sẵn thông tin để điền đơn online cho nhanh nhưng vẫn không kịp.

"Khoa mở link đăng ký từ 19h đến 23h nhưng chỉ trong vòng 3-4 phút đã đủ người và tôi bị kích ra. Khi tôi bức xúc vào bình luận bài đăng trên fanpage Khoa Tiếng Trung thì một số tài khoản trả lời nhận đăng ký hộ. 

Tôi khá bức xúc vì đã tốn tiền học, tốn tiền thi nhưng muốn đăng ký thi lại phải bỏ ra thêm 300.000 - 400.000 đồng nữa, chỉ để nhờ một cú kích chuột của người khác. 

Tôi mong muốn trường có thể vừa mở đăng ký online và cả đăng ký trực tiếp tại trường để các bạn ở xa và ở gần đều có thể đăng ký để tham gia kỳ thi, tránh được việc "cò" ghi danh hộ như thế này" - anh T. nói. 

Trên trang fanpage Khoa Tiếng Trung - HCMUE, ở phần bình luận có khá nhiều tài khoản 'nằm vùng' nhận đăng ký ghi danh hộ khi thấy thí sinh gặp khó khăn trong việc đăng ký, có người còn đăng công khai trên Facebook. Các tài khoản này chủ yếu là những nick ảo được tạo ra chỉ để nhận đăng ký hộ.

Được biết dịch vụ đăng ký hộ này có 2 hình thức. Một là đăng ký thông qua link auto (điền thông tin vào đường dẫn do 'cò' tạo ra với nội dung tương tự như bên Khoa Tiếng Trung, chờ đến lúc khoa mở đăng ký thật thì dán thông tin vào là xong), chỉ tốn khoảng 3 giây và chi phí từ 50.000 - 100.000 đồng/lượt đăng ký. 

Hai là người thi đưa toàn bộ thông tin cho người đăng ký hộ và 'cò' sẽ tự thao tác, chi phí gấp 2 - 3 lần so với đăng ký link auto.

Đăng ký thi chứng chỉ tiếng Trung cũng phải qua cò - Ảnh 3.

Người nhận đăng ký hộ, người tìm người đăng ký hộ thi chứng chỉ tiếng Trung công khai trên mạng xã hội - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG chụp màn hình

Nhờ "cò" cho nhanh, an tâm?

Bạn N.T. chia sẻ: "Tôi nhờ dịch vụ đăng ký hộ vào năm 2022, người nhận đăng ký không phải là sinh viên trường, mà chủ yếu là những người rành về công nghệ thông tin

Tôi bỏ ra 50.000 đồng để đăng ký hình thức auto và thao tác trong vài giây là đã đăng ký xong. Lần thi chứng chỉ H2 thì tôi tự đăng ký, nhưng kỳ thi H3 quan trọng hơn nên tôi chọn nhờ người đăng ký hộ cho an tâm".

Chị Q.C. nhận đăng ký hộ cho biết chị vào đăng ký trễ vài phút vẫn còn chỗ. "Nhiều người thắc mắc tại sao đăng ký hộ có thể nhanh như thế? Thật ra tụi tôi phải luyện đăng ký và điền thuộc đơn 100%, chứ không có chuyện hack một phát là xong đâu. Có khi tôi còn đăng ký chay bằng điện thoại không cần đến máy tính", chị C. tiết lộ.

Chị C. cũng khuyên những người không quen thao tác mà cần tham gia kỳ thi thì "nên tìm người đăng ký hộ hoặc tự luyện tập đăng ký nhiều lần cho thuộc đơn". "Quan trọng vẫn là thao tác", chị này nhấn mạnh.

Theo ghi nhận, mặc dù khoa tiếng Trung đã ra cảnh báo "không khuyến khích thí sinh sử dụng các dịch vụ ghi danh hộ; thí sinh phải thật cân nhắc trước khi trao thông tin của mình cho các cá nhân hoặc tổ chức khác", nhưng tình trạng nhờ "cò" đăng ký thi vẫn diễn ra trong thời gian dài...

"Khoa tiếng Trung không có dịch vụ đăng ký chui"

TS Nguyễn Thị Quỳnh Vân - trưởng khoa tiếng Trung (Trường đại học Sư phạm TP.HCM) - khẳng định khoa không có dịch vụ đăng ký thi hộ, giáo viên khoa không nhận đăng ký "chui", còn ngoài thị trường thì có.

"Khoa luôn thông báo là các bạn không nên gửi thông tin cá nhân để nhờ người đăng ký hộ vì xác suất thành công rất là ít. Có người đã chuyển tiền nhưng đến kỳ thi không có tên, gọi lên khoa hỏi, khoa kiểm tra không có hồ sơ.

Đối với việc mở link đăng ký, khoa đã thông báo trước rất lâu để thí sinh chuẩn bị, thậm chí còn mở link đăng ký thử để các bạn làm quen. Khi đăng ký và chỉnh sửa hồ sơ, bên khoa cũng chỉ cho thí sinh chỉnh sửa một chi tiết, phòng ngừa có những người đăng ký dành chỗ rồi sau đó bán chỗ lại", TS Vân thông tin.

"Chúng tôi cũng mong muốn có thể mở được nhiều kỳ thi trong một tháng, nếu phòng máy có trống thì sẽ mở thêm", bà nói thêm.

Kỳ thi HSK là gì?

Kỳ thi HSK (viết tắt của Hanyu Shuiping Kaoshi) do www.chinesetest.cn đánh giá trình độ tiếng Hán dành cho người nước ngoài, hoặc người Trung Quốc sinh sống ở nước ngoài. Hiện có 7 địa điểm tổ chức thi tại Việt Nam gồm: Viện Khổng Tử tại Trường đại học Hà Nội; Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Sư phạm TP.HCM; Công ty TNHH phát triển giáo dục Liên Hoa; Trường đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế; Khoa Ngoại ngữ - Đại học Thái Nguyên; Đại học Duy Tân.

Trường đại học Sư phạm TP.HCM được tổ chức thi chứng chỉ tiếng Trung HSKTrường đại học Sư phạm TP.HCM được tổ chức thi chứng chỉ tiếng Trung HSK

Trường đại học Sư phạm TP.HCM được phép tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Trung HSK trở lại sau ba tháng tạm ngưng. Đợt thi đầu tiên của năm 2023 dự kiến tổ chức vào ngày 9 và 10-1-2023.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp