Tam ca Đăng Dương - Trọng Tấn - Việt Hoàn
Có rất nhiều điểm cộng ở live concert đầu tiên trong sự nghiệp hơn 20 năm đi hát của ca sĩ Đăng Dương.
Trước đêm nhạc, đâu đó có khán giả e dè rằng Đăng Dương sẽ lại tung ra những bài "nhạc đỏ" quen thuộc hoặc phô diễn giọng hát thính phòng quý hiếm, đầy năng lượng; như thế thì chưa phải là đặc sắc, mới mẻ.
Nhưng không. Nếu để nói Mặt trời của tôi là một "live concert" thì quả đúng như vậy.
Đăng Dương hát Người chiến sĩ ấy
Đăng Dương hát thính phòng như du thuyền lướt trên biển lặng. Anh đã tạo nên một tiền lệ tốt cho với một ca sĩ Việt Nam lần đầu tiên hát toàn bộ chương trình với dàn nhạc giao hưởng ở chỗ anh và các khách mời không trưng trổ, khoe giọng khỏe, mà dùng kỹ thuật để "hòa thanh" với nhau, thể hiện vẻ đẹp của mỗi bài hát và diễn đạt cảm xúc của mình.
Người viết
Ở đêm nhạc của Đăng Dương, những tiêu chí của một "concert" (hòa nhạc) hoàn toàn được thỏa mãn.
100% những tác phẩm được biểu diễn trong chương trình được nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng hòa âm, phối khí mới.
Dưới sự dẫn dắt của nhạc trưởng Lê Ha My, Dàn nhạc giao hưởng Thăng Long đã chơi thăng hoa, bén quyện.
Cả chương trình có chung màu sắc thống nhất, xuyên suốt với chất thính phòng, bán cổ điển, dù đó là dân ca hay tình ca.
Còn nếu tách riêng, mỗi tác phẩm được chọn đều có thể đứng độc lập với dụng công cả về hát và nhạc.
Riêng các giọng ca, từ khách mời đến ca sĩ chính, dù ai cũng sở hữu chất giọng và quãng giọng tuyệt vời, nhưng đều không khoe giọng, mà hòa giọng.
Đăng Dương hát Giai điệu Tổ quốc tôi
Ca sĩ khách mời như Trọng Tấn, Việt Hoàn, Lan Anh, Duyên Huyền, Hồng Vy, Đào Mác… hay violin Bùi Công Duy, accordion Đào Kiên… không xuất hiện theo kiểu mời vì "hot" hay vì là chỗ quen thân, mà đều nhịp nhàng, khớp nối với nhau.
Đến chủ nhân của đêm nhạc, ở nhiều tác phẩm, cũng từ tốn cất lời như tiếng "hát bè" cho cộng sự.
Yếu tố quan trọng nhất của một "concert" là phần âm thanh thì phải nói ít có đêm nhạc nào trước đó "đạt chuẩn" được như Mặt trời của tôi.
Chính ca sĩ Đăng Dương từng chia sẻ nhiều lần, vì từng tham gia một đêm nhạc với chất lượng âm thanh quá tốt ở Nhà hát TP.HCM mà quyết tâm mời bằng được êkip âm thanh, nhạc trưởng Lê Ha My, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng từ TP.HCM ra Hà Nội thực hiện hai đêm nhạc của mình.
Từ đây có thể nhận thấy đêm nhạc của Đăng Dương không có kiểu chắp vá, tận dụng, làm phiên phiến được khâu nào hay khâu đó; mà ý thức về "tiêu chuẩn âm thanh" gắn với tổng thể chung và đặc thù loại hình âm nhạc được bộc lộ rõ.
Đăng Dương chơi đàn bầu bài Se chỉ luồn kim
Ngoài điểm cộng của một live concert (chứ không phải live show), phần hình thức, để "nhìn", của đêm nhạc thính phòng như của Đăng Dương cũng rất đáng nói.
Thông tin, màu sắc từ vé đến quyển giới thiệu chương trình đầy đủ, đồng bộ. Toàn bộ ca sĩ, nhạc sĩ, nhạc công diện đồ hợp lý, không "chỏi" nhau, không mỗi người một kiểu.
Có lúc các ca sĩ chỉ diện phục trang đơn sắc, tông màu cơ bản - trắng, đen hoặc đỏ. Phần nhạc dân ca hay phần nhạc ngoại thì ca sĩ đều có trang phục truyền thống hay dạ hội vừa vặn.
Không có mảnh đèn LED chớp lóe nào trên sân khấu. Đạo diễn Tất My Loan (cũng đến từ TP.HCM) trang trí sân khấu theo cách "chơi" với rèm.
Tiền cảnh là ca sĩ, dàn nhạc, hậu cảnh là những tấm rèm buông. Nhìn vào đây có thể thấy chi phí thiết kế không đáng là bao so với hiệu quả mang lại.
Chỉ cần rèm khi bung khi mở và ánh sáng chiếu lên đó mà bốn phần của chương trình là Chính ca, Dân ca, Tình ca, Nhạc ngoại được chuyển đổi nhịp nhàng và nhẹ nhàng.
Sự phối cảnh, chuyển cảnh không làm sân khấu rườm rà, ảnh hưởng đến sự chú ý của khán giả vào ca sĩ, giọng hát, âm nhạc, mà còn làm đẹp sân khấu, đặc biệt khi lên hình.
Trong khi đó, lâu nay có thể vì thiếu ý tưởng mà dù chương trình có tính chất thế nào, nhiều nhà tổ chức vẫn trưng bày màn hình LED to đùng lên sân khấu; như thế thường chỉ khiến ca sĩ bị "nuốt" trọn và làm khán giả mất tập trung.
Đăng Dương đã có một đêm thực sự thăng hoa cùng dàn nhạc giao hưởng
Điều cuối cùng, sau những yếu tố nghe và nhìn ở một đêm nhạc có sự tâm huyết của nhiều người, là nhân vật chính Đăng Dương.
Ở đêm nhạc mà anh nói là mang đến "cảm xúc vỡ òa, được làm những gì mình thích nhất".
Sự chân thành, mộc mạc và trái tim "hướng dương", hướng thiện, hướng về phía mặt trời… như Đăng Dương tâm sự được thể hiện không chỉ qua cách anh trình bày các tác phẩm thuộc nhiều phong cách âm nhạc khác nhau; mà còn qua chia sẻ của những đồng nghiệp cùng đứng trên sân khấu hoặc của những người thầy như NSND Thanh Tâm, NSND Quang Thọ dưới khán đài.
Trong đêm nhạc, chàng ca sĩ kiệm lời gốc Hải Dương còn tự chơi đàn bầu cho bài dân ca quan họ Se chỉ luồn kim cùng dàn nhạc.
Đăng Dương chơi đàn bầu
Chia sẻ cùng MC Lê Anh trên sân khấu, anh nói mình được cô Thanh Tâm dạy đàn bầu trong 9 năm, từ khi còn chăn trâu cắt cỏ; đến sau này mới được thầy Quang Thọ và thầy Trung Kiên rèn luyện thanh nhạc, chuyển từ âm vực nam trung (baritone) sang nam cao (tenor).
Một phần được khán giả chờ đợi ở đêm nhạc Mặt trời của tôi là sự tái ngộ của Đăng Dương - Trọng Tấn - Việt Hoàn. Chỉ có điều lần này "tam ca nhạc đỏ" không hát nhạc đỏ, với những bài ca có phần mang màu sắc "tuyên truyền", mà họ hát một liên khúc nhạc Nga kinh điển.
Bản nhạc Thời thanh niên sôi nổi kết thúc chương trình và tất cả các ca sĩ biểu diễn thêm ca khúc Đường chúng ta đi như một "bến đỗ" đẹp cho một đêm nhạc mà ở đó mỗi khán giả có thể tìm thấy vầng mặt trời "gieo hạt nắng vô tư" của riêng mình, như trong bài Khát vọng của Phạm Minh Tuấn.
Đăng Dương - Trọng Tấn - Việt Hoàn
Xem một số hình ảnh của đêm nhạc Đăng Dương - Mặt trời của tôi:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận