Cảnh sát bảo vệ dày đặc trước cổng Tòa án tối cao Campuchia ngày 16-11 - Ảnh: REUTERS
Sau một ngày nghe điều trần và xét xử, chiều 16-11, Tòa án tối cao Campuchia đã ra phán quyết giải thể Đảng Cứu nguy dân tộc (CNRP) đối lập theo đơn kiện của Bộ Nội vụ nước này.
"Tòa án tối cao Campuchia đã quyết định giải thể Đảng Cứu nguy dân tộc (CNRP) và cấm hoạt động chính trị trong 5 năm đối với 118 thành viên cấp cao của đảng này", thẩm phán Dith Munty đọc thông báo về quyết định của tòa.
Theo luật pháp Campuchia, phán quyết của Tòa án tối cao là phán quyết cuối cùng và bị đơn không có quyền kháng cáo.
Dẫu trong thời gian qua, đảng đối lập ở Campuchia vẫn thường xuyên tố cáo bị chính quyền của Thủ tướng Hun Sen o ép nhưng việc đảng này bị đẩy đến bước giải tán là điều chưa ai hình dung có thể nhanh đến vậy.
Một số nhà quan sát cho rằng nó xuất phát từ viễn cảnh cuộc tổng tuyển cử được lên lịch vào tháng 7 năm sau. Trong cuộc bầu cử cấp phường xã vừa qua ở Campuchia, Đảng CNRP dẫu thua ở nhiều địa phương nhưng lại có tiếng nói rất mạnh ở thủ đô Phnom Penh và được cho là đang lấy được lá phiếu của giới trẻ tại Campuchia.
Ngay từ ngày 15-11, để đảm bảo an ninh cho phiên tòa, chính quyền Phnom Penh đã triển khai rất đông cảnh sát vũ trang, phong tỏa các tuyến đường xung quanh tòa án và lập nhiều chốt kiểm soát an ninh tại các cửa ngõ ra vào thủ đô Phnom Penh.
Hiện các lực lượng vũ trang được đặt trong tình trạng trực chiến nhằm đề phòng các hoạt động phản đối của phe đối lập.
Cảnh sát đặt rào chắn chặn đường vào khu vực Tòa án tối cao ngày 16-11 nhằm ngăn ngừa nguy cơ tụ tập biểu tình bạo động từ những người ủng hộ đảng đối lập CNRP - Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, theo hãng tin AFP đã không có một cuộc tập hợp đông người hay biểu tình nào tại thủ đô Phnom Penh trong ngày tòa ra phán quyết. Giao thông ở thủ đô Phnom Penh và xung quanh Tòa án tối cao vẫn diễn ra bình thường.
Cho đến nay, các lãnh đạo CNRP ở trong nước đều tuyên bố không có kế hoạch tổ chức biểu tình phản đối phán quyết của tòa, mặc dù phó chủ tịch CNRP, ông Mua Sochua hôm 13-11 có lên tiếng kêu gọi người ủng hộ tập trung phản đối việc giải thể CNRP dù ông đang ở nước ngoài.
Trong hơn 2 tháng qua, từ khi ông Kem Sokha, lãnh đạo CNRP, bị tạm giam, hơn một nửa số thành viên lãnh đạo cấp cao của CNRP đã rời khỏi Campuchia với lý do được cho là sợ an nguy cho bản thân.
Bộ Nội vụ Campuchia cáo buộc CNRP vi phạm nghiêm trọng Luật chính đảng sửa đổi do có hành vi câu kết với nước ngoài nhằm lật đổ chính phủ hợp pháp tại Campuchia. Thậm chí Thủ tướng Hun Sen, người nắm quyền tại Campuchia đã 32 năm, từng có lúc nói thẳng rằng chính Mỹ đã giật dây cho các hoạt động chống phá chính quyền của ông thông qua đảng đối lập.
Thủ lĩnh CNRP Kem Sokha, người thay thế thủ lĩnh lưu vong Sam Rainsy, đã bị chính quyền bắt giữ từ ngày 3-9 với cáo buộc phản quốc. Chính quyền cho rằng đã nắm trong tay những bằng chứng ghi âm cho thấy ông Kem Sokha liên lạc với "gián điệp nước ngoài" và có âm mưu lật đổ chính quyền.
Theo hãng tin AFP, từ tuần rồi, Thủ tướng Hun Sen đã kêu gọi các nghị sĩ và chính trị gia của CNRP chuyển sang Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) nếu không muốn hứng chịu trừng phạt.
Ông Kem Sokha bị bắt tại nhà riêng lúc vừa bước sang ngày 3-9 với cáo buộc phản quốc và làm gián điệp - Ảnh: AFP
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận