Thời gian gần đây, Fanpage "Vương chim to - Hà Nam" và trang cá nhân "NH Vương chim" liên tục đăng nhiều hình ảnh, clip ăn chim hoang dã.
Thông tin nhà hàng này có địa chỉ ở Phủ Lý, Hà Nam.
Chỉ thị số 04/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ quy định rõ "săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo các loài chim hoang dã, di cư là trái pháp luật".
Đăng công khai clip ăn chim hoang dã lên mạng, gây bức xúc
Tuy nhiên tình trạng mua bán, tiêu thụ chim hoang dã hiện nay vẫn tồn tại, thậm chí nhiều người còn quay clip đăng lên mạng xã hội để quảng cáo gây bức xúc trong dư luận.
Anh Tăng A Pẩu - phó chủ tịch Chi hội Bảo tồn chim hoang dã Việt Nam, trực thuộc Hiệp hội Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam - cho biết các nhà hàng xem chim hoang dã là một mặt hàng độc đáo để kinh doanh là vi phạm pháp luật.
Anh giải thích: "Các loài chim hoang dã trên thế giới đều hữu ích cho con người.
Tuy nhiên có nhiều người không hiểu chim hoang dã có ý nghĩa như thế nào về mặt sinh học và những quy định pháp luật về bảo vệ chim hoang dã nên vô tư ăn chim hoang dã mà không biết mình phạm luật".
Anh Tăng A Pẩu cho biết thêm hiện ở TP.HCM vẫn còn nhiều người buôn bán chim hoang dã như khu vực cầu Phú Mỹ (quận 7), tuyến đường Mai Chí Thọ, Nguyễn Cơ Thạch (thành phố Thủ Đức)...
Nhiều người cho rằng phải chăng quản lý của các cơ quan chức năng chưa chặt, chế tài chưa đủ sức răn đe nên tình trạng buôn bán chim hoang dã công khai không thể dẹp bỏ.
Anh Nguyễn Hoài Bảo - giảng viên bộ môn điểu học Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho rằng ngày nay nhu cầu ăn chim hoang dã không phải do thiếu đói nữa, mà muốn thể hiện sự giàu có của mình.
"Mỗi khi người nổi tiếng xuất hiện, nhà hàng kinh doanh chim hoang dã có thể lợi dụng hình ảnh này để quảng cáo, thu hút thêm người khác đến.
Từ đó, nhu cầu của người tiêu dùng có, dẫn đến việc mua bán, kích thích nhiều người săn bắt chim hoang dã, gây mất cân bằng hệ sinh thái" - anh Nguyễn Hoài Bảo cho biết thêm.
Theo số liệu năm 2022 của Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Việt Nam có 918 loài chim, 12 loài đặc hữu, 9 loài rất nguy cấp, 17 loài nguy cấp, 21 loài bị tổn thương, 44 loài sắp bị đe dọa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận