10/10/2016 09:07 GMT+7

Đảng Cộng hòa “vỡ trận” vì Donald Trump

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TTO - Hàng loạt lãnh đạo chủ chốt Đảng Cộng hòa tuyên bố “hết chịu nổi” và từ bỏ ủng hộ Donald Trump, sau khi chứng kiến đoạn video “tục tĩu” của ông này.

Cử tri ủng hộ tỉ phú Trump tụ tập trước tòa tháp Trump Tower - nơi gia đình ông cư ngụ ở khu Manhattan, New York - ngày 8-10 để thể hiện thái độ tiếp tục ủng hộ ông sau vụ bê bối phát ngôn - Ảnh: Reuters
Cử tri ủng hộ tỉ phú Trump tụ tập trước tòa tháp Trump Tower - nơi gia đình ông cư ngụ ở khu Manhattan, New York - ngày 8-10 để thể hiện thái độ tiếp tục ủng hộ ông sau vụ bê bối phát ngôn - Ảnh: Reuters

“Tôi hi vọng mọi người sẽ chấp nhận lời xin lỗi của ông ấy, như tôi đã làm, và tập trung vào những vấn đề quan trọng hơn của đất nước và thế giới

Bà Melania Trump lên tiếng bảo vệ chồng

Nhiều tờ báo Mỹ gọi đây là “đòn chí mạng” đối với chiến dịch tranh cử của tỉ phú Donald Trump, khi chỉ còn một tháng nữa là đến ngày bỏ phiếu.

Đến nay đã có hơn 150 lãnh đạo Đảng Cộng hòa, trong đó có nhiều nhân vật nổi bật như thượng nghị sĩ John McCain, Mitt Romney, cựu ngoại trưởng Condoleezza Rice... rút lại sự ủng hộ dành cho ông Trump.

Đáng chú ý là danh sách này vừa được bổ sung 41 người chỉ trong ngày thứ bảy 8-10. Lo sợ cơ hội duy nhất của Đảng Cộng hòa trôi theo ông ứng cử viên tai tiếng, một số người thậm chí còn kêu gọi ông Trump nhường lại đường đua vào Nhà Trắng cho ông Mike Pence - ứng viên phó tổng thống.

Phó tướng cũng xanh mặt

“Tôi cứ nghĩ tôi nên tôn trọng sự thật là ông Donald Trump đã giành được đa số phiếu đại biểu theo luật quy định. Nhưng cách hành xử của ông Trump trong tuần này, đỉnh điểm là đoạn phim có nội dung xúc phạm phụ nữ và tấn công tình dục, khiến tôi không còn thể nào tiếp tục ủng hộ ông ấy, dù là ủng hộ có điều kiện” - thượng nghị sĩ John McCain không giấu được sự thất vọng, theo AFP.

Thậm chí đến thống đốc bang Indiana Mike Pence, người giữ vai trò “phó tướng” của ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng, cũng không thể nhắm mắt trước sai lầm nghiêm trọng của đồng minh.

Trưa thứ bảy (8-10, giờ địa phương), ông Pence từ chối xuất hiện thay mặt tỉ phú Trump tại một cuộc họp của Đảng Cộng hòa ở bang Wisconsin, đồng thời đưa ra một thông điệp mang tính chất “tối hậu thư”:

“Tôi không thể tha thứ hay bảo vệ cho những gì ông ấy thốt ra. Chúng tôi cầu nguyện cho gia đình ông ấy và chờ xem ông ấy sẽ bộc lộ trái tim mình như thế nào trước toàn dân vào tối mai”.

Lúc 21g ngày 9-10 (sáng 10-10, giờ Việt Nam), tại Đại học Washington ở thành phố St. Louis (bang Missouri) sẽ diễn ra cuộc tranh luận mặt đối mặt truyền hình trực tiếp lần thứ hai giữa ông Donald Trump và bà Hillary Clinton.

Theo lời thống đốc Pence, ông Trump sẽ không còn cơ hội nào khác ngoài việc phải chiến thắng ở cuộc tranh luận này để lật ngược thế trận trong cuộc đua vào Nhà Trắng đang ở thế nước rút.

Đã ở vào thế bất lợi, một sơ suất nhỏ có thể đặt dấu chấm hết cho bao hi vọng của Đảng Cộng hòa cũng như bao nỗ lực của ông Trump.

Các cố vấn của ông Trump trong cuộc phỏng vấn với báo New York Times mô tả lại trạng thái trước đó của ông này khi xem đoạn video tai tiếng do nhật báo Washington Post tung ra là một mớ lẫn lộn giữa “kinh hoàng và không tin vào mắt mình”.

Tuy nhiên trong thông điệp phát đi sau khi đã “trấn tĩnh”, tỉ phú Trump khẳng định “một triệu năm nữa cũng sẽ không dừng cuộc đua vào Nhà Trắng”.

Không những không tỏ ra yếu ớt, nhà tài phiệt vẫn tự tin vào khả năng chiến thắng của mình vào đầu tháng 11: “Chúng tôi có được sự ủng hộ rất lớn. Tôi nghĩ nhiều người đánh giá thấp lòng trung thành từ các cử tri của tôi”.

Khó tin vào khả năng "còn nước còn tát"

Không phải thành viên Cộng hòa nào cũng còn tin vào khả năng “còn nước còn tát”. Nhiều người đã lên tiếng kêu gọi ông Trump bước xuống, nhường lại tấm vé tranh cử cho phó tướng Mike Pence.

Đến thời điểm trưa 8-10, thượng nghị sĩ John Thune là thành viên cao cấp nhất Đảng Cộng hòa đứng ra ủng hộ “phương án B” này.

Trận “tuyết lở” bắt đầu từ trưa thứ sáu (7-10), khi một nhóm đảng viên Cộng hòa bang Utah tuyên bố tẩy chay ông Trump vì không còn chịu đựng nổi.

Rồi đến khi hai đảng viên bảo thủ, bà Barbara Comstock (bang Virginia) và Martha Roby (bang Alabama), kêu gọi ông Trump rút lui thì những người do dự còn lại cũng mạnh dạn lên tiếng.

Thượng nghị sĩ Kelly Ayotte (bang New Hampshire) tuyên bố thẳng thừng trên mạng xã hội: “Tôi trước tiên là một người mẹ và là một công dân Mỹ, tôi không thể và sẽ không ủng hộ một ứng viên tổng thống đi khoác lác về chuyện hạ nhục và tấn công phụ nữ”.

Vài giờ sau bà Ayotte là đến lượt ông John McCain ra mặt...

Quan điểm cá nhân là một chuyện, nhưng có một điều rõ ràng là ưu tiên của các chính khách Cộng hòa như bà Ayotte hay ông McCain là thử thách tái tranh cử ở quê nhà, họ thà bỏ phiếu cho bà Clinton và được lòng cử tri còn hơn theo ông Trump nhưng lại mất ghế nghị sĩ.

Trong lúc này, Ủy ban quốc gia Đảng Cộng hòa, nhóm giúp đỡ chiến dịch tranh cử cho ông Trump, đang chịu nhiều sức ép phải từ bỏ ông này để tập trung cho các ứng viên khác.

Báo New York Times cho biết các nhà tài trợ và doanh nghiệp hùng mạnh đứng sau Đảng Cộng hòa cũng đã tỏ dấu hiệu sẽ chuyển hướng.

Có lẽ đến giờ này còn ít người quan tâm chuyện cử tri có bỏ phiếu cho Donald Trump hay không, họ chỉ mong cú rơi tự do của ông này đừng kéo theo cả Đảng Cộng hòa trong cuộc chạy đua giành ghế quốc hội.

“Quá khó để ông ấy phục hồi từ cú này, nhưng tác động lớn nhất của vụ bê bối này chính là ảnh hưởng đối với các cuộc bầu cử cấp địa phương. Nếu họ (các đảng viên Cộng hòa) từ chối ủng hộ Trump, phần lớn cử tri sẽ hiểu và tôn trọng quyết định đó” - ông Fred Malek, một nhà tài trợ nhiều ảnh hưởng bên Đảng Cộng hòa, nhận định.

Có gì ở buổi tranh luận trực tiếp thứ hai?

Cuộc tranh luận sẽ kéo dài trong khoảng 90 phút và bắt đầu lúc 21g tối 9-10 (tức 8g sáng 10-10, giờ Việt Nam) - khung giờ vàng truyền hình ở Mỹ.

Theo trang Politico, bà Clinton và ông Trump sẽ có hai phút cho mỗi người để trả lời câu hỏi mà người điều phối nêu ra theo chủ điểm của cuộc tranh luận.

Người điều phối sẽ có thêm một phút sau đó để đào sâu thêm vấn đề hoặc gợi ra chủ đề mới.

Những cử tri được chọn dự nghe trong khán phòng của Đại học Washington ở thành phố St. Louis (bang Missouri) sẽ là những cử tri còn đang do dự.

Hai ứng viên sẽ chủ yếu trả lời câu hỏi chất vấn của cử tri chứ không phải của các nhà báo.

Hai nhà báo điều phối cuộc tranh luận thứ hai này là bà Martha Raddatz - nhà báo chuyên mảng vấn đề quốc tế của Đài ABC và nhà báo Anderson Cooper nổi tiếng của Đài CNN. TÚ ANH

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp