03/08/2014 02:02 GMT+7

Đắng cay đời xiếc

Hà Hương
Hà Hương

TT - Con ngõ nhỏ gấp khúc, xâm xấp nước đọng từ cơn mưa ban sáng dẫn đến một ngôi nhà nhỏ trong khu tập thể Liên đoàn Xiếc Việt Nam. 

Vợ chồng Ngô Thị Tuyết Hoàn - Nguyễn Đức Tài - Ảnh: Việt Dũng
Vợ chồng Ngô Thị Tuyết Hoàn - Nguyễn Đức Tài - Ảnh: Việt Dũng

Trong bóng chiều tà, chỉ có một người phụ nữ ngồi trên chiếc xe lăn, xung quanh phòng khách bé xíu treo đầy bằng khen, giấy chứng nhận, huy chương. Những tấm bằng khen đề tên Ngô Thị Tuyết Hoàn.

Tuyết Hoàn là cái tên quen thuộc của làng xiếc. Nhưng khán giả có lẽ không nhiều người nhớ tên chị. Họ chỉ nhớ những diễn viên ăn vận lộng lẫy, thực hiện những động tác đu dây mạo hiểm giữa lấp lánh ánh đèn sân khấu.

Cú ngã định mệnh

Chúng tôi như những chú đom đóm, cứ sáng rạng rỡ được một lúc rồi khi tắt hết ánh sáng thì buồn tủi nhiều. Nhưng đã bước vào nghề là chấp nhận, bao nhiêu người khổ quá, bỏ nghề rồi vẫn quay lại
Nghệ sĩ  TỐNG TOÀN THẮNG

Một năm trước, cũng trong căn phòng này, không có chiếc xe lăn, không có những nỗi buồn phủ đặc, chỉ có niềm vui của đôi vợ chồng mới cưới. Họ tưởng như có tất cả, một mái nhà nhỏ, một gia đình nhỏ và niềm đam mê bất tận với xiếc.

Nhưng ngày định mệnh bất ngờ ập đến. Cú ngã từ độ cao 2m không quá lạ với diễn viên đu dây, nhất là với một diễn viên có hơn 20 năm gắn bó với xiếc như Tuyết Hoàn.

“Tôi nằm giữa sân khấu. Đưa mắt nhìn xung quanh. Linh cảm mách bảo tôi rằng mình sẽ không bao giờ có thể diễn xiếc được nữa” - Tuyết Hoàn rơi nước mắt khi nhớ lại khoảnh khắc ấy.

“Đến bây giờ nhớ lại, tôi cũng không hiểu sao cô ấy lại ngã. Mọi thứ xảy ra nhanh quá, không ai phát hiện. Nhìn cô ấy nằm bất động trên sàn tập, tôi biết lần này sẽ không giống như những lần ngã trước” - nghệ sĩ Nguyễn Đức Tài, chồng của Tuyết Hoàn, hồi tưởng. Một năm đã qua, với Nguyễn Đức Tài, giây phút đó vẫn không thôi ám ảnh.

Đó cũng là lần đầu tiên sau 20 năm gắn bó với xiếc, Tuyết Hoàn có cảm giác như những chiếc đèn sân khấu rực rỡ từ từ tắt đi từng chiếc một. Hào quang đã ở lại phía sau lưng, chị nói: “Buồn, hối tiếc, thương chồng... mọi thứ ập đến khi đầu óc tôi còn rất tỉnh táo. Với người nghệ sĩ, không được lên sân khấu là điều đáng buồn nhất”.

Phía trước chỉ có chuỗi ngày vật vã ở bệnh viện với các ca mổ đau đớn. Sự hi vọng cũng lụi dần với những thông báo mới của các bác sĩ. Năm tháng tiếp theo, Tuyết Hoàn được chuyển từ Việt Đức sang Hòe Nhai, Bệnh viện Thể thao ở Mỹ Đình, rồi về Bạch Mai.

Phần thân dưới từ thắt lưng đã không còn chút cảm giác nào nữa. Những tài liệu trong nước và trên thế giới cũng chỉ mang đến tin xấu: Tuyết Hoàn khó có thể hồi phục.

Việc trị liệu trên thế giới cũng chỉ đang ở mức thử nghiệm và chi phí quá đắt đỏ. Đồng lương ít ỏi không cho phép họ mơ đến những điều kỳ diệu. Chấp nhận thực tế và chiếc xe lăn, Tuyết Hoàn về nhà.

Chồng là đôi chân của mình

“Những ngày đầu về nhà mọi thứ bất tiện lắm, từ tắm rửa, vệ sinh, mọi cái gần như đều bị động. Sự tiêu cực của cô ấy thể hiện trong từng lời nói, hành động. Còn hai bố mẹ già ở quê nên lúc nào cô ấy cũng có xu hướng đòi về” - Nguyễn Đức Tài kể.

Vào ngày xảy ra cú ngã định mệnh, Nguyễn Đức Tài và Ngô Thị Tuyết Hoàn mới cưới nhau được ba tháng. “Chúng tôi thậm chí còn chưa kịp đi đăng ký kết hôn - anh Tài xót xa nói - Sau tai nạn, cô ấy thường xuyên ngủ muộn, đêm nào cũng trằn trọc. Còn chuyện chia tay thì đề cập thường xuyên”.

Tết năm 2014 là cái tết buồn nhất bởi cả hai ở lại Hà Nội và không dám về quê. “Các cụ đều đã già, nhìn hoàn cảnh hai đứa, các cụ lại đau”.

“Chồng là đôi chân của mình, mọi công việc đều nhờ chồng giúp đỡ từ đi vệ sinh, thay quần áo, tắm giặt. Tiền tích trữ bao lâu cũng mang ra tiêu hết theo những ngày tháng nằm viện. Mọi gánh nặng đều đổ lên vai chồng” - Tuyết Hoàn chia sẻ.

Mọi thứ đều phải làm tại giường, còn căn phòng khách quá chật, chiếc xe lăn chỉ có thể nhích lên nhích xuống vài lần bánh. Mỗi lần chị mệt, anh phải cõng vợ leo cầu thang dốc đứng lên phòng ngủ trên tầng rồi lại cõng xuống.

“Khi tôi khỏe mạnh thì không sao, còn lúc đau ốm, lúc đi diễn xa thì không thể nào xoay xở được. Vì vậy, việc đầu tiên sau khi về nhà là tôi làm một chiếc thang máy để cô ấy có thể di chuyển giữa tầng 1 và tầng 2. Cơ chế hoạt động và bảng điều khiển khá giống với những chiếc ròng rọc trong trò đu dây. Rồi đến thiết bị nâng đỡ ở phòng tắm để cô ấy có thể tự đi vệ sinh và ngồi tắm lúc tôi vắng nhà. Thiết bị cuối cùng và cũng phức tạp nhất là thiết bị như cần cẩu trong phòng ngủ để cô ấy có thể chuyển từ giường sang xe lăn và ngược lại” - anh Tài kể.

Căn nhà nhỏ xíu giăng đầy thiết bị, máy móc. Tuyết Hoàn dần quen với những thứ đồ do chồng tự mày mò thiết kế, có thể tự di chuyển từ tầng 1 lên tầng 2, vào phòng tắm. Buổi chiều, trên xe lăn, chị cũng tự nấu được một bữa cơm nhỏ cho hai vợ chồng.

Yêu là dấn thân

11 tuổi, cô bé người Mường khăn gói theo cha đi từ Hòa Bình đến Hà Nội thi vào Trường Xiếc Việt Nam. Lý do chỉ vì yêu thích, nhà cạnh rạp xiếc, những động tác nhào lộn trên không đã ngấm vào máu từ bé. Năm năm đổ mồ hôi trên sàn tập ở trường để 20 năm sau đó, cô bé người Mường sống trọn vẹn trong tình yêu với xiếc.

Tuyết Hoàn đã có trong tay tấm huy chương vàng, đã đi biểu diễn ở nhiều nước châu Âu và châu Á, là đoàn phó đoàn xiếc 2 của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

Chị nói: “Vẫn biết xiếc là nghề mạo hiểm nhưng phải yêu mới dấn thân vào. Cứ lần này sang lần khác ngã, bị thương, cứ bảo nhau là chuyển sang việc khác cho nhẹ nhàng nhưng rồi chẳng ai bỏ được cả”.

Tuyết Hoàn từng bị gãy tay lúc luyện tập, một vết sẹo chạy dọc cánh tay và xương bên trong phải cố định bằng đinh. Còn những lần bị trẹo chân, trẹo tay, bầm giập nhiều không kể hết.

Tuyết Hoàn bản lĩnh và ở bên chị luôn có một người chồng biết chia sẻ và chăm lo. “10 năm biết nhau, tôi quan sát cuộc sống của Hoàn rồi hiểu và gắn bó với nhau. Con người đều có định mệnh riêng cho mình nhưng vẫn phải tìm cách vượt qua định mệnh, còn hơn là bi quan, chán nản” - anh Tài chia sẻ. Tai nạn không ngăn được vợ chồng trẻ tiếp tục khóa học ở Đại học Văn hóa.

“Hiện nay chúng tôi đã học được ba năm. Sau tai nạn, vợ không muốn đi học nhưng tôi động viên cô ấy đi học cũng là cách thay đổi không khí, giải tỏa tinh thần. Dù có thế nào đi nữa thì những kiến thức ở trường cũng sẽ ít nhiều giúp ích cho cuộc sống của mình”.

Ngoài lúc đi học, Tuyết Hoàn dần quay lại với xiếc. Mỗi đêm, chị ngồi lặng lẽ sau sân khấu giúp đồng nghiệp ghi lại nhật trình biểu diễn. Mỗi khi dàn dựng tiết mục mới, Tuyết Hoàn cũng tham gia hướng dẫn đồng nghiệp. Công việc nho nhỏ vậy nhưng cũng giúp chị phần nào vơi nỗi nhớ nghề.

Phải thuyết phục rất lâu chị mới chấp nhận chia sẻ câu chuyện của mình, không phải vì sợ đối diện với quá khứ mà bởi lẽ “nếu kể ra, lớp trẻ sẽ chẳng ai dám đến với xiếc nữa, mà người học xiếc giờ đã rất ít ỏi rồi”. Và phía sau những buổi sáng chiều trên chiếc xe lăn, sau khuôn mặt hốc hác và cương nghị, Ngô Thị Tuyết Hoàn vẫn ấp ủ một ước vọng mong manh: nếu có thể đứng dậy được thì vẫn tiếp tục diễn xiếc.

Các nghệ sĩ xiếc trong buổi luyện tập tiết mục trên cao - Ảnh: Việt Dũng
Các nghệ sĩ xiếc trong buổi luyện tập tiết mục trên cao - Ảnh: Việt Dũng

Xiếc người có bệnh của xiếc người, xiếc thú có bệnh của xiếc thú

Khi bài viết này đến tay bạn đọc, NSND Vũ Ngoạn Hợp (giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam) vẫn năn nỉ viết thế nào để người ta hiểu xiếc mà đến với xiếc, chứ đừng bi thương quá làm người ta sợ thì chẳng ai dám học xiếc nữa. Dặn vậy nhưng ông giám đốc Liên đoàn Xiếc không khỏi nén tiếng thở dài: nghề này nay tươi mai héo, đào tạo thì lâu mà đời diễn thì ngắn. Gãy chân tay, xương sườn, gai đốt sống hay dạ dày, trĩ là những bệnh thường gặp ở diễn viên xiếc. Xiếc người có bệnh của xiếc người, xiếc thú có bệnh của xiếc thú. 

“Tôi vì có bệnh nên xin chuyển sang xiếc thú, nhưng đúng là tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Hầu hết anh em đều bị phổi, hô hấp. Có anh công nhân chăm sóc voi nhưng vào chuồng thì ngất ngay trong đó vì không khí ô nhiễm quá. Lúc diễn trên sân khấu trông hoành tráng thế nhưng bệnh tật đầy mình. Trên mặt tôi còn rõ một vết sẹo do gấu cào” - nghệ sĩ Nguyễn Văn Hoàn cho biết.

“Người làm xiếc không ai muốn gục ngã trên sân khấu. Chúng tôi sợ người ta biết mình bị bệnh, biết rồi cơ quan không cho lên sân khấu nữa” - nghệ sĩ Tống Toàn Thắng chia sẻ.

“Năm, mười năm nay chúng tôi kiến nghị rất nhiều để thay đổi chế độ lương mà không được. Học năm năm ra trường mà chỉ được tính lương trung cấp, cơ chế đặc thù cũng không có. Nghệ sĩ xiếc đến 90% là mắc bệnh nghề nghiệp” - ông Hợp nói. 40 năm trong nghề thì lương của đạo diễn Nguyễn Văn Dũng (trưởng đoàn xiếc 1) chỉ xấp xỉ 5 triệu đồng. Ngay cả vợ chồng nghệ sĩ Ngô Thị Tuyết Hoàn - Nguyễn Đức Tài tổng tiền lương một tháng cũng chỉ có 7 triệu đồng chi cho tất cả mọi thứ từ bệnh viện, thuốc men, sinh hoạt hằng ngày...

Hà Hương
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp