Cái thiếu của U-19 VN để không có được đẳng cấp như các đối phương hôm nay, ngày mai và tương lai chính là do thiếu những trận đấu thật sự với những đội ở đẳng cấp cao hơn như đội trẻ AS Roma, Tottenham hoặc Nhật Bản. Cả năm 2013, U-19 VN chỉ được đá 11 trận trong ba giải. Đầu tiên là giải giao hữu Sanix Cup 2013 (Nhật Bản): thua 1-2 trước chủ nhà U-17 Nhật Bản, thắng 1-0 trước U-17 Hangzhou Greentown (Trung Quốc) và 4-0 trước U-17 Queensland (Úc), thua Kyushu (Nhật) ở loạt sút luân lưu 11m - tổng cộng được bốn trận.
Kế đến là Giải U-19 Đông Nam Á trước các đối thủ U-19 Malaysia, U-19 Indonesia và U-19 Thái Lan, lọt vào chung kết, tổng cộng cũng chỉ được bốn trận. Sau đó là ba trận ở vòng loại U-19 châu Á: thắng 6-1 và 5-1 trước U-19 Đài Loan (Trung Quốc) và U-19 Hong Kong (Trung Quốc), đè bẹp U-19 Úc 5-1, giành được tấm vé chính thức tham dự vòng chung kết Giải U-19 châu Á 2014.
11 trận đấu, trong đó chỉ có bảy trận thi đấu chính thức, trước những đối thủ ngang tầm và thấp hơn cho mùa bóng 2013 là tất cả vốn liếng thi đấu của U-19 VN. Dù sao qua quá trình thi đấu ít ỏi đó, U-19 VN đã tiến bộ qua từng trận và từng giải. Nó cho thấy các cầu thủ U-19 VN quả thật có năng khiếu, có công phu học tập, đúng thầy, đúng bài bản. Nhưng thiếu kinh nghiệm trận mạc để rèn đẳng cấp so với trẻ AS Roma, U-19 VN “thua là phải” do năm 2013, trẻ AS Roma đã thi đấu 35 trận với những đội U-20 của những nền bóng đá tầm cao châu Âu và thế giới như trẻ Inter Milano, trẻ Juve Stabia, trẻ Latina Calcio, trẻ Livorno Calcio, trẻ US Palermo, trẻ Lazio... Các đội này, nếu ta muốn mời qua thi đấu, e cũng sẽ phải “trải thảm đỏ” như mời AS Roma hay trẻ Tottenham.
Không tiện so thực lực của các đội U-20 Ý với các đội của V-League, song rõ ràng 35 trận thi đấu cho một mùa bóng cũng gần gấp đôi số 20 trận của các đội ở V-League! Chính 35 lượt trận/năm với các đội ở tầm đó, họ đã luyện “ổ khóa Ý” và sát thủ Trani Valerio cùng đồng đội đã rèn nên điều gọi là đẳng cấp của U-19 AS Roma như đã chứng kiến.
Đội U-19 và các đội khác của Nhật cũng rèn đẳng cấp của họ như thế. Cụ thể, cùng lúc với việc gửi đội U-19 Nhật Bản qua VN thi đấu, LĐBĐ Nhật cũng đưa đội U-18 qua Nga tranh giải Granatkin lần thứ 26, quy tụ 16 đội tuyển quốc gia lứa tuổi sinh từ ngày 1-1-1996 trở về sau (trích điều lệ giải) gồm Azerbaijan, Belarus, CH Czech, Estonia, Phần Lan, Hi Lạp, Iran, Latvia, Moldova, Nhật, Nga, Saint-Petersburg, Slovakia, Slovenia, Thổ Nhĩ kỳ và Ukraine.
Và đội U-18 này của Nhật đang đứng đầu bảng C sau ba trận thắng 4-1 trước Azerbaijan (cũng tối thứ tư 8-1 với đội đàn anh U-19 ở VN), 1-0 trước Hi Lạp (hôm 6-1) và 3-1 trước CH Czech hôm 4-1. Đó có phải đội U-17 Nhật năm ngoái đã đá bại U-19 VN 2-1? Và đó có sẽ là đội U-19 năm tới của Nhật? Đội U-19 Nhật Bản đã đè bẹp U-19 VN 7-0 đâu tự dưng mà có đẳng cấp!
Từ đó có thể thấy: 1- Thua thiệt về thể hình là thua thiệt tự nhiên sinh học của người Việt nói chung phải bó tay, đúng như nhận xét của HLV Guillaume Grachaen. 2- Ngược lại, đẳng cấp không hề là cái gì bẩm sinh hay tiền định. Nếu cứ thua đẳng cấp thì chính là do “tất yếu lịch sử” khi chừng nào mà Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) và các đội ở V-League không thành lập những học viện như HAGL - Arsenal và sẽ cứ thua đẳng cấp mãi mãi. 3- Đẳng cấp cũng không từ trên trời rơi xuống, sẽ không bao giờ có được nếu cứ rèn quân kiểu “ao làng” và “tự sướng” với những đội tầm thấp hơn như đội U-23 VN tháng 9-2013 sang Hungary xưng hùng xưng bá với những đội hạng “muỗi” trong khi cùng thời điểm đó, tốp trên các đội U-23 Đông Nam Á cùng tranh Giải Merdeka của Malaysia!
Lúc đó, tối tối trên Star Sport có chiếu nhưng VFF và chẳng “ai” chịu “thấy”! Đẳng cấp liên đoàn bóng đá một nước như thế nào thì đẳng cấp các đội tuyển nước đó như thế ấy! Đẳng cấp làm sao có được khi mà những “nửa triệu USD/năm” đầu tiên mà FIFA tài trợ cho VN để xây dựng nền móng bóng đá trẻ đã được dùng để xây trụ sở VFF?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận