Ngày 4-10, Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng, Trường đại học Y Hà Nội, tổ chức hội thảo mạng xã hội và sức khỏe tâm thần thanh thiếu niên Việt Nam nhằm cập nhật một số thông tin và thảo luận giải pháp nâng cao sức khỏe tâm thần thanh thiếu niên.
Người Việt có thời gian sử dụng mạng xã hội xếp thứ 20 thế giới
Chia sẻ tại hội thảo, ông Cao Hoàng Nam, sáng kiến Z & ALPHA, cho biết thống kê năm 2014 Việt Nam có 37,2 triệu người sử dụng internet và đến tháng 1-2024 đã có khoảng 78,4 triệu người (chiếm hơn 80% dân số Việt Nam). Như vậy, chỉ trong 10 năm tăng hơn 41 triệu người sử dụng internet.
Thống kê tháng 1-2024 với người dùng 16 - 64 tuổi, thời gian sử dụng internet hằng ngày trên tất cả các thiết bị của Việt Nam trung bình 6 giờ 18 phút/ngày/người, đặc biệt thời gian sử dụng internet trên điện thoại di động 3 giờ 30 phút/ngày/người, một con số đáng chú ý.
Về tiếp cận mạng xã hội, có 73,3% dân số sử dụng mạng xã hội, thời gian dử dụng mạng xã hội trung bình 2 giờ 25 phút/ngày/người (thời gian sử dụng mạng xã hội của Việt Nam xếp thứ 20 trên toàn thế giới, đứng đầu là Kenya với 3 giờ 43 phút).
Facebook là nền tảng mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam với 89,7%, Zalo 88,5%, TikTok 77,8%.
Thống kê tháng 1-2024, độ tuổi 16 - 64 tuổi có 96,8% người truy cập trang web, ứng dụng trò chuyện, nhắn tin, 96,6% truy cập mạng xã hội.
Top 5 mục đích chính sử dụng internet gồm giữ liên lạc với bạn bè và gia đình, tìm kiếm thông tin, cập nhật tin tức và sự kiện, xem video, chương trình truyền hình hoặc phim ảnh, truy cập và nghe nhạc trực tuyến.
Trước đó khảo sát của UNICEF năm 2022 về sử dụng internet hằng ngày đối với thanh thiếu niên và trẻ em cho thấy lứa tuổi 12 - 13 tuổi khoảng 82%, lứa tuổi 14 - 15 tăng lên 93%.
Mạng xã hội khiến người trẻ "vào rồi thì khó thoát ra"
Ông Nam cho rằng không thể phủ nhận những lợi ích của mạng xã hội vì "quá nhiều lợi ích to lớn", tuy nhiên gần 20 năm nay, những mặt trái của mạng xã hội rất ít được đưa ra thảo luận, đặc biệt mặt trái của mạng xã hội đối với sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên, trẻ em.
Theo ông Nam, những thiết kế của mạng xã hội đã tác động đến tâm thần người dùng.
Thứ nhất, mạng xã hội thiết kế chức năng like - thích, comment - bình luận, tác động vào cơ chế sản sinh Dopamine nội sinh.
Thứ hai, mạng xã hội được thiết kế dựa trên cơ chế trả thưởng của não: "thuật củng cố biến thiên" hoặc "lịch thưởng biến thiên".
Điều này khiến người dùng mạng xã hội liên tục kiểm tra màn hình để tìm kiếm "phần thưởng Dopamine". Đồng thời mạng thao túng việc giải phóng Dopamine ở người dùng, đặc biệt người dùng trẻ, khiến họ tương tác lập đi lập lại giống như một người đánh bạc bằng máy tính hoặc chơi game.
Đặc biệt mạng xã hội không tiết lộ các thuật toán được sử dụng cho thiết kế có thể tạo ra một chu kỳ tương tác gây nghiện.
Thứ ba, mạng xã hội sử dụng chính dữ liệu của người dùng để tinh chỉnh các nội dung, theo dõi, ghi lại hành vi và sử dụng chính những dữ liệu đó để tinh chỉnh và tăng cường các tính năng.
Thứ tư, thiết kế tính năng "like - thích" và so sánh xã hội để người dùng liên tục kiểm tra lượt thích, tăng cường độ đăng bài tiếp theo. Nếu bài viết có sự từ chối, hoặc cảm thấy bị từ chối sau khi đăng lên được ít người bấm thích trên mạng xã hội có thể dẫn tới các triệu chứng trầm cảm, gia tăng theo thời gian.
Thứ năm, tính năng "thông báo" để liên tục thúc đẩy sự tham gia của người dùng bằng cách gửi thông báo tới người dùng trẻ. Mạng xã hội khiến điện thoại thông minh của người dùng trẻ tạo ra các cảnh báo nghe nhìn và xúc giác làm xao nhãng và cản trở hoạt động giáo dục của người dùng trẻ tuổi và thời gian ngủ nghỉ.
Thứ sáu, tính năng "cuộn vô hạn" và tự động phát video khiến người dùng trẻ khó có thể thoát ra vì không có điểm kết thúc tự nhiên nào cho việc hiển thị thông tin mới.
Thứ bảy, tính năng bộ lọc hình ảnh (visual filters), sự không hài lòng về cơ thể có thể liên quan đến việc gia tăng các triệu chứng của tình trạng sức khỏe tâm thần và có thể dẫn đến nguy cơ mắc chứng rối loạn ăn uống cao hơn.
Theo TS. Nguyễn Thị Mai Hương, Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng, Trường đại học Y Hà Nội, khi thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội sẽ tác động đến thùy trán, gắn với việc ghi nhớ chi tiết, lên kế hoạch và sắp xếp công việc theo mức độ ưu tiên, do đó khiến thanh thiếu niên mất khả năng thiết lập những ưu tiên trong cuộc sống.
Hệ quả, dành thời gian trên mạng mới là việc ưu tiên, còn những công việc của cuộc sống hằng ngày phải xếp sau.
Theo bà Hương, tại Việt Nam đã có một số mô hình, can thiệp, trị liệu nghiện mạng xã hội ở thanh thiếu niên như phòng khám điều trị nghiện chất, trung tâm rèn luyện kỹ năng sống để điều trị nghiện internet - game online (tuy nhiên mô hình này đã phá sản và không khả thi).
Những điều mạng xã hội "không nói"
Theo ông Cao Hoàng Nam, có bốn điều mạng xã hội đang không công khai, gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần thanh thiếu niên, bao gồm:
- Mạng xã hội nhận thức được bộ não đang phát triển của người dùng trẻ dễ bị tổn thương với các thiết kế này nhưng họ đã chọn làm như vậy.
- Mạng xã hội che giấu các báo cáo có hại tới người sử dụng.
- Mạng xã hội cho phép trẻ em vị thành niên sử dụng mạng xã hội.
- Mạng xã hội thu thập dữ liệu trẻ em (dưới 13 tuổi) mà không được sự đồng ý của cha mẹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận