16/07/2016 06:00 GMT+7

Đăng ảnh lên Facebook phải xin phép sao?

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN

TTO - Phổ biến ảnh trên Facebook cũng phải xin phép? Nhà nước có phải hợp tác với các trang mạng xã hội Facebook, Instagram, Flickr... để đưa ra các điều khoản nội dung ảnh được phép đăng?

Việc đăng ảnh trên những diễn đàn nhiếp ảnh như thế này liệu có phải xin giấy phép? - Ảnh chụp màn hình.

Việc đăng ảnh trên những diễn đàn nhiếp ảnh như thế này liệu có phải xin giấy phép? - Ảnh chụp màn hình

Nghị định 72/2016 về hoạt động nhiếp ảnh trong đó quy định hành vi “triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh trên mạng Internet” cũng phải xin phép đã làm dư luận dậy sóng. 

Khoản 1 điều 11 của nghị định 72 quy định: “Tổ chức, cá nhân tổ chức triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh tại Việt Nam phải có giấy phép triển lãm do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp”.

Trong khi đó, ở phần giải thích từ ngữ (khoản 9, điều 3) viết: “Triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh là hình thức phổ biến, giới thiệu, trưng bày, trình chiếu tác phẩm nhiếp ảnh, bao gồm cả triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh trên mạng Internet”.

Hiện nay nhu cầu của rất nhiều người chứ không riêng gì của các nhiếp ảnh gia là đăng tải ảnh cá nhân lên mạng Facebook với nhiều mục đích như quảng bá hình ảnh, chia sẻ với bạn bè, người thân…

Việc nghị định 72 chưa nêu rõ thế nào là hành vi triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh trên mạng Internet, thế nào là hành vi đăng ảnh vì mục đích cá nhân đã gây tâm lý hoang mang cho rất nhiều người.

Quy định không khả thi?

Tâm Bùi - một nhiếp ảnh gia - thể hiện sự băn khoăn đối với quy định phải xin phép trước khi đăng hình lên mạng.

“Nếu quy định này trong nghị định 72 là nhắm vào mọi đối tượng đăng hình lên mạng xã hội và Internet thì thật vô lý, xa rời thực tế và không phù hợp với tình hình phát triển công nghệ thông tin hiện nay” - nhiếp ảnh gia Tâm Bùi nói.

Theo anh Tâm Bùi, quy định này có thể làm hạn chế quyền chia sẻ, giao lưu giữa các nhiếp ảnh gia với nhau và với công chúng.

Bên cạnh đó, nhiếp ảnh gia Tâm Bùi cũng đặt câu hỏi về vấn đề quản lý khi nghị định này bắt đầu có hiệu lực thi hành.

“Ai sẽ là người rà soát hết những nội dung hình ảnh do tất cả mọi người đăng tải? Ai sẽ là người quyết định những tấm ảnh đó được đăng với mục đích cá nhân hay triển lãm? Cơ quan chức năng có thẩm quyền có đủ khả năng xem xét kiểm tra đánh giá và cấp giấy phép trong từng trường hợp không? Nhân sự ở đâu cho đủ để làm những việc này?” - anh Tâm Bùi đặt ra hàng loạt câu hỏi.

Theo chuyên gia an minh mạng Võ Đỗ Thắng - giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị và an ninh mạng ATHENA, việc đăng tải ảnh lên Internet cũng phải xin phép không chỉ ảnh hưởng đến các nhiếp ảnh gia mà còn hạn chế quyền tự do cá nhân của nhiều người.

Với những người đăng tải ảnh chỉ nhằm mục đích cá nhân thì việc phải xin phép là một điều rất bất cập.

Ông Võ Đỗ Thắng cho rằng việc quản lý tại các buổi triển lãm là không khó, tuy nhiên nếu muốn đặt ra vấn đề quản lý trên Internet, trên mạng xã hội thì vấn đề phức tạp hơn rất nhiều.

“Bởi không gian mạng Internet không giới hạn về mặt địa lý. Đối với những cuộc triển lãm ảnh trên Internet của người ở ngoài nước thì sao? Nếu nhiều nhiếp ảnh gia VN tìm cách “lách luật”, đăng ảnh bằng máy chủ đặt ở nước ngoài thì rất khó để quản lý được” - chuyên gia Võ Đỗ Thắng phân tích.

Theo ông Võ Đỗ Thắng, nếu muốn quản lý thì các cơ quan nhà nước phải hợp tác được với cơ quan chủ quản của các trang mạng xã hội chuyên về đăng tải ảnh như Facebook, Instagram, Flickr… nhằm đưa ra sự thống nhất về các điều khoản quy định về nội dung hình ảnh được phép đăng tải lên các trang này. 

“Nếu các trang mạng này không đồng ý hợp tác với chúng ta thì việc quản lý cũng không có hiệu quả” - ông Võ Đỗ Thắng nói.

Đề ra luật “dư thừa”

Theo luật sư Lê Quang Vy (Công ty Phước & Partners), việc ban hành nghị định 72 là không cần thiết.

Hoạt động nhiếp ảnh là một hoạt động văn hóa, do đó nó được điều chỉnh bởi nghị định 103/2009 của Chính phủ.

Về chế tài đã có nghị định 158/2013 (xử phạt trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo); nghị định 159/2013 (xử phạt trong hoạt động báo chí, xuất bản) và nghị định 131/2013/NĐ-CP (xử phạt về quyền tác giả, quyền liên quan).

“Do đó việc ban hành nghị định 72 không những thừa mà còn gây khó khăn trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật của các nhiếp ảnh gia” - LS Lê Quang Vy kết luận.

LS Lê Quang Vy cũng cho rằng quyền sáng tạo nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ việc sáng tạo là một nguyên tắc hiến định (điều 40 Hiến pháp), trong đó có việc tạo ra những tác phẩm nhiếp ảnh.

Theo Luật sở hữu trí tuệ, người sáng tạo ra tác phẩm là tác giả tác phẩm và có những quyền nhân thân và quyền tài sản theo luật định.

“Nghị định không thể vi hiến và vi luật được, bởi suy cho cùng việc phổ biến tác phẩm là quyền của tác giả hay chủ sở hữu tác phẩm đã được Luật sở hữu trí tuệ bảo hộ” - LS Lê Quang Vy cho biết.

LS Trần Ngọc Quý (Đoàn luật sư TP.HCM) lý giải quy định triển lãm ảnh trên mạng Internet phải xin phép được đề ra nhằm mục đích quản lý các hoạt động triển lãm ảnh trên Internet, tránh các hành vi xâm phạm thuần phong mỹ tục, xâm phạm an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên quy định này quá bao quát và gần như không làm rõ được đâu là hoạt động triển lãm ảnh trên Internet và đâu là giới thiệu ảnh cá nhân trên mạng không thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định.

“Các cơ quan chức năng có thẩm quyền nên xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định nêu trên để mở ra một hành lang pháp lý an toàn cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hoạt động nhiếp ảnh” - LS Trần Ngọc quý nói.

Luật không khả thi sẽ khiến người dân... "lờn"

Ý kiến của nhiều bạn đọc cho rằng mỗi điều luật hay một quy định nào đó trước khi được áp dụng vào thực tế phải được xem xét và đánh giá trước.

Bạn đọc Nông dân viết: “Theo tôi, đăng ảnh lên trang xã hội là việc cá nhân. Nếu đăng lại ảnh của cá nhân, tổ chức khác thì đã có Luật bản quyền hay đăng ảnh có tính chất nhục mạ, tung tin thất thiệt cũng có Luật hình sự”.

Các bạn đọc cũng cho rằng sẽ có thêm "một núi việc" dành cho việc quản lý của các cơ quan có thẩm quyền.

“Thử tưởng tượng cơ quan quản lý nhận chừng 1 triệu đơn xin cấp phép đăng ảnh lên mạng trong một ngày thì tôi không thể hình dung được họ sẽ xử lý như thế nào” - một bạn đọc góp ý.

Bạn Nguyễn Đình Hoàng đề xuất: “Những ảnh nào có dấu hiệu gây phản cảm, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, đi ngược lại với vẻ đẹp của người Việt Nam thì nên xử lý. Còn những ảnh bình thường thì không nên ràng buộc”.

TÀI PHONG

 

Mời bạn đọc nghe phát biểu trong bài:

>> Chuyên gia Võ Đỗ Thắng: 

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục

    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp