Lúa giống, lúa dành xay gạo ăn của một gia đình tại thôn Thạnh Hội (xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) bị lũ làm hư hỏng - Ảnh: DUY THANH
Chiều 4-12, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên họp triển khai các biện pháp khẩn cấp để khắc phục hậu quả trận lũ lụt nghiêm trọng trong các ngày 30-11 và 1-12 tại tỉnh này.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Mạnh Sơn - chủ tịch UBND xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa) - cho biết thủy điện xả lũ quá lớn, quá nhanh, dân các thôn của xã phải chạy thoát thân, không kịp kê dọn đồ đạc tài sản, thiệt hại rất lớn.
"Gần 800 hộ dân với hàng ngàn nhân khẩu bị ngập lụt không còn lương thực, thực phẩm, áo quần, màn mùng… Giống lúa, giống hoa màu cũng bị lũ làm hư hết rồi. Sách vở, dụng cụ học tập của học sinh bị ngâm nước, hư sạch. Đề nghị huyện, tỉnh sớm hỗ trợ cho bà con ổn định cuộc sống", ông Sơn nói.
Theo ông Nguyễn Trọng Tùng - giám đốc Sở NN&PTNT Phú Yên - lũ lụt đã làm 9 người chết và mất tích, thiệt hại khoảng 371 tỉ đồng tính đến trưa 4-12. "Chúng tôi đã đề nghị trung ương hỗ trợ cho Phú Yên 3.000 tấn gạo cứu đói, 1.500 tấn lúa giống, hỗ trợ tỉnh 350 tỉ đồng để khắc phục hậu quả đợt lũ lụt này", ông Tùng nói.
Cụm đầu mối kênh chính Bắc của hệ thống thủy nông Đồng Cam ở Phú Yên bị lũ phá tan tành - Ảnh: DUY THANH
Kết luận, ông Trần Hữu Thế - chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - yêu cầu các địa phương ngay lập tức cứu đói cho dân vì nhiều bà con vừa trải qua rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19, nay lại bị thiệt hại nặng nề bởi trận lũ lớn.
Các địa phương khẩn trương thống kê, đánh giá chính xác thiệt hại của dân chậm nhất vào ngày 6-12, sau đó chủ động áp dụng các chính sách hiện hành để hỗ trợ cho gia đình có người chết, nhà sập, hư hỏng, thiệt hại nông nghiệp và chăn nuôi do thiên tai…
Riêng việc hỗ trợ cho học sinh bị lũ làm hư hỏng sách vở, thiết bị học tập, ngành tài chính phải tham mưu chậm nhất trong ngày 5-12 để sớm tạo điều kiện cho học sinh bị thiệt hại sớm học tập trở lại.
Ông yêu cầu ngành NN&PTNT nhanh chóng tìm nguồn lúa giống để khi trung ương cấp vốn hỗ trợ thì mua ngay cấp cho dân sản xuất vụ đông xuân, nếu trễ lịch thời vụ thì khó khăn trong dân càng thêm chất chồng. Riêng hệ thống thủy nông Đồng Cam, hệ thống kênh mương nội đồng, ruộng lúa bị sa bồi thủy phá phải được khẩn trương sửa chữa, dọn dẹp để đảm bảo cho việc sản xuất của dân.
Đối với việc cảnh báo xả lũ hạ du sông Ba, ông Thế giao ngành NN&PTNT phối hợp ngành thông tin và truyền thông xây dựng ứng dụng số hóa bản đồ ngập lụt cài đặt vào điện thoại của dân để khi có xả lũ là dân biết ngay, thông báo cụ thể bản đồ ngập lụt theo lưu lượng xả lũ để bà con biết chủ động kê dọn đồ đạc, dời tài sản, sơ tán đến nơi an toàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cũng bày tỏ sự trân trọng và biết ơn các cá nhân, tổ chức, nhà hảo tâm những ngày qua đã chia sẻ, tặng quà giúp đỡ người dân vùng lũ của tỉnh vượt qua khó khăn. Tuy nhiên ông đề nghị hoạt động từ thiện cần có sự phối hợp với địa phương để đảm bảo việc phòng chống dịch COVID-19.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận