Từ sáng sớm 23 -11, người dân xã Hòa Tâm chằng chống nhà cửa đề phòng gió lớn do ảnh hưởng bão số 9 - Ảnh: DUY THANH
Đến trưa 23-11, tại vùng ven biển phía nam tỉnh Phú Yên có mưa và gió lớn giật mạnh khoảng cấp 5-6.
Tại xã Hòa Tâm (huyện Đông Hòa), nơi có 110 ngôi nhà bị sập và tốc mái do lốc xoáy trưa 18-11, nhiều người dân đã vô bao cát, giúp nhau đưa lên giằng trên các mái tôn, mái ngói để phòng mưa to gió lớn được dự báo sẽ xuất hiện nặng hơn vào chiều cùng ngày do ảnh hưởng của bão số 9.
Cố chằng chống để tránh thiệt hại kép
Bà Nguyễn Thị Chiều, 63 tuổi, là hộ nghèo, sống một mình vì chồng mất nhiều năm, hai người con đã lập gia đình ở riêng nơi khác. Cơn lốc xoáy vào trưa 18-11 thổi bay gần hết mái nhà của người phụ nữ đơn thân này, chỉ còn chừa lại một phần nhỏ phía nhà dưới. Ba ngày qua, bà Chiều không biết xoay đâu ra tiền để mua tôn lợp lại mái nhà.
Một góc mái nhà còn lại của bà Chiều - Ảnh: DUY THANH
"Tui cũng không biết khi nào mới lợp lại được mái nhà nữa. Trưa nay nghe đài báo bão nay mai vô mà bủn rủn cả người. Mới nhờ đứa cháu giằng cái mái cho đỡ ướt. Mưa lớn, bão vô thì tui đi tá túc nhà hàng xóm thôi" – bà Chiều rưng rưng.
Cùng sáng 23-11, khi chúng tôi đến thì vợ chồng ông Lê Văn Giữ, bà Nguyễn Thị Thủy đang đưa bao cát lên đè mái tôn mới được đóng lại sau khi cơn lốc hôm 18-11 "dỡ" bay. Gia cảnh quá nghèo, vợ chồng ông Giữ chỉ dùng các tấm tôn để quây lại làm thành nhà ở tạm.
Vợ chồng ông Lê Văn Giữ đưa bao cát lên chằng mái tôn vừa lợp lại sau lốc xoáy - Ảnh: DUY THANH
"Bão số 12 năm 2017, ổng đi hái cà phê mướn trên Đắk Lắk, ba mẹ con ở nhà thì nhà sập. Chính quyền cho tôn mới nên dựng lại được mái nhà này. Vừa rồi lốc cuốn sạch, mới cố gắng dựng lại xong thì giờ thấy gió mạnh lên nữa. Lo quá chừng!" – bà Thủy buông lời.
Trên các ngả đường vào trung tâm xã Hòa Tâm, nhiều người dân rủ nhau bỏ bao cát lên mái nhà như giải pháp duy nhất để họ ứng phó với mưa và gió lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 9.
Chủ tịch UBND xã Hòa Tâm Lê Văn Dãng cho biết để ứng phó với bão số 9, những ngày qua, các lực lượng của huyện, xã cố gắng cùng người người dân sửa chữa, lợp lại mái nhà, chằng chống cho chắc chắn để không bị thiệt hại kép.
Nhiều nhà chưa kịp lợp lại
Thế nhưng, vẫn còn một số nhà bị tốc mái hoàn toàn sau cơn lốc hôm 18-11 chưa kịp lợp lại như nhà các anh Nguyễn Thành Liêm, Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Văn Nhựt…
"Cả xã Hòa Tâm là nơi quy hoạch cho các dự án lớn, dân cả xã phải di dời đi. Nhưng hơn chục năm nay, các dự án cứ "treo" miết, dân không đi được mà muốn làm nhà kiên cố để ở cũng không xong. Bởi vậy nhà cũ, yếu, hư hỏng cũng chỉ sửa tạm bợ để ở tạm. Mỗi lần nghe có mưa lớn, bão tố là thót cả ruột gan" – anh Liêm thổ lộ.
Từ khi bị lốc xoáy đến nay, có trên 5 hộ dân ở xã Hòa Tâm phải đi tá túc nhà người thân hoặc hàng xóm vì chưa có điều kiện sửa chữa, lợp lại mái nhà.
Dù mái nhà đã được lợp lại, nhưng vì nhà cũ kỹ, nứt nẻ, không an toàn nên cụ Lê Thị Lay ở xã Hòa Tâm phải khóa cửa đi ở nhờ nhà người quen từ chiều 22-11 - Ảnh: DUY THANH
Chủ tịch UBND xã Hòa Tâm cho biết: với những nhà quá yếu, mất an toàn, chúng tôi vận động người dân đến nhà bà con, nhà hàng xóm chắc chắn hoặc về trụ sở xã, trường học để trú tạm trong những lúc thời tiết khắc nghiệt" – ông Dãng cho hay.
Ở thôn Phú Hạnh (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An), nơi cũng bị một cơn lốc xoáy càn qua trưa 18-11 làm 59 ngôi nhà sập, tốc mái, ông Nguyễn Kim Thanh – chủ tịch UBND xã – cho biết toàn bộ nhà tốc mái đã được lợp lại. "Những nhà sập không sửa chữa được hoặc không sửa kịp thì phải sơ tán người đi nơi khác an toàn" – ông Thanh cho biết.
Tuổi Trẻ hỗ trợ cho người thiệt hại vùng lốc xoáy
Đại diện báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh đoàn Phú Yên vừa trao tiền hỗ trợ cho 22 hộ dân bị thiệt hại nặng do lốc xoáy gây ra tại xã Hòa Tâm và xã An Ninh Đông.
Trao tiền hỗ trợ của bạn đọc Tuổi Trẻ cho người dân bị sập nhà do lốc xoáy ở xã Hòa Tâm - Ảnh: VĂN TAM
Những hộ bị sập nhà hoặc bị tốc mái 100% được hỗ trợ 5 triệu đồng, các hộ còn lại được hỗ trợ 2-3 triệu đồng/hộ tùy mức độ thiệt hại. Tổng kinh phí hỗ trợ là 75 triệu đồng do bạn đọc báo Tuổi Trẻ đóng góp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận