Đại biểu Lê Trương Hải Hiếu, phát biểu chất vấn tại kỳ họp thứ năm, HĐND TP.HCM - Ảnh: Tự Trung |
Theo đại biểu Hiếu, nhu cầu về ăn sạch của người dân TP đang rất được quan tâm. Hiện nay, nhiều hộ gia đình có điều kiện đang cùng nhau hùn tiền thuê một khu đất, thuê người trồng rau sạch để ăn.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy cũng nêu hiện ở TP đang có mô hình thuê đất trồng rau, hình thành các cơ sở trồng trọt xen cài trong khu dân cư hoặc các khu vực ngoại thành.
Mô hình này rất được ưa chuộng vì mang lại nguồn lợi nhất định cho người dân trong bối cảnh nhu cầu rau sạch, rau an toàn đang rất bức thiết.
“Có giải pháp nào hỗ trợ cho mô hình này, đồng thời có cơ chế giám sát như thế nào để có sản phẩm sạch đúng nghĩa?”, bà Thúy đặt câu hỏi.
Trả lời những câu hỏi này, Giám đốc sở NN&PTNT Nguyễn Phước Trung cho rằng, mô hình thuê đất trồng rau là mô hình tốt, vừa giúp người dân TP được thư giãn, vừa có rau ăn.
“Chúng tôi cũng sẽ tìm cách hỗ trợ, giúp đỡ quy trình kỹ thuật, kiểm soát chất lượng đối với các doanh nghiệp có điều kiện thực hiện mô hình này”, ông Trung nói.
Ông Nguyễn Phước Trung, giám đốc Sở NN&PTNT TP - trả lời chất vấn của các đại biểu - Ảnh: Tự Trung |
Tuy nhiên, ông Trung chia sẻ thêm, mặc dù Sở NT&PTNT đã cố gắng gắn bà con nông dân với doanh nghiệp, mong muốn bà con cho thuê đất để doanh nghiệp làm nông nghiệp, nhưng rất khó.
Bà con nông dân lưỡng lự, dù năng suất sản xuất không cao và sản phẩm cũng không có giá trị cao.
TP có mô hình nhỏ nào để hỗ trợ bà con?
Bên cạnh những ý kiến về quy hoạch phát triển nông nghiệp, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp…, các đại biểu cũng đặt câu hỏi về đời sống người nông dân hiện nay. Đại biểu Tăng Hữu Phong đặt vấn đề với tình hình sản xuất nông nghiệp như hiện nay, thì thu nhập của người nông dân như thế nào, có đảm bảo được mức sống của người dân trong điều kiện chi phí cao như hiện nay hay không? Ông Phong cũng nêu thực trạng một phần đất ngoại thành bỏ hoang khá nhiều do con em nông dân đã vào làm ở các công ty xí nghiệp nên không còn lao động. Mặt khác nếu sản xuất cũng không đủ quy mô tạo ra lợi nhuận. “Thành phố có mô hình gì ở quy mô nhỏ để hỗ trợ bà con không?”, ông Phong đặt câu hỏi. Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Phước Trung nói, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, vấn đề thu nhập hết sức được quan tâm. Thực tế, khoảng cách thu nhập giữa khu vực nông thôn và thành thị ở TP.HCM ngày càng thu hẹp. Mức thu nhập trung bình của người dân khu vực nông thôn năm 2015 là 41,47 triệu đồng/người/năm, năm 2016 đạt 43,4 triệu đồng/người/năm. Ghi nhận ý kiến về đất ngoại thành bỏ hoang, quy mô nhỏ khó sản xuất đạt lợi nhuận, ông Trung nói: “Chúng tôi tiếp thu ý kiến của các đại biểu, nghiên cứu để có thêm nhiều mô hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận