27/11/2018 17:01 GMT+7

Dân tố huyện cấp đất sai, phó chủ tịch huyện nói 'hoàn toàn không'

NHẬT LINH
NHẬT LINH

TTO - Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thừa Thiên- Huế đang làm rõ thông tin cho rằng nhiều cán bộ được cấp đất rừng bất thường tại khu vực ven biển thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc.

Dân tố huyện cấp đất sai, phó chủ tịch huyện nói hoàn toàn không - Ảnh 1.

Một trong những khu đất thuộc thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh được cho là cấp sai quy định cho các cán bộ công tác tại đây - Ảnh: THÀNH CÔNG

Chiều 27-11, tin từ UBND huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên – Huế), cho biết: vừa làm việc với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên – Huế và đang hoàn thiện báo cáo về thông tin nhiều cán bộ được cấp đất rừng sai quy định tại thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc.

Trước đó, ông Huỳnh Đăng Truyền (trú thôn Cảnh Dương) có đơn phản ánh, việc ông này có thửa đất khai hoang và canh tác đã hàng chục năm nay nhưng hiện sổ đỏ lại mang tên người khác. Khu đất của ông Truyền nói đến có liên quan đến 15 khu đất trồng dương ven biển của thôn Cảnh Dương hiện thuộc quyền sở hữu của các cán bộ, cựu cán bộ từng công tác tại UBND huyện Phú Lộc.

Khu đất mà ông Truyền canh tác hiện đang đứng tên 2 người là ông Phạm Viết Phong - nguyên phó Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch HĐND huyện Phú Lộc và ông Nguyễn Kim Trường - nguyên phó Chủ tịch HĐND huyện Phú Lộc.

Ngoài ra, trong 15 khu đất nói trên còn có thửa đất đứng tên ông Hồ Trọng Cầu - hiện đang là phó chủ tịch UBND huyện Phú Lộc và bà Lê Thị Kim (vợ ông Cầu).

Trước đó, ông Truyền đã làm đơn phản ánh sự việc trên gửi lên UBND huyện Phú Lộc và nhận được câu trả lời là "phản ánh thiếu căn cứ".

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online vào chiều 27-11, ông Hồ Trọng Cầu – người có liên quan đến sự việc, khẳng định "việc cấp đất hoàn toàn không sai".

Ông Cầu cho biết trước năm 1993, 15 khu đất trồng rừng dương trên là đất rừng phòng hộ thuộc quản lý của HTX Bình Dương. Tuy nhiên sau một trận bão lớn, rừng dương bị gãy đổ gần hết. Lợi dụng thiên tai, người dân địa phương đã chặt phá những cây dương còn lại trong sự bất lực của HTX Bình Dương.

Trước thực trạng trên, theo ông Cầu: chính quyền huyện Phú Lộc đã cho thu hồi những khu đất nói trên rồi giao cho một số hộ dân cùng công đoàn các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện để trồng và bảo vệ, chăm sóc rừng. Trong số những tổ chức công đoàn được giao đất rừng có Công đoàn Văn phòng UBND huyện Phú Lộc.

Thời điểm đó ông Cầu (đang là phó chánh văn phòng) và vợ là bà Kim (nhân viên tạp vụ) đều là người của công đoàn nên được giao đất với diện tích mỗi khu đất khoảng 1.600m2.

Ông Cầu nói rằng: vào thời điểm đó theo Luật Đất đai năm 1993 và Nghị định 02 của Chính phủ về hướng dẫn cấp đất lâm nghiệp thì công đoàn cũng được giao đất và cán bộ là đối tượng cũng được giao đất như người dân.

"Thời điểm đó chưa có Quy hoạch chi tiết Khu kinh tế, công nghiệp Chân Mây – Lăng Cô nên nhiều người nói tôi cùng những anh em khác lợi dụng chức vụ để chiếm đất ven biển nhằm tư lợi là hoàn toàn không đúng. Tôi khẳng định việc chúng tôi được giao đất rừng là không sai, đúng theo pháp luật" – ông Cầu nói.


NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp